Kỹ Thuật Nuôi Trâu Bò Thịt
Từ trước tới nay, chăn nuôi trâu bò chuyên thịt ở nước ta vẫn chưa phát triển. Trâu bò và đặc biệt là trâu bị giết thịt chủ yếu trong tình trạng khẩn cấp: ốm hoặc không còn khả năng sinh sản, làm việc... Mấy năm gần đây, nhờ sự phát triển kinh tế đất nước và trước nhu cầu của thị trường, chăn nuôi bò thịt nhằm tạo ra loại thịt chất lượng cao ngày càng được quan tâm và dần dần hình thành hướng sản xuất cụ thể.
Trong chăn nuôi bò thịt, có thể chọn nuôi những giống ngoại chuyên dụng. Ưu diểm của các giống này là tốc độ sinh trưởng và tăng trọng lớn, tỷ lệ thịt sẽ cao (trên 60%) và phẩm chất thịt ngon. Tuy nhiên, muốn nuôi được các giống này phải đầu tư lớn, phải nắm bắt được các kỹ thuật chuẩn xác. Cũng có thể dùng các giống bò lai (sử dụng bò đực giống hoặc tinh bò đực giống thịt cho lai với bò cái địa phương đã qua chọn lọc), hoặc thậm chí bò địa phương để nuôi thịt (nhất là trong điều điện chăn nuôi hộ)
Điều quan trọng là, phải có đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thụât chăm sóc, nuôi dưỡng tiên tiến, hợp lý; cần chia quá trình nuôi dưỡng theo từng giai đoạn: giai đoạn bú sữa, giai đoạn nuôi lớn và giai đoạn vỗ béo. Mục tiêu cần đạt được là, làm sao trong một thời gian nhất định, đạt khối lượng cao, bò có độ béo khá mà tiêu tốn thức ăn cho một kilôgam tăng trọng ở mức thấp nhất.
* Giai đoạn nuôi lớn - từ 7 đến 21 tháng tuổiTrong giai đoạn này bê non hoàn thiện các cơ quan nội tạng, phát triển mạnh các chiều cơ thể và tăng trọng nhanh. Chính vì vậy, cần cung cấp cho bê các loại thức ăn nhiều protein như cỏ họ đậu (cỏ stylo, lá keo dậu...), khô dầu, bột cá và nếu cần thiết, có thể bổ sung thêm ure vào khẩu phần dưới các dạng khác nhau. Hàng ngày chăn thả bê non trên bãi hoặc trên cánh đồng 8-10 giờ, để bê có thể tận dụng được nhiều cỏ tươi, đồng thời bê có điều kiện vận động dưới nắng ấm, cơ thể tổng hợp được nhiều vitamin D làm cho bộ xương phát triển vững chắc.
* Giai đoạn vỗ béo - từ 22 đến 24 tháng tuổi
Nuôi vỗ béo, là một phương thức chăn nuôi thâm canh được áp dụng trong một thời gian ngắn trước khi giết thịt nhằm đạt mức tăng trọng cao, tích luỹ mỡ nhanh, giảm chi phí sản xuất, đồng thời cải thiện chất lượng thịt và tăng hiệu quả chăn nuôi.
Hiệu quả vỗ béo bò thịt phụ thuộc vào:
- Tuổi vỗ béo: vỗ béo bò ở lứa tuổi còn non cho hiệu quả cao. Bởi vì, bò non có tốc độ lớn nhanh, với bộ răng chắc khoẻ nên khả năng tiêu hoá và đồng hoá thức ăn tốt hơn, khả năng tích luỹ cũng cao hơn. Hơn nữa, vỗ béo ở lứa tuổi còn non cho tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng và độ mềm của thịt tốt hơn. Có thể bắt đầu đưa vào vỗ béo từ 22 tháng tuổi.
- Giống bò đưa vào vỗ béo: Những giống bò chuyên dụng thịt cho kết quả vỗ béo tốt nhất so với các giống bò kiêm dụng hoặc các giống bò địa phương. Bởi vì, chúng đã được chọn tạo để sản xuất thịt, có khả năng tăng trọng cao và cho tỷ lệ thịt xẻ cao.
- Thức ăn sử dụng để vỗ béo: Có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất vỗ béo và phẩm chất thịt bò. Số lượng và chất lượng thức ăn đóng vai trò quan trọng trong việc vỗ béo. Ngoài ra, kỹ thuật cho ăn và cả phương thức chế biến thức ăn cũng có tác dụng đối với hiệu quả của vỗ béo.
Thông thường, thức ăn của bò vỗ béo bao gồm cỏ tươi, cỏ khô, rơm lúa khô, thức ăn tinh và thức ăn củ quả. Cần cho ăn loại thức ăn tinh giầu năng lượng để giúp cho cơ thể tích luỹ mỡ nhanh và bò chóng béo. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng gia đình, mỗi ngày có thể cung cấp cho mỗi con bò vỗ béo 1-2kg thức ăn tinh. Trong giai đoạn này cần hạn chế bê non vận động bằng cách chăn thả gần chuồng để tập trung chất dinh dưỡng vào việc tích luỹ mỡ và nâng cao độ béo.
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, một số lượng lớn trâu bò sau một thời gian sử dụng không còn khả năng sinh sản, làm việc được nữa và được giết thịt. Loại trâu bò này thường gầy yếu, tỷ lệ thịt sẽ thấp và chất lượng thịt không cao, nếu không được vỗ béo trước khi giết mổ. Vỗ béo loại trâu bò này để làm sao sau giai đoạn vỗ béo khối lượng cơ thể tăng 15-20%. Phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả trên đồng bãi, kết hợp với thêm cỏ, rơm và thức ăn tinh tại chuồng. Đối với các tỉnh phía Bắc, tốt nhất là vỗ béo trâu bò vào mùa Thu, vì lúc này lượng cỏ tươi phong phú, hơn nữa, thời tiết cũng mát mẻ.
Còn đối với các tỉnh phía Nam, có thể vỗ béo trâu bò quanh năm, nhưng vỗ béo vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10 là kinh tế nhất.
Thời gian vỗ béo loại trâu bò này thường là 3 tháng:
- Tháng thứ nhất: tiến hành dọn vệ sinh chuồng trại, tẩy giun sán cho trâu bò và cho ăn đủ rơm, cỏ. Đối với những con gầy yếu thì cho ăn thêm các loại thức ăn giàu đạm để nhanh chóng phục hồi cơ thể, tạo đà cho những tháng tiếp theo.
- Tháng thứ hai: chăn thả gần, cho ăn cỏ thoả mãn, tăng lượng thức ăn tinh, bảo đảm đủ nước uống.
- Tháng thứ ba: cung cấp cho trâu bò loại thức ăn giàu gluxit, chăn thả gần chuồng để hạn chế tiêu hao năng lượng và tăng tích luỹ mỡ.
Người ta đều biết rằng trâu bò là con vật sử dụng có hiệu quả thức ăn thuộc tất cả các loại hệ thống nuôi dưỡng. Trong điều kiện chăn nuôi gia đình ở nước ta có hai cách vỗ béo thích hợp là:
- Vỗ béo bằng chăn thả: chăn thả trâu bò trên bãi chăn 8-10 giờ mỗi ngày để tận dụng cỏ tươi mà không tốn công phu cắt và vận chuyển về chuồng. Ban đêm bổ sung thêm thức ăn tinh và muối ăn. Cách vỗ béo này áp dụng cho những nơi có đồng bãi chăn thả rộng và năng suất cỏ tươi đối khá, bảo đảm cho trâu bò mỗi ngày thu lượm được 20-25kg cỏ tươi.
- Vỗ béo bằng hình thức bán chăn thả: áp dụng cho những nơi ít bãi chăn (như vùng đồng bằng, vùng ven đô, khu công nghiệp). Trâu bò chỉ tận dụng được một phần hoặc một nửa khẩu phần thức ăn trên bãi chăn. Phần còn lại phải bổ sung tại chuồng nuôi, trong đó phải lưu ý đến thức ăn tinh.
Dù áp dụng phương thức vỗ béo nào và với đối tượng trâu bò nào, việc bảo đảm nước uống cho trâu bò là rất cần thiết, đặc biệt là vào mùa khô hanh. Luôn luôn phải bảo đảm cho trâu bò có nước uống sạch sẽ và cho uồng không hạn chế. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và dẫn đến giảm khối lượng cơ thể.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh do các chủng leptospira gây bệnh cho nhiều loài gia súc và người. Đặc điểm của bệnh là sốt vàng da, đái ra huyết sắc tố hay máu, viêm gan, thận, rối loạn tiêu hóa và có thể bị sảy thai.
Sử dụng bánh dinh dưỡng trong chăn nuôi loài nhai lại có nhiều lợi ích: tận dụng được các nguyên liệu thức ăn rẻ tiền, kém ngon miệng và mất cân đối về mặt dinh dưỡng tạo thành một hỗn hợp ngon miệng, cân đối dinh dưỡng và hoàn toàn có thể thay thế một phần thức ăn tinh hỗn hợp (chính vì vậy một số người còn gọi là bánh đa dinh dưỡng). Bánh dinh dưỡng cung cấp cho hệ sinh vật dạ cỏ các chất bột đường và đạm phi protein, làm cho quá trình tổng hợp đạm vi sinh vật đạt hiệu quả cao.
Phụ phẩm cây dứa bao gồm: lá, chồi, thân, bã quả dứa ép những phụ phẩm này có thể ủ chua làm thức ăn cho trâu bò
Ở nước ta, nuôi trâu chủ yếu để lấy sức kéo nên tiềm năng sản xuất trâu thịt hầu như không được chú ý đến. Thực chất thịt trâu giống như thịt bò về nhiều tính chất cơ bản: cấu trúc, thành phần hoá học, giá trị dinh dưỡng, vị ngon. Thịt nghé non, trâu tơ hoặc trâu nuôi chuyên thịt là loại thịt rất ngon, giá bán rất cao.
Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loài gia súc và một số loài thú hoang, có thể lây từ súc vật sang người. Ở nước ta, hàng năm bệnh thường xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và Việt - Campuchia, gây nhiều thiệt hại kinh tế cho chăn nuôi trâu bò. Bệnh do virut LMLM gây ra và lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.