Bệnh Lạ Trên Cây Tỏi Ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)
Tỏi đang phát triển bình thường thì đột ngột bị héo úa và đã có hơn 20ha tỏi ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) phải nhổ bỏ để trồng lại. Người dân cho rằng loại bệnh dịch này từ trước giờ chưa có, còn ngành nông nghiệp Lý Sơn cho rằng do dòi đục thân và bệnh tuyến trùng rễ ở cây tỏi?
Mặc dù năm nay thời tiết không có mưa lớn, nhưng nông dân Lý Sơn lại đối mặt với một loại bệnh dịch mới trên cây tỏi. Ông Phạm Hảo, ở thôn Đông, xã An Vĩnh phải nhổ bỏ để trồng lại 5 sào tỏi, cho biết, tỏi mới trồng được khoảng 20 ngày thì bị héo úa và chết gần hết. Qua kiểm tra thì phát hiện trong thân cây tỏi non có dòi. Tỏi đang phát triển bình thường, nhưng chỉ trong vài ngày là đột ngột chết rũ.
Ông Hảo tính toán, ngoài tiền cải tạo đất cho một năm không tính, thì tiền giống, nhân công, phân bón... để trồng một sào tỏi vụ này khoảng 3 triệu đồng. Việc nhổ bỏ để trồng lại 5 sào tỏi đã mất khoảng 15 triệu đồng và để trồng lại thì cũng phải mất chừng ấy tiền.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lý Sơn, hiện có hơn 20ha tỏi của người dân phải nhổ bỏ hoàn toàn để trồng lại. Có 22 hộ dân bị thiệt hại, người nhiều nhất là 5 sào, ít nhất là nửa sào.
Ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng Phòng KT&HTNT Lý Sơn, cho biết, dịch bệnh ở cây tỏi là bệnh dòi đục thân và tuyến trùng rễ. Thời điểm tỏi bị bệnh từ 15 – 20 ngày. Cũng theo ông Lê, loại bệnh này không phải bệnh mới. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết thuận lợi cho các loại côn trùng phát triển và gây ra bệnh, thời gian bị bệnh rất nhanh.
Tỷ lệ chết của tỏi trên 70% nên phải trồng lại. Trạm BVTV của huyện đã hướng dẫn bà con xử lý đất để xuống giống lại. Đến thời điểm này đã xuống giống hết diện tích phải trồng lại. Huyện cùng đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh có chính sách hỗ trợ giống bắp, đậu để nông dân sản xuất vụ sau bớt khó khăn.
Theo nhiều nông dân, từ trước giờ cũng có một số loại bệnh trên cây tỏi, nhưng những loại bệnh thông thường có thể phát hiện sớm và sử dụng thuốc để xử lý, ít khi phải trồng lại. Còn vụ tỏi này dòi đục trên cây tỏi, khó phát hiện, đến khi biết thì tỏi đã chết, không thể cứu được.
Người dân nơi đây còn cho biết, có thể nguồn cát cải tạo đất được lấy ở khu vực gần vũng neo trú tàu thuyền, nơi có nhiều lồng bè nuôi tôm hùm được thả nuôi gần đó. Việc ô nhiễm nguồn nước do nuôi tôm có thể làm ô nhiễm nguồn cát và ký sinh trùng ở trong cát sinh ra dòi đục thân cây tỏi.
Với hơn 20ha tỏi phải trồng lại, tính ra nông dân mất trắng trên một tỷ đồng chi phí đầu tư. Để trồng lại thì nông dân cũng cần chừng ấy tiền. Không chỉ vậy việc trồng lại muộn hơn so với thời vụ có thể sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Được biết, vụ tỏi đông xuân năm nay, toàn huyện xuống giống 343ha.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tái đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm. Ðiều đáng mừng là sau thời gian dài giảm giá, hiện giá sản phẩm GSGC đang hồi phục.
Thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển và lan nhanh trên vật nuôi. Vì thế, ngành chức năng của huyện Vân Canh đã triển khai nhiều biện pháp giúp nông dân chủ động đối phó với dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) có thể xảy ra trên địa bàn.
Sau 3 năm thực hiện trồng chè sạch theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn đã từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ cua đồng trên thị trường rất lớn và giá thành ngày một tăng, ông Nguyễn Văn Lộng, thôn Thanh Hà, xã An Thịnh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cua đồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo số liệu thống kê của Hội Nông dân thành phố Hòa Bình thì hiện nay trên địa bàn thành phố, tổng diện tích hồ nuôi cá là 160 héc-ta, trong đó ao hồ nhỏ của các hộ nuôi là 126 héc-ta, hồ thủy lợi nhỏ kết hợp nuôi thả cá là 34 héc-ta. Số lồng cá trên địa bàn thành phố là 137 lồng. Sản lượng thu hoạch cá 9 tháng đầu năm ước đạt 450 tấn.