Bén Duyên Nuôi Ong, Thu Hàng Trăm Triệu Đồng/năm
Nhắc đến người thành công với mô hình nuôi ong ở vùng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình), không ai quên nhắc đến cái tên Bùi Duy Hiển, xóm 5, xã Kim Tân. “Bén duyên” với nghề nuôi ong gần 10 năm nay, hiện giờ trong vườn nhà ông lúc nào cũng có trên 100 đàn ong khỏe mạnh, sản lượng mật hàng năm xấp xỉ 1,5 tấn với thu nhập gần 140 triệu đồng/năm.
Chia sẻ với chúng tôi ông Hiển cho biết: Tận dụng lợi thế đất rộng, xung quanh nhà nhiều cây ăn quả lại gần vùng rừng sú vẹt, nguồn mật hoa nhiều, ban đầu ông chỉ nuôi một vài đàn để phục vụ nhu cầu trong gia đình, lâu dần ông đam mê nghề nuôi ong lúc nào không hay.
Nhận thấy nhu cầu dùng mật ong trên thị trường rất lớn, ông đã mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng, cùng với số vốn tích cóp được đầu tư nhân rộng đàn ong lên 50 thùng. Vừa làm, vừa học, rút kinh nghiệm qua thực tế, ông nắm được tường tận quy trình nuôi ong lấy mật.
Theo ông Hiển, nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích “ăn xổi ở thì”, không chịu khó đầu tư kỹ thuật. Có người học vài tháng đã thành công, có người theo học vài năm vẫn chưa thuần thục.
Nói về kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ong mật ông Hiển chia sẻ: Chỉ cần có giống, có kỹ thuật và nguồn hoa là đàn ong phát triển mạnh. Sau Tết âm lịch khi thời tiết ấm áp là phải chuẩn bị cho ong xây tổ, xây đàn, và phải đảm bảo kết thúc việc chia đàn trước mùa thu mật 10 ngày để có đàn ong khoẻ, lấy được nhiều mật.
Để nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong, hàng năm vào mỗi vụ hoa người nuôi ong cũng phải di chuyển đàn ong đến những có nhiều hoa để đáp ứng đủ lượng nguyên liệu cho ong. Mùa nào mật ấy, tháng 3 - 4 thì lấy mật nhãn, tháng 5 – 6, mật vẹt, tháng 8 - 9 thì thu mật táo.
Đặc biệt, ong mật có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như: thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Người nuôi ong phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, thường xuyên vệ sinh thùng đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất mật cao, chất lượng. Ong cũng thường hay bị bệnh nếu chăm sóc không tốt.
Nhờ nắm vững kỹ thuật mà đàn ong của ông Hiển không ngừng phát triển. Hiện nay, gia đình ông đã có trên 100 thùng ong, mỗi thùng 5 cầu ong, mỗi cầu ong có thể thu từ 4 - 8 kg mật ong. Ước tính trong năm nay, gia đình ông có thể thu được khoảng 1,5 tấn mật.
Mật ong của gia đình ông có vị thơm, ngon, ngọt tự nhiên do ong lấy mật chủ yếu là hoa rừng và các loại cây ăn quả, ngoài ra ông không cho ăn thêm thức ăn nào khác nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mật quay đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, được giá nên mỗi năm ông thu lãi trên 100 triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân, ông Hiển còn đứng ra liên kết thành lập tổ nuôi ong ở địa phương, tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong trong vùng trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay tổ hợp nuôi ong ở Kim Tân có gần 10 xã viên là những hộ nuôi ong trên địa bàn xã tham gia, nhờ nuôi ong mà nhiều gia đình trong xã có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
“Giặc chuột” trở thành vấn nạn lớn nhất đối với nông dân canh tác lúa vùng biên giới. Ngoài lượng chuột tại chỗ, còn có “đội quân chuột” từ Campuchia di chuyển sang nên khó diệt hết bằng các phương pháp truyền thống. “Trong cái khó ló cái khôn”, nông dân vùng biên đã nghĩ ra cách thu gom chuột hiệu quả, vừa tăng thu nhập, vừa bảo vệ mùa màng.
Do đầu tư sai quy trình, sử dụng giống cà phê kém chất lượng hay già cỗi đã làm cho năng suất, sản lượng cà phê trên địa bàn huyện Đức Cơ (Gia Lai) giảm dần qua các năm. Vì vậy, tái canh cây cà phê là giải pháp được ngành Nông nghiệp huyện tập trung thực hiện.
Thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) có chiều dài bờ biển trên 43km. Đây là một vùng đất pha cát, đất giồng, rất phù hợp với việc phát triển hoa màu. Ngoài đặc sản hành tím, Vĩnh Châu còn là nơi nổi tiếng về đặc sản củ cải trắng.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa gạo lớn nhất của cả nước và đóng vai trò quyết định an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, việc nông dân canh tác lúa theo phương pháp truyền thống làm phát sinh tình trạng phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.
Tại hội thảo triển khai liên kết trồng gấc theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bình Phước diễn ngày 6-5, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phan Văn Đon cho biết: Hội thảo mở ra hướng đi mới về gắn kết doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện liên kết trồng gấc chuỗi giá trị.