Bất thường việc thương lái Trung Quốc mua cau non
Địa bàn xã Sơn Dung trồng nhiều cây cau nhất huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Bùi Đức Thạch, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, cho biết: Cả xã hiện còn khoảng 60ha cau lâu năm; hộ trồng ít nhất vài trăm cây, nhiều nhất hàng ngàn cây.
Cau non được các thương lái thu mua ở huyện Sơn Tây.
“Trước đây người dân trong xã trồng rất nhiều vườn cau. Số lượng cau giảm dần do nhiều lần giá cau đột ngột giảm dưới 3.000 đồng/kg. Thấy giá cau thấp, trong khi một số loại cây trồng có giá trị cao hơn, nên người dân chặt bỏ cây cau để trồng cây khác”, ông Thạch giải thích.
Chúng tôi đến cơ sở thu mua, hấp cau của bà Nguyễn Thị Kim Ánh ở xã Sơn Dung. Tại đây có hàng chục tấn cau được bà Ánh mua lại của người dân. “Năm nay, thương lái Trung Quốc đột nhiên thu mua cau sớm và chuộng cau non. Cau non mua được giá, tới 16.000 đồng/kg. Tui mua đem sấy rồi bán đưa sang bên Trung Quốc tiêu thụ. Bây giờ thì giá vậy, nhưng không biết sau này thương lái Trung Quốc có hạ giá xuống không nữa”, bà Ánh bày tỏ lo lắng.
Ông Đinh Văn Hải, ở xã Sơn Long, Sơn Tây, cho chúng tôi xem buồng cau non được người dân hái đem đi bán và nói: “Dù những trái cau này còn hơn một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng các chủ cau ở đây đã vội vã bẻ buồng gom lại bán cho thương lái. Nguyên nhân bán cau non là do giá bán hiện nay được thương lái mua cao gấp 3 lần so với cùng thời điểm này mọi năm”. Theo ông Hải, giá cau hiện thương lái thu mua tại rẫy có lúc lên đến 20.000 đồng/kg cau tươi.
Toàn huyện Sơn Tây hiện trồng khoảng hơn 1.400 ha cây cau. Hằng năm, từ giữa tháng 9 mới là vụ thu hoạch cau. Tuy nhiên, năm nay, từ giữa tháng 8 đến nay, thương lái đã về các vùng cao thuyết phục bà con dân tộc thiểu số hái cau non bán cho họ. Nếu như chính vụ năm ngoái, mỗi kg cau cao nhất chỉ bán được 5.000 đồng, thì nay thương lái mua cau non với giá cao gấp ba lần.
Ông Đinh Văn Ơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Tân, Sơn Tây, cũng cho biết thêm: Xã Sơn Tân có ít nhất 3 cơ sở đại lý thu mua và hấp khô cau. “Đây là hiện tượng mua bán bất thường. Tình trạng mua tận thu cau non nếu xét về trước mắt thì lợi cho người dân, nhưng về lâu dài sẽ xảy ra tình trạng vài tháng sau không còn cau để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, hoặc mùa cưới hỏi. Ngoài ra, một số nhà vườn trồng cây khác như mì, chuối thấy giá cau cao có thể người dân sẽ chặt bỏ để trồng cau. Do vậy, người dân cần tỉnh táo không chạy theo lợi ích trước mắt mà chặt hạ những cây trồng hiện có để trồng cau”, ông Ơn cảnh báo…
Thời gian qua, có nhiều loại cây trồng của nông dân ở nhiều địa phương trong nước đã xuất hiện hiện tượng thương lái thu mua ồ ạt để xuất bán sang Trung Quốc, nhưng không bền vững. Do vậy, việc thu hoạch cau non ồ ạt của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Sơn Tây cũng cần được các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền định hướng, để đề phòng những rủi ro, bất trắc, tránh thiệt hại cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Cái Tàu Hạ có 16 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng; hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực: cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài huyện.
Mấy năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu nào gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng làm hết đất canh tác. Năm nay, 1 mẫu ruộng, gia đình ông thu hơn 2 tấn lúa, được xem là vụ hè thu bội thu nhất từ trước tới nay.
Cũng do gia cảnh khó khăn, học đến cấp 3, Đồng nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Năm 2.000, Đồng lập gia đình, khi “ra riêng” được bố mẹ cho 1 sào đất (1.000 m2) để làm nông. Ban đầu, anh tiếp tục gắn bó với cây rau, nhưng giá rau bấp bênh nên cuộc sống không ổn định. Không chấp nhận tình cảnh này, Đồng đi khắp các nhà vườn ở địa phương để tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp.
Chỉ chừng 2 năm qua do nước lũ đầu nguồn không đổ về nhiều, phần do nhiều người bắt ốc và biết tận thu nguồn lợi này làm mồi nuôi cá đồng, tôm sú nên ốc ít dần.
Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nông Cống đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công nhiều chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc phát triển các mô hình chăn nuôi kết hợp, tạo việc làm và ổn định đời sống nhân dân.