Bất Ổn Cung Cầu Tôm Ở Cà Mau
Hơn một tháng qua, nhà nông Cà Mau thu hoạch rộ tôm nuôi, đặc biệt là tôm thẻ loại hình nuôi công nghiệp. Sản lượng lớn nhưng một số nhà máy vẫn trong tình trạng thiếu nguyên liệu.
Bị thao túng giá?
Thống kê từ Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), trên địa bàn hiện có 34 nhà máy, xí nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản (tăng 1 nhà máy so với năm 2013), nhưng có khoảng 30% doanh nghiệp đóng cửa, chờ ngày “khai tử”.
Số còn lại, chỉ có 40% hoạt động hiệu quả, còn lại chỉ hoạt động cầm chừng kém hiệu quả do khó khăn về vốn. Thời buổi kinh tế thị trường, làm ăn theo kiểu “tiền trao cháo múc” nên không ai muốn bán tôm cho những doanh nghiệp “mua chịu” để bị chiếm dụng vốn. Từ đó, thị trường tôm nguyên liệu tuy tăng, nhưng thực chất nhiều nhà máy yếu vốn vẫn thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng, còn doanh nghiệp tiềm lực mạnh về tài chính thì càng mạnh thêm.
Với nhà nông chân chất, thiếu thông tin thị trường đang bị một nhóm doanh nghiệp câu kết để thao túng mua tôm nguyên liệu giá rẻ. Ông Nghiêm Việt Kháng (ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) vừa thu hoạch đầm tôm thẻ hơn 1.300 m2, sản lượng gần 1,5 tấn, kích cỡ đạt 60 con/kg, cho hay, tổng thu về hơn 150 triệu đồng, trừ hết chi phí ông chỉ còn lời chừng 30 triệu đồng. “Giá tôm xuống quá thấp, chứ với giá năm trước tôi lời không dưới 80 triệu đồng. Chắc thấy năm trước nuôi lời nên năm nay mấy ổng mua giá thấp” - ông Kháng nói.
Chủ đầm tôm thẻ ở ấp Lý Ấn (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước)- chị Trịnh Thị Yến cho biết, sau khi thu đầm tôm bị lỗ vốn trên 40 triệu đồng vì thương lái không phân cỡ tôm như mọi năm mà mua loại 50 con và 100 con cùng một giá. Chia sẻ với chúng tôi, chị Yến buồn so nói: “Thấy giá xuống thấp họ kỳ kèo đủ đường, có nơi kêu mua họ còn không tới. Tôm tới ngày thu hoạch, hổng bán cho họ biết bán cho ai bây giờ”.
Tổng Thư ký VASEP - Lý Văn Thuận, khẳng định: “Rất khó để thao túng, ép giá người nuôi tôm bởi ở ĐBSCL còn rất nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm. Nếu ở Cà Mau mua thấp, thương lái chở tôm bán cho nhà máy ở tỉnh khác. Có chăng lợi dụng lúc giá giảm, các con buôn thu mua nhỏ lẻ trong dân hè nhau làm khó người nuôi tôm”.
Hạn chế nuôi tự phát
Phân tích về nguyên nhân giá tôm giảm, ông Lý Văn Thuận cho hay, do hộ nuôi tự phát nhiều và thu hoạch tôm ồ ạt cùng thời điểm; doanh nghiệp xuất khẩu tôm chưa tìm được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới; các nước nuôi tôm lớn như: Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador… tìm được nguyên nhân tôm chết, tạo dựng được cách nuôi mới nên sản lượng dần phục hồi; thị trường xuất khẩu chủ lực của tôm Cà Mau là Mỹ gần đây tăng cường kiểm tra thuế chống bán phá giá; phía Nhật và EU tăng cường kiểm tra kháng sinh, hóa chất cùng với tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp.
“Các nguyên nhân trên khiến giá tôm bất ổn trong khi nhà nhập khẩu chờ giá ổn định mới ký hợp đồng mới” – ông Thuận nói.
Lật lại số liệu từ ngành chức năng Cà Mau cho thấy 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau là 470 triệu USD, tăng 33% về sản lượng và khoảng 60% về giá trị so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên, tôm sú không còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà thay vào đó là tôm thẻ chân trắng (chiếm khoảng 60% tỷ trọng).
Trái chiều với xuất khẩu, giá tôm nguyên liệu nội địa liên tục rớt giá và đang ở mức thấp. Mức giá ngày 6-6-2014 tại Cà Mau tôm sú vẫn bình ổn giá, tôm có kích cỡ lớn còn tăng nhẹ như ở loại 20 con giá 280.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg và 40 con giá 210.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg).
Riêng tôm thẻ chân trắng, thẻ loại 100 con/kg giá 84.000 đồng/kg, 50 con/kg giá 108.000 đồng/kg, 40 con/kg giá 138.000 đồng/kg. Nhưng mức giá trên bình quân đã giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 4-2014. Tôm thẻ giảm giá nhưng trong hơn 7.730ha nuôi công nghiệp hiện tại của Cà Mau (tăng hơn 1.740 ha so với cuối năm 2013) có tới gần 70% nuôi tôm thẻ chân trắng.
Tại Cái Nước, diện tích đầm công nghiệp đang thả tôm gần 900ha nhưng có đến 690ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Mất cân đối giữa tôm sú và tôm thẻ, lại thu tôm ồ ạt cùng thời điểm lý giải một phần giá tôm thẻ xuống nhanh và ở mức thấp.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết: “Sau khi dự họp tổng kết ngành vào cuối năm 2013, địa phương có cảnh báo và khuyến cáo, nhưng trước đà giá tôm thẻ tăng hơn năm trước, bà con tự phát nuôi tôm thẻ vượt tầm kiểm soát”.
Định hướng và cần cơ chế hợp lý
Nhà nông Cà Mau không thể ngưng thu hoạch khi tôm tới lứa bán; người nuôi tôm cũng không dám bỏ vài triệu đồng mỗi ngày để cho tôm ăn cầm cự “chờ giá”… Vì vậy, không ít hộ dân ở Cà Mau sau khi thu hoạch tôm thẻ đã chuyển qua nuôi tôm sú.
Tuy thời gian nuôi dài hơn, rủi ro cao hơn nhưng giá tôm sú không “đung đưa” nhiều đến tệ hại như thẻ chân trắng. Giải pháp ấy lẽ ra người nuôi tôm nên thực hiện khi có khuyến cáo và định hướng ngay từ đầu của ngành chức năng. Song, dù muộn vẫn hơn quá muộn.
Về phía đầu ra cho con tôm, VASEP chỉ đưa ra dự báo ngắn hạn giá tôm thẻ chân trắng sẽ cải thiện nhẹ trong khoảng 2 tháng tới đây. VASEP cũng lưu ý cả người nuôi và ngành chức năng nên theo dõi, nắm bắt sát nhu cầu thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp ngay từ đầu vụ nuôi.
“Nhận định sai lầm từ đầu vụ ảnh hưởng lớn đến cả vụ. Giả dụ thay vì thả đồng loạt như những hộ khác, có thể thả trễ hơn 15 ngày hoặc một tháng sẽ thu tôm trễ hơn khi hộ khác đã thu hoạch tôm. Hoặc thay vì thu hoạch tôm công nghiệp lựa ngày “đẹp” nhằm 15 hoặc 30, có thể thu hoạch vào ngày con nước kém (nghịch với thu tôm quảng canh). Thời điểm ấy tôm ít giá sẽ cao” – ông Lý Văn Thuận rút kinh nghiệm.
Cũng theo ông Thuận, xuất khẩu thủy sản tuy còn diễn biến phức tạp khó lường nhưng khả năng vẫn lạc quan vì nhu cầu “ăn hàng” của các nước nhập khẩu còn rất cao; nhà máy chế biến thủy sản tại địa phương vẫn đang thiếu nguồn nguyên liệu.
Sau khi gặp gỡ, đối thoại giữa các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thiếu vốn nhưng có cơ hội phục hồi trên địa bàn, tới đây Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau sẽ có một đợt khảo sát, nắm tình hình cụ thể từng doanh nghiệp đang gặp khó khăn để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay vốn, tránh tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu thiếu vốn nhưng ngân hàng thừa vốn, ngại cho vay vì doanh nghiệp còn nợ ngân hàng, không còn tài sản thế chấp.
Có thể bạn quan tâm
Có lẽ, tết này đối với đồng bào Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lak (Dak Lak) niềm vui được nhân đôi khi giá ca cao lên gần 50.000 đồng/kg. Cây ca cao bén duyên trên vùng đất này được xem như “cú hích” thúc đẩy trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước cho cây trồng trong mùa khô, mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong - Đắk Nông) đã thự hiện luân canh lúa – khoai; giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa thuần.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa công nhận lúa BG6 do Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang sản xuất, chọn tạo là giống cây trồng nông nghiệp mới, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của các tỉnh phía Bắc và duyên hải nam Trung bộ.
Số tiền trên được trích từ qũy phòng, chống thiên tai của địa phương để hỗ trợ cho 80 hộ dân ở huyện Sa Pa có diện tích su su bị sập giàn và hư hỏng trong đợt mưa tuyết vừa qua với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha.
Những ngày cuối năm lên với huyện miền núi cao Quế Phong - vùng đất mới của cây cao su, hay về với “thủ phủ” Anh Sơn, Thanh Chương, đều cảm nhận thấy rất rõ sự phát triển mạnh mẽ của loại cây mà sản phẩm ngày nay được gọi là “vàng trắng”. Với Dự án “trồng và phát triển cao su trên đất Nghệ An” của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An, những vùng đồi nghèo trước đây nay đã xanh màu hy vọng và no ấm.