Bất Ngờ Nhưng Không Bi Quan
Tình hình của con cá tra không đến nỗi bi quan, bởi nếu so với kết quả sơ bộ của POR9, thì mức thuế trong kết quả cuối cùng đã giảm khá nhiều.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần 9 (POR9) thuế chống bán phá (CBPG) đối với cá tra Việt Nam. Kết quả này gây bất ngờ nhưng ngành cá tra Việt Nam không đến nỗi phải lo lắng quá.
Kết quả cuối cùng của POR9 có phần gây bất ngờ cho ngành hàng cá tra Việt Nam khi Cty Vĩnh Hoàn bị áp mức thuế 0,03 USD/kg; Cty Hùng Vương bị áp thuế 1,2 USD/kg; mức thuế suất toàn quốc là 2,11 USD/kg; mức thuế riêng lẻ đối với 12 doanh nghiệp khác là 0,42 USD/kg.
Bất ngờ là bởi những mức thuế nói trên hãy còn cao so với mong muốn của các doanh nghiệp Việt Nam, khi mà một số DN Việt Nam có những cơ sở chứng minh không bán phá giá cá tra vào Mỹ trong thời gian từ 1/8/2011-31/7/2012 (giai đoạn xem xét POR9). Tức là một số DN Việt Nam đã mong muốn kết quả cuối cùng của POR9 đối với họ phải được DOC khẳng định không bán phá giá.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, sở dĩ DOC áp thuế CBPG với cá tra Việt Nam, là do bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ các DN chế biến, XK cá tra Việt Nam, cơ quan này vẫn giữ nguyên quan điểm và lập luận trong việc chọn Indonesia là quốc gia tính giá trị thay thế.
Trong khi đó, Indonesia không nằm trong danh sách các nước có kinh tế tương đồng với Việt Nam khi chỉ số GNI và GDP của nước này lần lượt gấp đôi và gấp 4 lần nước ta. Vì thế, các giá trị thay thế của Indonesia như giá cá nguyên liệu, con giống, thức ăn…, có sự chênh lệch lớn với Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng của DOC khi tính thuế CBPG.
Một số thị trường sụt giảm về giá trị NK cá tra từ Việt Nam. Thị trường Mỹ dù tăng mạnh trên 30% trong 2 tháng đầu năm nay, nhưng tại Hội chợ Thủy sản Quốc tế Boston vừa tổ chức cuối tháng 3 vừa rồi, tình hình ký hợp đồng mua bán giữa nhà NK Mỹ với các DN cá tra Việt Nam không được sôi động cho lắm.
Dầu vậy, tình hình của con cá tra không đến nỗi bi quan, bởi nếu so với kết quả sơ bộ của POR9, thì mức thuế trong kết quả cuối cùng đã giảm khá nhiều. Ở kết quả sơ bộ, mức thuế CBPG tính cho Cty Vĩnh Hoàn lên tới 0,43 USD/kg; Cty Hùng Vương là 2,15 USD/kg và mức thuế suất riêng lẻ cho 12 Cty khác là 0,99 USD/kg.
Mặt khác, nếu so với mức thuế suất cuối cùng của POR8 với sản phẩm cá tra Việt Nam, thì kết quả cuối cùng của POR9 rõ ràng là dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số Cty đang được hưởng mức thuế CBPG cá tra khá thấp, từ 0-0,03 USD/kg từ kết quả cuối cùng của POR7 (những Cty này không bị xem xét áp thuế CBPG cá tra trong POR8). Đồng nghĩa với việc cá tra Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu vào Mỹ một cách bình thường trong thời gian tới. Nếu có khó khăn, chủ yếu là với những DN bị áp mức thuế cao.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trương Đình Hòe, kết quả cuối cùng của POR9 cho thấy DOC đang ngày càng xiết chặt quy trình tính toán các dữ liệu, chọn quốc gia tính giá trị thay thế để tính biên độ phá giá áp cho Việt Nam một cách không thống nhất và mang tính bảo hộ trong các kỳ xem xét gần đây, gây bất lợi cho các DN XK cá tra sang Mỹ.
Nhiều khả năng DOC vẫn sẽ sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong những kỳ xem xét hành chính sắp tới. Chính vì thế, để chủ động ứng phó với những bất thường từ phía Mỹ, các DN cá tra Việt Nam cần phải tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới yếu tố chi phí, giá thành trong thời gian tới.
Vào thời điểm này, nguồn cung nguyên liệu cá tra trong nước đang ổn định dần, dù sản lượng cá tra năm nay ước tính sẽ giảm mạnh so với năm ngoái. Nếu như trong năm 2013, sản lượng cá tra là trên 1,2 triệu tấn, thì năm nay sẽ dưới mức 1 triệu tấn, thậm chí có thể chỉ khoảng 800 ngàn tấn. Sản lượng giảm mạnh do nhiều DN tổ chức nuôi cá tra trong nững năm trước bằng nguồn vốn tín dụng, năm nay phải rút bớt nguồn vốn này ra.
Giá cá tra dù đã tăng lên mức 25.000 đ/kg, nhưng vẫn trong tình thế bấp bênh, nên không có hiện tượng nông dân ào ạt đổ xô nuôi cá tra trở lại như trước. Dù sao, sản lượng dự tính nói trên cũng được coi là phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay, khi mà kinh tế ở EU vẫn chưa hồi phục và hình ảnh con cá tra Việt Nam ở thị trường này vẫn chưa được lấy lại ở mức tương xứng với chất lượng hiện nay (2 tháng đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang EU giảm 9% so cùng kỳ 2013)…
Có thể bạn quan tâm
Nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Thủy sản vừa đề xuất nâng hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu lên mức tối đa là 84,1%, thay vì 83% như đã quy định trước đó tại nghị định cá tra.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, hơn 1.800 ha cao su đã bị chặt hạ. Riêng huyện Bù Đốp đã có tới gần 400 ha cao su bị chặt phá để thay thế bằng cây tiêu và điều.
Những ngày qua, giá hành tím tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bắt đầu tăng trở lại hơn gấp 5 lần so với trước khi “giải cứu”. Đã xuất hiện tình trạng găm hàng chờ giá cao.
Ngày 21/5, tiếp tục chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu (XK) vải thiều tại tỉnh Lạng Sơn nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa tiêu thụ vải thiều.
Chỉ còn gần một tháng nữa Bắc Giang sẽ bước vào vụ thu hoạch vải thiều. Rút kinh nghiệm từ bài học của dưa hấu, hành tím..., vụ vải năm 2015, Bắc Giang đã chuẩn bị rất sớm, chủ động kết nối tiêu thụ vải tại thị trường nội địa, xúc tiến xuất khẩu vải giá cao vào các thị trường khó tính.