Bắt Đầu Trồng Bắp Biến Đổi Gen
Trong thời gian tới, 6 tỉnh Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bà Rịa- Vũng Tàu và Đồng Tháp nhiều khả năng sẽ bắt đầu trồng bắp (ngô) biến đổi gen dưới dạng mô hình trình diễn.
Trong khi chờ Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho một số giống bắp biến đổi gen của các công ty được cấp phép khảo nghiệm tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) cho biết, dự kiến Bộ sẽ triển khai một số mô hình trình diễn trồng bắp biến đổi gen tại 6 tỉnh nói trên.
Mục tiêu của các mô hình trình diễn này là giới thiệu thành tựu công nghệ sinh học hiện đại, hình thành mối liên kết, chia sẻ thông tin và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Mỗi mô hình trình diễn sẽ trồng khoảng 1,5 - 2 héc ta cho mỗi giống.
Trong thời gian chờ được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học thì các mô hình trồng bắp biến đổi gen sẽ phải tuân thủ các yêu cầu an toàn sinh học như trong quá trình khảo nghiệm trước đây.
Trước đó, trong công văn 233 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng mô hình trình diễn một số giống bắp biến đổi gen, Bộ NN – PTNT cho biết, đến cuối năm 2013 việc khảo nghiệm đánh giá ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học của một số giống bắp biến đổi gen đã kết thúc và được công nhận kết quả.
Năm 2011, ba công ty đã được Bộ NN-PTNT cấp phép khảo nghiệm các giống bắp biến đổi gen là Công ty TNHH Syngenta Việt Nam với giống bắp biến đổi gen kháng sâu đục thân, bắp biến đổi gen chống chịu thuốc trừ cỏ Glyphosate; Công ty TNHH Dekald Việt Nam với giống bắp khảo nghiệm gen kháng sâu bộ cánh vảy, bắp biến đổi gen kháng thuốc trừ cỏ Roundup; còn Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam được phép khảo nghiệm giống bắp biến đổi gen kháng sâu bọ cánh phấn.
Hiện kết quả khảo nghiệm đã được Bộ NN – PTNT chuyển sang Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các giống bắp biến đổi gen này.
Theo Bộ NN – PTNT, cây trồng biến đổi gen đã được nhiều quốc gia trồng trên quy mô lớn và diện tích đạt 170 triệu héc ta vào năm 2012, tăng 100 lần so với năm 1996. Hiện trong số 28 quốc gia trồng cây biến đổi gen có nhiều nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Paraguay, Pakistan, Myanmar…
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có nghị định 69/2012 về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm sinh học biến đổi gen.
Ngoài ra, theo kế hoạch chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 thì đến năm 2014, một số giống cây trồng biến đổi gen như bắp, bông, đậu tương (đậu nành) sẽ được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Đây chính là cơ sở để Bộ NN – PTNT muốn triển khai mô hình trình diễn bắp biến đổi gen trước khi những giống này được trồng đại trà.
Có thể bạn quan tâm
Hôm nay (17/09), giá cà phê tại thị trường Việt Nam tăng nhẹ trở lại, trong khi đó giá cà phê thế giới trên hai sàn ICE và Liffe diễn biến trái chiều nhau.
Việt Nam vừa được Philippines mời tham gia đấu thầu 750 ngàn tấn gạo, nhưng giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL lại không được cải thiện.
Ngày 16.9, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng tiêu hủy hơn 15 tấn phân bón giả mạo nhãn hàng hóa các loại.
Xuất khẩu chuối cũng như các loại rau quả khác, dễ thua thiệt, thiếu ổn định. Nhưng mới đây, khi dẫn thông tin từ truyền thông Philippines, nhiều người đã vội hỉ hả "Việt Nam có thể giành ngôi đầu của Philippines về xuất khẩu chuối".