Bắp, Đậu Nành Sản Xuất Trong Nước Giảm, Nhập Khẩu Tăng Mạnh
Năm 2014, lượng đậu nành (đậu tương), bắp (ngô) nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhập nguyên liệu để dự trữ cho hoạt động sản xuất trong năm 2015.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả năm 2014 Việt Nam đã nhập hơn 4,6 triệu tấn bắp, giá trị 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp 2,11 lần về lượng và gần 1,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Ba thị trường cung cấp chính là Brazil với hơn 55%, tiếp đến là Ấn Độ là gần 15% và Argentina là hơn 8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả năm.
Riêng mặt hàng đậu nành có lượng nhập khẩu 1,56 triệu tấn, giá trị 913 triệu đô la Mỹ, tăng 20,5% về lượng và gần 12% về giá trị so với cùng kỳ.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, năm nào cũng vậy, khi giá những mặt hàng như bắp, đậu nành giảm xuống thấp, các doanh nghiệp sẽ nhập số lượng lớn để trữ lại cho những tháng sản xuất tiếp theo.
Ông Bình cho biết, khoảng giữa năm 2014, giá bắp trên thị trường có lúc xuống mức 200 đô la Mỹ/tấn, thấp nhất trong nhiều năm, vì thế nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ký hợp đồng mua với số lượng lớn. Nhưng sau đó, khi giá bắp trên thị trường tăng trở lại, bên bán đã tìm cách "xù hợp đồng" vì nếu giao hàng sẽ bị thua lỗ.
"Để tránh bị phía các nhà xuất khẩu không giao hàng nên hiện nay nhiều doanh nghiệp cho cách mua ngắn hạn, tức là mua hàng vào tháng trước nhận hàng vào tháng sau thay vì mua giao xa như trước", ông Bình nói.
Thống kê của Bộ NN &PTNT cho thấy, năm 2014, diện tích gieo trồng đậu nành trên cả nước đạt 111.200 héc ta, giảm 6.000 héc ta; năng suất bình quân đạt 14,3 tạ/héc ta, giảm 0,1 tạ/héc ta, do đó sản lượng ước đạt 160 ngàn tấn, giảm 4,5% so với năm 2013.
Diện tích trồng bắp tuy tăng lên nhưng năng suất lại giảm. Cụ thể, trong năm 2014, tổng diện tích trồng bắp của cả nước là 1.189.000 héc ta, tăng 8.500 héc ta, năng suất trung bình đạt 44 tạ/héc ta, giảm 0,8% so với năm 2013.
Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, lâu nay sản lượng bắp và đậu nành trong nước đã không đáp ứng được nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nay thì sản lượng lại giảm trong khi tổng đàn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng nên nguồn cung nguyên liệu trong nước càng thiếu hụt phải nhập khẩu nhiều để bù lại.
Theo Tổng cục Thống kê, tính thời điểm 1-10-2014 tổng đàn bò của cả nước là 5,24 triệu con, tăng 1,5%, đàn heo là 26,8 triệu con tăng gần 2%, còn đàn gia cầm là 327,7 triệu con, tăng gần 3,2% so với năm 2013. Đối với thủy sản nuôi gồm cá tra, tôm (sú và thẻ chân trắng, hải sản…) là gần 3,4 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Có thể bạn quan tâm
Từ kết quả, ngành nông nghiệp khuyến cáo các nhà vườn tích cực ứng dụng các biện pháp phòng trừ đúng cách, ngăn chặn sâu đục trái bưởi bùng phát trở lại.
Theo tập tục canh tác từ xưa, người Dao ở Khuổi Đác, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) chỉ biết phát đồi làm nương trồng ngô chứ không biết làm ruộng.
Chương Mỹ có diện tích đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa (DĐĐT) lớn nhất thành phố. Cũng nhờ DĐĐT, bà con đã có những mùa vàng bội thu.
Những năm trước Bùi Văn Đạt (thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông) vẫn đi làm thuê, cuốc mướn khắp nơi. Trong một lần sang huyện Tuy Đức đào khoai thuê, anh chứng kiến cảnh nườm nượp người đến mua dây, mua củ.
Từ đầu năm đến nay, do đầu ra bấp bênh và giảm liên tục, người chăn nuôi cả nước tiếp tục chịu cảnh thua lỗ. Không có vốn để tái đàn, thay vì làm ông chủ, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi nước ngoài. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, chỉ một thời gian ngắn nữa, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ lệ thuộc 100% vào nước ngoài.