Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Băn khoăn máy đo thực phẩm an toàn

Băn khoăn máy đo thực phẩm an toàn
Ngày đăng: 02/11/2015

Không chỉ nghi ngờ độ chính xác của các thiết bị này, một số chuyên gia cho rằng dù hàm lượng nitrat (NO3) ở ngưỡng an toàn cũng không đảm bảo thực phẩm đó an toàn, bởi còn nhiều loại hóa chất độc hại khác chỉ có thể được phát hiện khi đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra.

“Bửu bối” của các bà nội trợ

Dù đã chọn mua hàng rau củ quả tươi ở siêu thị hoặc hàng có nhãn hiệu rõ ràng cho bữa ăn gia đình, nhưng anh Tuấn Anh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn cảm thấy bất an trước thông tin thực phẩm không an toàn, thịt heo dư chất tạo nạc, rau đầy thuốc trừ sâu, nhiều tồn dư phân bón...

Khi nghe thị trường bán máy có thể đo tồn dư hóa chất trên thực phẩm, anh Tuấn Anh đã quyết định mua máy này dù giá bán khá “chát”, dao động 5-8 triệu đồng/máy tùy loại.

Theo anh Tuấn Anh, loại máy này được quảng cáo là có thể kiểm tra dư lượng nitrat trên thực phẩm, rau, củ, quả, thịt tươi chỉ trong vòng 20 giây, lại có hẳn một mục dành riêng cho việc đo hàm lượng nitrat khi chọn đồ ăn để phụ huynh có thể biết được nguồn thức ăn an toàn, đảm bảo cho sự phát triển về sức khỏe, trí não của trẻ.

“Quá phù hợp nhu cầu nên tôi mua về sử dụng chứ quả thật không biết cái máy này có thể sàng lọc tối đa, đảm bảo thực phẩm bẩn không xuất hiện trên mâm cơm hay không” - anh Tuấn Anh thừa nhận.

Trong khi đó, do có người nhà bị bệnh, cần chế độ dinh dưỡng an toàn, chất lượng, bà Ngọc Mai (Q.7) cũng mua một máy đo an toàn thực phẩm, chủ yếu đo dư lượng hóa chất nitrat, với giá gần 5 triệu đồng, có hướng dẫn bằng tiếng Việt.

Với “bửu bối” này, dù cảm thấy an tâm hơn với các sản phẩm trong bữa ăn nhưng bà Mai thừa nhận đã gặp không ít rắc rối với chiếc máy nhỏ này khi sử dụng.

“Thỉnh thoảng tôi đo thử một số loại trái cây, máy báo kết quả không đạt yêu cầu dù mua hàng dán nhãn VietGap nên không biết độ chính xác ra sao” - bà Mai chia sẻ.

Đặc biệt, theo bà Mai, khi đi mua thực phẩm ngoài chợ, không người bán hàng nào cho thử vì sợ làm hỏng rau củ bởi phải dùng đầu ghim của máy cắm sâu vào loại quả mình muốn kiểm tra, chưa kể người bán hàng cũng không muốn bị phát hiện nếu lỡ sản phẩm có chất tồn dư vượt ngưỡng an toàn.

Không phải là “mắt thần”

Chị Hoài Trang, quản lý một cửa hàng thực phẩm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), cho biết một lần thấy vị khách đến mua rau sử dụng thiết bị này để kiểm tra rồi gọi điện thông báo cho người nhà rằng sản phẩm cửa hàng này là “an toàn” nên chị đã tìm hiểu và sau đó mua ngay một chiếc để kiểm tra các loại rau và thực phẩm đưa về cửa hàng.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, loại máy này đã cho thấy nhiều bất cập.

Theo chị Trang, máy chỉ đo được vài ba chục loại rau quả nhất định trong khi chủng loại thực phẩm thực tế bán ra tại cửa hàng cao hơn nhiều.

Cụ thể, bảng giới hạn dư lượng nitrat trong thực phẩm, được tặng kèm khi mua máy, chỉ có khoảng 60 loại thực phẩm thường gặp, trong khi chủng loại thực phẩm lên đến hàng trăm.

Nhiều khách hàng “linh động” bằng cách dùng thang đo của một loại (ví dụ như dưa leo) để đo cho loại khác (ví dụ như bầu, bí), nhưng kết quả sẽ không chính xác vì đây là hai loại rau khác nhau.

Thậm chí cùng một loại rau thu hoạch cùng ngày, nhà vườn đã đưa mẫu đến phòng thí nghiệm phân tích đạt chuẩn nhưng máy đo của khách hàng lại báo vượt mức dẫn đến tranh cãi giữa khách và cửa hàng.

Căn cứ vào máy đo, khách hàng không tin vào kết quả của phòng thí nghiệm, còn nhà cung cấp khăng khăng rằng họ đã đưa cho nhà phân tích độc lập nên kết quả chính xác hơn cái máy cầm tay.

“Kết quả là cửa hàng chúng tôi phải chịu lỗ khi ngưng bán lô hàng đó vì chiều ý người mua nhưng không thể trả lại nhà cung cấp vì họ có kết quả phân tích” - chị Trang cho hay.

Chủ một cửa hàng khác khẳng định việc sử dụng máy chủ yếu để khách an tâm bởi cửa hàng thực tế đang bán rau sạch, nhưng máy đo nitrat chỉ đo được chỉ số phân bón hóa học trong thực phẩm và cũng không chắc chắn, còn các độc chất khác thì không biết được.

Trong khi đó, nỗi lo lắng của người tiêu dùng còn là về dư lượng thuốc trừ sâu, sản phẩm nhiễm vi sinh...

Do đó, khách hàng không nên quá phụ thuộc vào loại máy này mà lầm tưởng có thể tìm được thực phẩm sạch ngay.

 

Đo hàm lượng nitrat trong rau củ quả tại một cửa hàng rau sạch ở Q.3, TP.HCM

Chỉ là liệu pháp tinh thần?

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết thông thường các loại máy cá nhân phát hiện nhanh trong thực phẩm chỉ là máy đo định tính, tức là phát hiện có chất độc hay không chứ khó cho biết hàm lượng của chất đó trong thực phẩm là bao nhiêu.

Đối với một số loại máy đo nitrat nhập khẩu về VN trong vài năm gần đây có cả chức năng định lượng, tức là cho người tiêu dùng biết nồng độ nitrat trong thực phẩm có nằm trong ngưỡng an toàn hay không để có cách xử lý.

Tuy nhiên, thông tin mà nhà cung cấp đưa ra chủ yếu là đánh vào nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn của người tiêu dùng và chiếc máy như một giải pháp hoàn hảo để giải quyết.

Còn các thông tin về cơ chế hoạt động ra sao, mức độ chính xác thế nào vẫn còn rất mơ hồ.

“Không hiểu cơ chế nào mà chiếc máy này có thể đo được hàm lượng nitrat trong thực phẩm chỉ bằng việc cắm đầu kim của máy vào thực phẩm trong thời gian 15 giây” - ông Nghĩa nói.

Hơn nữa, theo ông Nghĩa, ngoài hàm lượng phân đạm (gốc NO3) trong thực phẩm, các loại kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, tăng trưởng và vi sinh vật cũng ảnh hưởng đến độ an toàn của thực phẩm.

Đặc biệt, thuốc trừ sâu có hàng ngàn loại khác nhau và không thể kiểm tra bằng máy test nhanh được mà phải đưa vào phòng thí nghiệm để phân tích.

“Dù cho nitrat là thành phần quan trọng khi lựa chọn thực phẩm - vì sử dụng nhiều có thể dẫn đến ung thư - nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng hàm lượng nitrat ở ngưỡng an toàn là thực phẩm an toàn.

Do đó, việc mua máy thử nitrat chỉ như một liệu pháp tinh thần là chính chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề” - ông Nghĩa nói.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, theo ông Nghĩa, Nhà nước cần có cơ thế nghiêm khắc hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi ra thị trường, chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng những loại máy móc nào đó.

Vì sao phải kiểm tra nitrat?

Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, nitrat tồn dư trong thực phẩm rau củ là do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học để trái có thể phát triển nhanh và thường được bón gần thời điểm thu hoạch.

Nitrat cũng có thể tìm thấy trong các hóa chất bảo quản chứa gốc nitrat dùng để ép chín hoặc giữ tươi hoa quả, thực phẩm.

Bản thân nitrat không phải là chất gây ung thư, nhưng là nghi phạm gián tiếp gây ra ung thư khi nó biến thành nitrit, chất này kết hợp với gốc amin tự do tạo thành tiền chất gây ung thư.

Thiết bị kiểm tra nhanh heo có nuôi bằng chất tạo nạc hay không bằng cách nhỏ...nước tiểu heo vào thiết bị

* Bà Trần Việt Nga (phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm):

Chỉ có vai trò...sàng lọc

Nguyên tắc của các bộ xét nghiệm nhanh về an toàn vệ sinh thực phẩm là dễ thực hiện, người tiêu dùng có thể mang theo và sử dụng khi đi ăn, đi chợ như giấy quỳ kiểm tra hàn the trong giò chả, dung dịch kiểm tra tồn dư tinh bột trong bát đĩa...

Ngoài ra, trên thị trường hiện có nhiều loại thiết bị đo an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ có vai trò...

sàng lọc, còn muốn chính xác phải kiểm tra tại các phòng thí nghiệm.

VN cũng có thiết bị do Bộ Công an nghiên cứu phát triển, với nhiều loại có thể kiểm tra và phát hiện 11 loại dư chất trong thực phẩm như formol, hàn the, thuốc trừ sâu...

nhưng chỉ được bán theo bộ với giá trị cao nên chỉ phù hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra số lượng lớn.

Gần đây Bộ NN&PTNT cũng đưa vào sử dụng loại test nhanh có thể phát hiện heo nuôi bằng chất tạo nạc bằng cách nhỏ...

nước tiểu heo vào thiết bị và chờ trong năm phút.


Có thể bạn quan tâm

Biến Tiềm Năng, Thế Mạnh Thành Kinh Tế Mũi Nhọn Biến Tiềm Năng, Thế Mạnh Thành Kinh Tế Mũi Nhọn

Trong tiết trời lạnh giá của những ngày cuối năm, dọc tuyến đường từ trung tâm thị xã dẫn sang các xã đảo khu vực Hà Nam, chúng tôi được chứng kiến bà con tấp nập chở các loại thuỷ sản: Tôm, cá, cua, ruốc... từ các xã ven biển sang trung tâm thị xã tiêu thụ.

01/02/2014
Mỹ Xuyên Không Khuyến Khích Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Mỹ Xuyên Không Khuyến Khích Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng

Những trà lúa trên nền ao nuôi tôm ở vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho thấy được sự tiến bộ về kỹ thuật chăm sóc của nông dân.

01/02/2014
Giải Pháp Cho EMS Giải Pháp Cho EMS

Thiết bị phát hiện sớm vi khuẩn gây ra Hội chứng tôm chết sớm (EMS) sẽ có mặt trên thị trường đầu năm 2014. Giáo sư Don Lightner tại Đại học Arizona sắp đưa ra thị trường thiết bị phát hiện vi khuẩn gây EMS cho tôm nuôi, giúp người nuôi dễ dàng phát hiện tôm bệnh để kịp thời cách ly.

01/02/2014
Rộn Ràng Làng Biển Ngày Cuối Năm Rộn Ràng Làng Biển Ngày Cuối Năm

Trong những ngày cuối năm, các cửa biển, cảng cá trong tỉnh tràn ngập không khí rộn ràng. Tuần qua, hàng trăm tàu câu cá ngừ đại dương liên tiếp nối đuôi nhau cập bến, vận chuyển thủy sản lên bờ sau tháng ngày dài bám biển đánh bắt.

01/02/2014
Ngư Dân Thu Bạc Triệu Từ Việc Đánh Bắt Tôm Nhí Ngư Dân Thu Bạc Triệu Từ Việc Đánh Bắt Tôm Nhí

Những ngày cận tết, nhiều ngư dân xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) hành nghề lưới trũ đánh bắt tôm nhí (tôm hùm con) thu được bạc triệu sau mỗi đêm đánh bắt.

01/02/2014