Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bạn của biển khơi

Bạn của biển khơi
Ngày đăng: 28/05/2015

Triệu phú nhờ nghề biển

Giữa cái nắng tháng năm như chảo lửa, bờ biển Trung Giang (huyện Gio Linh, Quảng Trị) êm đềm với từng đợt sóng biển xanh ngắt vỗ bờ không đủ xua tan không khí nóng bức của ngày hè. Hàng chục chiếc thuyền nằm san sát trên bờ đang chờ bàn tay ông Thiệt sửa chữa để chuẩn bị một chuyến ra khơi mới. Đang loay hoay sửa lại chiếc thuyền bị hỏng, ông Thiệt đón chúng tôi bằng tiếng cười giòn tan trên khuôn mặt ướt sũng mồ hôi. Ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời gắn bó với biển, về những thăng trầm nghề biển và lòng tự hào vì được sinh ra là người con của biển.

16 tuổi, ông Thiệt đã theo cha lênh đênh trên biển để mưu sinh. Trải qua bao nhiêu sóng gió của biển khơi, lấy vợ rồi chọn nghề biển để lập nghiệp, ông trở thành người đi biển giàu kinh nghiệm nhất làng. Là vùng biển bãi ngang nên ngư dân Trung Giang chủ yếu đánh bắt gần bờ với tàu thuyền công suất nhỏ từ 6-10 Cv. Ngày trước, với những cách đánh bắt truyền thống như xăm lưới bãi, đánh cá đèn hay nghề ánh sáng... thuyền của ngư dân chủ yếu ra khơi đánh bắt trong bán kính khoảng 200 m.

Cá, tôm gần bờ dần cạn kiệt, nghề biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ông Thiệt đã vào tận miền Nam để học những nghề biển mới với mong muốn làm thay đổi hình thức đánh bắt hải sản, nâng cao thu nhập cho ngư dân. Từ đó, những nghề mới như câu cá đuối, cá chim, cá hố, đánh bắt cá bằng lưới cước... đã theo ông Thiệt về du nhập ở làng chài Cang Gián. Ban đầu ông thử nghiệm trong mỗi chuyến ra khơi, thấy hiệu quả, sản lượng thủy sản đánh bắt tăng, ông đã truyền nghề cho tất cả ngư dân trong làng.

Nhờ vậy, đến nay các nghề đánh bắt mới đã được các ngư dân áp dụng đại trà, phạm vi đánh bắt hải sản cũng xa hơn, cách bờ từ 25-30 km. Ở tuổi 70 nhưng ngày ngày ông Thiệt vẫn ra khơi bám biển. Theo nhẫm tính của ông, bình quân mỗi mẻ lưới thu nhập khoảng 6 triệu đồng, có chuyến ra khơi trúng luồng cá, mực hay đến mùa sứa biển, thu nhập tăng lên khoảng 12- 15 triệu đồng/chuyến biển. Mỗi năm, trừ mọi chi phí, ông Thiệt thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ nghề đi biển.

Trên 40 năm gắn bó với chiếc thuyền, manh lưới, với ông Thiệt bây giờ, biển chính là ngôi nhà thứ hai. Chỉ cần nhìn con nước, ngọn gió, ông có thể đoán được kết quả của mỗi chuyến ra khơi. Lòng yêu biển khơi cũng đã thôi thúc ông gắn bó với nghề đóng và sửa chữa tàu thuyền. Đến nay ông là một trong số ít người xã Trung Giang biết đóng thuyền và được ngư dân xem là thợ bậc cao trong sửa chữa tàu thuyền. Trong số 54 chiếc thuyền đánh bắt gần bờ của ngư dân thôn Cang Gián phần lớn đều do tay ông đóng mới và sửa chữa.

Ông Thiệt cho biết: “Chiếc thuyền như "cần câu cơm" của ngư dân, có thuyền tốt thì ngư dân mới yên tâm bám biển. Hiểu được nguyên lý đó, tôi theo nghề đóng thuyền để chủ động sửa chữa tàu thuyền cho gia đình và giúp đỡ các ngư dân khác”. Sau mỗi chuyến biển, ông Thiệt lại kỳ công đục đẽo, sửa chữa những con thuyền trên bãi biển bất kể thời tiết, giờ giấc, vừa làm ông vừa tỷ mẫn truyền nghề cho thế hệ trẻ.

“Anh cả” của làng chài

Một điều đặc biệt khi chúng tôi đến thôn Cang Gián là rất nhiều ngư dân thuộc nằm lòng câu nói của ông Thiệt, xem đây là động lực để yên tâm bám biển: “Nhà nước có những chủ trương bảo vệ nguồn lợi hải sản ở biển khơi, hỗ trợ ngư dân bám biển. Bà con mình chỉ đầu tư công sức để đánh bắt, vừa tăng thu nhập cho gia đình mà lại góp phần phát triển kinh tế địa phương”.

Có những người từ hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, nhờ hiểu và thấm nhuần câu nói của ông Thiệt đã xây dựng được cơ ngơi bề thế, khang trang nhờ bám biển. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Minh Khôi, thôn Cang Gián xúc động nhớ lại: “Ngày trước, khi tôi chưa xác định được nghề nghiệp rõ ràng, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, ông Thiệt đã gần gũi khuyên nhũ, động viên giúp đỡ, giúp tôi đóng thuyền để ra khơi. Nhờ nghề biển, bây giờ kinh tế gia đình tôi ổn định. Với tôi và nhiều ngư dân ở đây, ông Thiệt như người cha, người anh cả của làng biển”.

Còn đối với các ông Nguyễn Văn Thanh và Hồ Xuân Tài, thôn Cang Gián, ông Thiệt như người sinh ra mình lần thứ hai. Nhắc đến chuyện ông Thiệt xả thân cứu thuyền của 2 ông, ông Thanh nhớ lại: "Vào một ngày cuối năm 2010, khi thuyền của tôi và ông Tài đang đánh bắt cá trên biển thì gặp sóng to, gió lớn, sóng quật chìm thuyền rồi cuốn trôi cả 2 thuyền cách bờ chừng 1,5 km. Do sóng quá lớn nên các phương tiện cứu hộ của địa phương rất khó tiếp cận.

Trước tình hình đó, ông Thiệt đã quyết định lái thuyền lách qua từng cơn sóng dữ để tiếp cận và cứu các thuyền bị nạn, đưa người và tài sản vào bờ an toàn. Thấy thuyền của ngư dân bị hư hỏng nặng, ông Thiệt bỏ 5 ngày công để sửa chữa, giúp các ngư dân kịp thời ra khơi sản xuất". Không chỉ trực tiếp khai thác trên biển, ông Thiệt luôn chú trọng tuyên truyền để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ông đã nhiều lần chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan xử lý những trường hợp đánh bắt theo kiểu hủy diệt môi trường biển.

Yêu biển, gắn bó với biển, ông Thiệt cùng gia đình dựng nhà sát bờ biển để định cư và lập nghiệp. Do đặc thù của vùng biển bãi ngang, ngư dân chủ yếu tham gia đánh bắt gần bờ với các thuyền vừa và nhỏ. Sau mỗi lần ra khơi, thuyền và ngư lưới cụ thường được ngư dân tập trung trên bãi biển. Vậy nên cứ mỗi lần có thủy triều dâng bất ngờ hay sóng to gió lớn, ông Thiệt trở thành người đưa tin giúp ngư dân di dời thuyền và tài sản kịp thời. Cả thôn Cang Gián có đến gần 50 ngư dân có thuyền trên bãi biển nên mỗi lần có sự cố ông đi gọi cũng không xuể. Từ năm 1994, ông Thiệt nảy ra sáng kiến sắm riêng chiếc kẻng để kêu gọi ngư dân khi có sự cố xảy ra.

Ông Thiệt cho biết: “Từ khi sắm kẻng, mỗi lần phát hiện có dấu hiệu bất thường của thời tiết, tôi chỉ cần đánh ba tiếng kẻng, ngư dân trong thôn sẽ tập trung đông đủ để di dời thuyền và tài sản đến nơi an toàn, làm giảm thiệt hại đáng kể cho bà con”.

Với chiếc kẻng đặt ngay cạnh ngõ ra vào, hơn 20 năm qua ông Thiệt trở thành người gác biển, giúp dân làng yên tâm hơn trong việc bảo quản tàu thuyền và ngư lưới cụ.

Với ông Thiệt, biển khơi là tất cả, là cuộc sống, là niềm tự hào, bởi vậy, ông dành gần trọn cuộc đời để gắn bó với chiếc thuyền, manh lưới. Ông tự nhận mình là bạn tri kỷ của biển khơi, một ngày không ra biển ông lại thấy bứt rứt, nhớ nhung. Khi đã bước qua tuổi 70, chia sẻ về ước mơ của mình, lão ngư Trương Xuân Thiệt vẫn khẳng khái: “Có lẽ, đến lúc mắt mờ, chân chậm không thể lên thuyền được tôi mới ngừng ra biển. Ước mơ lớn nhất của tôi là truyền thêm ý chí, nghị lực, đóng thêm thật nhiều thuyền để động viên các ngư dân trẻ tiếp tục ra khơi bám biển làm ăn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.


Có thể bạn quan tâm

Miền Trung kêu gọi tàu thuyền tránh bão Miền Trung kêu gọi tàu thuyền tránh bão

Chủ động đối phó với bão số 1, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đều có công điện yêu cầu triển khai phương án phòng tránh thiên tai.

22/06/2015
Phần lớn hộ đầu tư nuôi tôm sú bị lỗ vốn Phần lớn hộ đầu tư nuôi tôm sú bị lỗ vốn

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), hiện bà con đã thu hoạch được hơn 120ha tôm nuôi vụ I/2015, năng suất chỉ đạt 0,6 tạ/ha đối với tôm sú và 18 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng.

22/06/2015
Bất cập hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Bất cập hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản

Không chỉ có cây trồng mới cần đến công trình thủy lợi, mà đối với nuôi trồng thủy sản, thủy lợi cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, lâu nay vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi chỉ ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, còn nuôi trồng thủy sản thì vẫn bị bỏ ngỏ..

22/06/2015
Người ương giống và nuôi cá tra mong muốn giá ổn định hơn Người ương giống và nuôi cá tra mong muốn giá ổn định hơn

Hơn 1 tháng qua, người nuôi cá tra nguyên liệu chế biến, xuất khẩu và ương cá tra giống đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, do giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Trước tình hình trên, hầu hết nông dân nuôi cá tra thương phẩm và ương cá tra thịt mong muốn giá cá ổn định ở mức có lợi nhuận hợp lý, để nông dân yên tâm sản xuất.

22/06/2015
Doanh nghiệp thủy sản nỗ lực để khẳng định Doanh nghiệp thủy sản nỗ lực để khẳng định

Trong 10 năm trở lại đây xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tục phát triển. Nhưng trong bản thân khối DN này vẫn tự nhận thấy còn nhiều điểm yếu.

22/06/2015