Bắc Ninh Chuẩn Bị Đủ Nguồn Giống Nấm Cho Vụ Mới
Sản xuất nấm với việc tận dụng những nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền và cho giá trị kinh tế cao đang được nhiều người dân nông thôn ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi trồng và nhân rộng mô hình làm kinh tế hiệu quả này, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH&CN) tỉnh Bắc Ninh gấp rút chuẩn bị tăng lượng giống nấm, sẵn sàng cùng nông dân bước vào mùa vụ mới.
Tiếp nhận công nghệ trồng nấm từ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp, từ năm 2007 đến nay Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN là đơn vị duy nhất trong tỉnh có đủ điều kiện sản xuất giống nấm để trồng thương phẩm. Trung tâm có khả năng sản xuất hầu hết các loại giống nấm với sản lượng mỗi năm gần 10.000 kg, trong đó có 2 loại chủ lực là nấm sò và nấm linh chi.
Ông Bùi Văn Tiến, một người có kinh nghiệm gần 20 năm trồng nấm ở xã Phù Lãng, Quế Võ cho biết: “Ngày trước, tôi thường phải mua nấm sò giống tận Hà Nội, nhưng từ vài năm nay, tôi chuyển qua lấy giống của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN, với chất lượng tốt mà giảm chi phí đi lại.
Vụ nấm này, tôi sẽ mua khoảng 2000 bịch tương đương với 1 tấn nấm sò giống, đồng thời thử nghiệm trồng thêm nấm linh chi và mộc nhĩ”. Được biết, với số nấm sò giống trên, năm 2013, gia đình ông thu hoạch được gần 20 tấn nấm tươi, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng.
Để đảm bảo chất lượng giống nấm cung cấp cho nông dân, Trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên nắm vững các quy trình công nghệ nuôi trồng, nhân giữ nấm giống. Với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu thực nghiệm Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN đề xuất Dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất và chế biến một số loại nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng quy mô công nghiệp tại Bắc Ninh”.
Qua đó, các điều kiện để nuôi cấy, nhân giữ giống nấm được đầu tư đồng bộ với hệ thống nhà xưởng xử lý nguyên liệu, nhà để lắp đặt thiết bị và dây chuyền sản xuất bịch nấm - chế biến nấm với tổng diện tích khoảng 250m2, nhà cấy giống 100 m2, nhà nuôi sợi và ươm bịch nấm 300 m2 cùng một số nồi hấp khử trùng áp lực cao, nồi sấy...
Với mặt bằng hiện có, Trung tâm cũng đã tổ chức sản xuất nấm thương phẩm để đánh giá, rút kinh nghiệm nuôi trồng song song với việc hình thành thêm 3 mô hình vệ tinh tại huyện Yên Phong, Quế Võ và Tiên Du có sự tham gia của gần 90 hộ. Sản phẩm từ các mô hình này sẽ được chuyển về Trung tâm để tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang…
Theo kế hoạch, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị kỹ thuật, cơ sở để mở rộng sản xuất với các giống nấm cho giá trị kinh tế cao như: nấm kim châm, sò đùi gà, nấm đầu khỉ… và tiến hành thử nghiệm quy trình chế biến nấm thành các món ăn phong phú như ruốc nấm, giò nấm...
Ông Bùi Hữu Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm bày tỏ: “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng được 1 mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm khép kín, phù hợp theo hướng công nghiệp, để trở thành động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân”.
Từ nay đến cuối năm là thời vụ chính nuôi trồng nấm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN đang khẩn trương sản xuất nhằm cung ứng thêm 10.000 kg nấm giống và 50 tấn nguyên liệu cho sản xuất thương phẩm.
Để hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, Trung tâm kết hợp với các Hội, Đoàn thể tổ chức tập huấn công nghệ trồng nấm, quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, điều tiết nhiệt độ, ẩm độ và xử lý phế phụ phẩm sau thu hoạch... Theo đó, Trung tâm cũng khuyến cáo người nông dân đặc biệt chú ý tới 2 yếu tố quyết định nhất trong nuôi trồng nấm là nhiệt độ và độ ẩm.
Nếu nhiệt độ quá cao và độ ẩm quá thấp nấm sẽ chậm phát triển, thậm chí không phát triển, nếu để độ ẩm quá cao sẽ là nguyên nhân dẫn tới nấm bị thối hỏng. Vì vậy, người nuôi trồng phải thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình phát triển của các bịch nấm để có hướng xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Thuận, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên bệnh thán thư và vàng cành trên thanh long gia tăng. Cụ thể, diện tích nhiễm thán thư là 335 ha, tăng 8 ha so với thời điểm cuối tháng 4/2015 và tăng 270 ha so cùng kỳ năm 2014, phân bố chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Bắc.
Khi đi tham quan nhà vườn ở Nam bộ, ông Trần Thái, ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) rất thích giống mít tố nữ Malaysia hạt lép, bởi giống mít này ngon hơn giống mít tố nữ nội địa. Ông liền đưa giống mít đặc sản này về trồng ở trang trại gia đình. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm 10 cây, đến nay đã có 200 cây mít đặc sản trong vườn.
Ngành chuyên môn cùng các nhà vườn ở địa bàn được xem như “thủ phủ” vườn trái cây có múi của tỉnh Hậu Giang là huyện Châu Thành đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh vàng lá gân xanh đang hoành hành dữ dội.
Trong mấy ngày qua, bà con nông dân trồng dưa lại bị thương lái ép giá, có thời điểm, thương lái ép giá xuống còn 1.200 đồng/kg dưa gây bất lợi cho người dân. Các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong cả nước lại bắt đầu chiến dịch “giải cứu dưa” mới giúp nông dân.
Mãng cầu xiêm còn có tên mãng cầu gai, là loại cây được trồng phổ biến ở miền Nam và rải rác ở Nam Trung bộ.