Bà Trùm Của Trang Trại Rau Thơm
Giữa một thung lũng rộng của buôn Đạ Nghịt, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), những lớp nhà kính mọc lên khang trang, rộng rãi với hệ thống tưới tự động hiện đại.
Đó là nơi sinh trưởng của hàng chục loại rau thơm cao cấp có nguồn gốc nước ngoài và là trang trại rau thơm lớn nhất Đà Lạt - nơi cung cấp hầu hết các chủng loại rau thơm gốc nước ngoài cho các nhà hàng, khách sạn, hệ thống siêu thị phục vụ khách cao cấp. Đó cũng là trang trại của bà Phạm Thị Thu Cúc với thương hiệu Rừng hoa Bạch Cúc.
Tham quan trang trại của bà Cúc, chị Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty Organica, doanh nghiệp chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản sản xuất hữu cơ rất thích thú.
Chị Thảo cho hay, khách hàng của công ty chị có nhiều người nước ngoài đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh và họ có yêu cầu rất cao với chất lượng các loại rau, trong đó có các loại rau thơm theo truyền thống ẩm thực của họ. Và tìm khắp Đà Lạt cũng như nhiều địa phương khác, Trang trại Bạch Cúc này là nơi chị tìm được đủ các loại rau thơm nước ngoài với trên 20 chủng loại, từ củ hồi, quế tím, origano, lavender…
Không những thế, quy trình sản xuất của trang trại cũng được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho nông sản, trang trại rất sạch, chị đánh giá rất cao những yếu tố này từ góc độ khách hàng. Theo chị Thảo, hiện Bạch Cúc đang là trang trại cung cấp rau thơm ngoại lớn nhất, đầy đủ nhất và nếu doanh nghiệp cần những loại rau mới, trang trại có thể đáp ứng được trong thời gian nhanh nhất.
Người phụ nữ chủ trang trại, bà Cúc, là “người mới” trong nghề trồng rau, như bà tự nhận. Trải qua nhiều nghề nghiệp cũng như bao thăng trầm trong cuộc sống, bà mới gắn bó với nghề trồng rau và trang trại rau Bạch Cúc từ vài năm trở lại đây.
Bà Cúc tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã yêu đất, mê đất, trải qua cả cuộc sống dài tôi lại quay trở về gắn bó với đất và khẳng định, sẽ gắn bó với mảnh đất này lâu dài”. Bà cũng tâm sự, khi mở trang trại, bà cũng chưa định hình mình sẽ chuyên trồng rau thơm ngoại.
Nhưng bà tự thấy, là người mới vào nghề, mình không thể theo kịp nông dân kỳ cựu khi trồng các loại rau phổ thông khác. Bởi vậy, dưới sự tư vấn của nhiều người bạn trong nghề như ông Lê Hữu Phan, vốn là kỹ thuật viên của Công ty rau Kim Bằng, bà quyết định trồng rau thơm ngoại. Trồng rau thơm cung cấp cho khách hàng cao cấp, điều đầu tiên phải quan tâm đó là chất lượng.
Bà Cúc cho biết, rau thơm ngoại hầu như không bệnh tật nhưng chăm không dễ, chúng cần môi trường đất rất tốt. Bởi thế, dù được trồng trong nhà kính song bà đầu tư một lượng phân hữu cơ rất lớn, cải tạo hoàn toàn hệ thống đất, tạo cho đất có độ tơi xốp, thoát nước nhưng vẫn đảm bảo độ kết dính cho cây dễ sinh trưởng.
Với bà, cải tạo đất là khâu quan trọng nhất trong việc trồng ra những cây rau thơm khỏe mạnh và sạch bệnh. Lượng phân bón này do trang trại tự ủ từ nguồn phân hữu cơ và men nấm Trichoderma đến độ tơi mục, không còn mùi hôi thu hút ruồi nhặng.
Để chống một số loại bệnh và nấm gây hại, bà Cúc dùng dầu Neem, loại dầu được chiết xuất từ cây neem trồng ở vùng cát Ninh Thuận có hiệu quả mạnh trong diệt trừ nấm, vi sinh vật gây hại, côn trùng và hoàn toàn vô hại với cây trồng và sức khỏe con người. Ngoài ra, các loại dầu như dầu cam, dầu tỏi cũng được dùng để ngừa côn trùng gây hại. Các loại phân vô cơ hóa học gần như không được sử dụng.
Vừa làm vừa học, bà Cúc đã mày mò trồng trên 20 loại rau thơm ngoại thường được sử dụng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, bà trồng thêm một số loại rau khác cũng chủ yếu phục vụ cho khách hàng cao cấp như dưa leo baby, củ cải đỏ, cà chua cherry, cà chua beef.
Bà tự hào rằng, nhiều khách hàng đã đi khắp nơi tìm kiếm và rồi lại quay về với trang trại Bạch Cúc vì nơi này có đủ các loại rau khách hàng cần. Hiện, hai khách hàng lớn nhất của Trang trại Bạch Cúc là các hệ thống siêu thị Metro và Big C. Điều khác với nông dân bình thường là bà Cúc không bán hàng theo giá thị trường lên xuống, bà cung cấp hàng cho khách với “giá chết”, dù giá thị trường có thay đổi thì giá bán vẫn ổn định.
Nhờ vậy, bà có thể lên kế hoạch sản xuất phù hợp và bền vững. Hiện tại, mục tiêu của bà là nhân rộng loại lavender, một cây rau thơm rất nổi tiếng đồng thời mang một vẻ đẹp kì lạ. Bà hi vọng sẽ biến thung lũng trở thành một vùng tím màu hoa lavender.
Lời tâm sự của bà Cúc cũng mang đầy tình yêu và hi vọng với đất: “Nông dân vẫn có thể làm giàu từ đất nhưng để có được điều ấy, phải tốn công, tốn sức và đổ vào đất rất nhiều tâm huyết. Tôi đã yêu, đã phấn đấu và đã nhận được ngọt lành từ đất và hi vọng sẽ mãi mãi gắn bó với mảnh đất xinh đẹp này”.
Có thể bạn quan tâm
Hội thảo quy hoạch nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 tổ chức tại Bạc Liêu là diễn đàn thảo luận giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất con giống và người nuôi tôm. Vấn đề được các đại biểu quan tâm hàng đầu tại hội thảo là đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản và chất lượng tôm giống. Hai nội dung này được bàn luận sôi nổi tại hội thảo.
Tình hình xuất khẩu nông thủy sản từ đầu năm 2015 đến nay gặp khó khăn, giá trị thu về không như mong muốn, nhiều doanh nghiệp hoạt động ì ạch, trong khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế bị ảnh hưởng... Gỡ khó cho xuất khẩu nông thủy sản đang được các bộ ngành trung ương và các tỉnh tập trung quyết liệt.
Gần 8 năm đầu tư phát triển chăn nuôi, trang trại của ông Nguyễn Công Bắc ở Hợp tác xã 6, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn được coi là một trong những trang trại điển hình của tỉnh Sơn La về áp dụng phương pháp an toàn sinh học, chăn nuôi khép kín, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế, hạn chế tác động môi trường.
Giống gà “mặt quỷ” (Ayam Cemani), được xem là giống gà đắt giá nhất trên thế giới, có xuất xứ từ Indonesia. Nhiều người dân bản địa tin rằng, người sở hữu giống gà này sẽ đem lại nhiều may mắn trong cuộc sống. Với giới kinh doanh, nuôi loại gà này đang mở ra triển vọng doanh thu và lợi nhuận cao.
Hiện tại hai huyện miền núi có số lượng trồng măng lớn là Tri Tôn và Tịnh Biên đã có măng, giá bán cao gấp 5-10 lần so với vụ rộ.