Ba Ba Sốt Giá, Người Dân Vẫn Thờ Ơ Ở Khánh Hòa
Tuy giá ba ba đang “sốt” nhưng người nuôi vẫn dửng dưng bởi thị trường bấp bênh, một thời gian dài rơi vào trầm lắng.
Càng nuôi càng lỗ
Phong trào nuôi ba ba rộ lên những năm 2005 - 2006. Lúc đó, nhiều hộ xây hồ, đào ao nuôi ba ba với mong muốn làm giàu nhanh chóng, bởi đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, không bao lâu sau, thị trường tiêu thụ này giảm dần khiến nhiều người nuôi ba ba lỗ nặng. Ông Trần Văn Sơn (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết: “Những năm trước, thấy ba ba có giá (175.000 đồng/kg), tôi xây hồ nuôi với diện tích khoảng 30m2, bình quân mỗi năm xuất bán 500 - 600 con, tương đương 500 - 600kg, thu nhập 70 - 80 triệu đồng. Tuy nhiên, được một thời gian, thị trường xuống dốc, thương lái không ai tới mua, giá rớt chỉ còn 100.000 - 110.000 đồng/kg. Nuôi nhiều lỗ vốn nên tôi chỉ làm cầm chừng”.
Ông Nguyễn Văn Quang (thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) cũng là hộ nuôi nhiều ba ba thương phẩm. Ông Quang cho biết, giai đoạn 2005 - 2006, ông nuôi tới 4.000 con. Tuy nhiên, đến khi xuất bán, giá ba ba giảm mạnh, không có người mua. Ông Quang phải đi chào hàng tận Hà Nội, bị thương lái ép giá chỉ còn hơn 100.000 đồng/kg. Tuy lỗ nhưng ông vẫn phải bán để vớt vát chi phí đầu tư. Theo ông Quang, ba ba không khó nuôi nhưng nếu không am hiểu kỹ thuật có thể dẫn đến thất thoát lớn. Nhiều người nuôi ba ba tại Suối Tân đã lỗ nặng nên phải chuyển sang đối tượng nuôi khác.
Không bị ảnh hưởng nhiều về giá nhưng ba ba của ông Trần Lại (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) lại bị chết non do mắc bệnh nấm. “Lúc đó, tôi đầu tư bể nuôi khoảng 20m2, kinh phí 5 triệu đồng, mua 200 con giống về thả. Tuy nhiên, khi ba ba chuẩn bị xuất bán thì mắc bệnh nấm. Cả đàn ba ba nhanh chóng ra đi, tôi lỗ 15 triệu đồng...”, ông Lại chia sẻ.
Người nuôi dửng dưng
Vì lỗ nhiều nên từ đó, người nuôi không muốn duy trì trại nuôi. Hiện nay, tìm về các vùng nuôi ba ba trong tỉnh, chúng tôi chỉ thấy cảnh ao khô, hồ cạn. Ông Quang cho biết, đầu ra không có, giá ba ba tụt giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 100.000 đồng nên người nuôi ngán ngẩm. Tại xã Suối Tân, trước đây có hơn 10 hộ nuôi, quy mô lên đến hàng chục ngàn con, nhưng hiện nay chẳng còn ai nuôi. Ông Quang cũng chuyển sang nuôi cá nước ngọt từ nhiều năm nay. Dẫu biết hiện nay, giá ba ba đang “sốt” nhưng ông Quang vẫn không màng. Ông Sơn tuy vẫn duy trì nuôi nhưng số lượng chỉ còn hơn 100 con. Ông cho biết, hiện nay, giá ba ba thịt tại thị trường 220.000 đồng/kg, tại nhà hàng 360.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi ba ba lời khá, tuy nhiên hiện nay, số hộ “treo ao” lên tới 80 - 90%.
Ông Vũ Đình Bình - Trưởng phòng Kỹ thuật tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một thời gian dài, thị trường Trung Quốc không ăn hàng đã làm cho nghề nuôi ba ba thoái trào, nhiều hộ bỏ nghề. Hiện nay, giá ba ba đang “sốt” do thị trường khan hàng, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu thu mua trở lại. Trước thực trạng này, người nuôi cần bình tĩnh, tỉnh táo trước những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư lớn. Nếu không có kế hoạch, hợp đồng sản xuất thì chỉ dừng lại ở việc nuôi quy mô nhỏ...
Có thể bạn quan tâm
Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi dê, cừu với bao vất vả, thăng trầm, đến nay chị Nguyễn Thị Năm, thôn Quán Thẻ 1 (xã Phước Minh, Thuận Nam) đã xây dựng cho mình trang trại nuôi cừu, với tổng đàn lên đến 1.000 con. Lợi nhuận hàng năm từ chăn nuôi cừu đã giúp chị trở thành một trong số ít phụ nữ giàu có trên đồng đất Quán Thẻ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ASEAN được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong những năm gần đây.
Đầu tháng 12-2013, anh Phạm Vĩnh Phúc 52 tuổi ở thôn Sơn Hải1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) đầu tư 200 triệu đồng nuôi 2 sào tôm thẻ chân trắng.
Hơn 20 năm về trước, khi nghề nuôi con đặc sản còn chưa phổ biến thì ông Vũ Cao Thăng ở xóm 2, xã Ân Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình) đã mạnh dạn nuôi ếch da xanh, cá sấu, tắc kè…
Sau chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận, cuối năm 2013, tỉnh ta có thêm nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, “Tỏi Phan Rang” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ. Nếu nói về nhãn hiệu tập thể nông sản được bảo hộ, còn phải kể tới măng khô Bác Ái, Rau an toàn Văn Hải và Tuấn Tú, nhưng nổi tiếng và mang tính đặc thù hơn cả của vùng đất Ninh Thuận chính là sản phẩm nho, táo và tỏi. Vấn đề hiện nay là phải làm gì để khai thác hiệu quả giá trị các nhãn hiệu trên?