Áp Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Nuôi Trồng Thuỷ Sản
Nghệ An có 82 km bờ biển, 6 cửa lạch và hơn 22.500 ha mặt nước, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản nói chung và phát triển nuôi trồng nói riêng.
Trong những năm qua, khai thác lợi thế, nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh. Phong trào nuôi ngọt phát triển khắp nơi, từ vùng rừng núi xa xôi đến đồng bằng rộng lớn, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, nơi giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Song song với việc phát triển chiều rộng, phong trào nuôi trồng thủy sản mặn lợ năng suất cao cũng đã hình thành. Vùng nuôi tập trung tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu đã được quy hoạch ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc.
Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2011 đạt 39.000 tấn, tăng hơn 5 lần so với năm 1996. Sản lượng tôm tăng gấp 10 lần, năng suất nuôi bình quân đạt 6 - 7 tấn/ha. Nhiều hộ đạt từ 10 - 15 tấn/ha/vụ, cá biệt có những hộ biết đầu tư năng suất có thể đạt 20 - 25 tấn/ha. Việc nuôi 3 vụ/năm đã thành hiện thực. Con tôm đang là vật nuôi giúp người nông dân vươn lên làm giàu.
Để có được kết quả đó, trước hết là nhờ các chính sách giúp người dân tiếp thu, làm chủ được khoa học kỹ thuật trong khâu sản xuất. Từ hiệu quả của nuôi quảng canh, ngành Thủy sản đã có chủ trương quy hoạch chuyển một số diện tích sang nuôi tôm công nghiệp. Một khó khăn trong chuyển đổi là nguồn giống. Tại thời điểm đó, giống tôm phải nhập về từ các tỉnh phía nam, rất bị động, mặt khác do vận chuyển đường dài, không phù hợp khí hậu nên khi thả tỷ lệ sống đạt thấp.
Để chủ động nguồn giống, tỉnh chủ trương khuyến khích các cơ sở sản xuất giống đầu tư cơ sở vật chất, tìm đến các cơ sở sản xuất tôm giống ở miền Nam để học tập kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Với biện pháp nâng nhiệt, tôm sú đã sinh sản được trong điều kiện lạnh của mùa đông miền Bắc.
Từ tôm sú đẻ, ương nuôi thành công, Nghệ An đã chủ động được nguồn giống để phát triển vùng nuôi công nghiệp. Năm 2001, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh chỉ có 150 ha, năm 2005 là 800 ha, đến hết năm 2010, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đã đạt 1.700 ha, sản lượng đạt 7.600 tấn, tăng hơn 5 lần so với năm 2005. Việc cho tôm sú đẻ thành công đã giúp Nghệ An phát triển phong trào sản xuất giống.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 64 trại sản xuất giống, trong đó có 55 trại sản xuất tôm. Việc áp dụng thành công công nghệ sản xuất giống tôm đã tạo đà cho các cơ sở sản xuất giống mạnh dạn đầu tư, tìm tòi các loại giống đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc sản xuất thành công giống cá rô phi đơn tính xử lý bằng hoóc môn đã mở ra một hướng đi mới trong việc nuôi cá rô phi đơn tính phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu.
Không chỉ phát triển các loại giống phục vụ cho nuôi công nghiệp, cơ sở sản xuất giống tại các địa phương đã nghiên cứu cho sinh sản thành công các loại đặc sản như cá vược, cua, cá bống bớp... Với sự phát triển của cơ sở sản xuất giống, Nghệ An đã trở thành một trung tâm sản xuất cung ứng giống thủy sản cho khu vực Bắc Trung bộ. Hàng năm sản xuất hơn 900 triệu tôm giống, 500 triệu cá bột, cung cấp cho các tỉnh từ Hải Phòng đến Quảng Bình.
Song song với việc áp dụng tiến bộ khoa học trong việc sản xuất con giống, việc nuôi trồng thủy sản thương phẩm trong những năm qua cũng đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh. Trước hết từ nuôi quảng canh, sang nuôi công nghiệp, đây là một bước "nhảy vọt". Từ việc sau khi thả giống người dân chỉ việc ngồi chờ đến ngày thu hoạch, chuyển sang nuôi có kiểm soát, từ môi trường nước, chế độ thức ăn, nồng độ ô xy trong nước... đã được kiểm tra, kiểm soát một cách nghiêm ngặt đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân.
Thời kỳ đầu, mới áp dụng các biện pháp khoa học người dân còn lúng túng, đến nay, họ đã làm chủ được công nghệ nuôi. Người dân có thể chủ động nuôi được 3 vụ/năm. Nhờ đó mà năng suất tăng từ 1,5 tấn/ha lên đến hơn 7 tấn/ha. Không chỉ dừng lại ở việc tăng năng suất vật nuôi, bà con nông dân đang hướng đến sản xuất ra sản phẩm sạch hơn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế hóa chất - để xử lý môi trường nuôi đã được áp dụng thành công ở khu vực nuôi tôm công nghiệp ở Quỳnh Xuân, Quỳnh Bảng, Mai Hùng.
Để tạo ra sản phẩm thủy sản ngày càng sạch hơn, đủ điều kiện vào các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, năm 2011 dự án nuôi thủy sản mặn lợ theo quy trình Việt GAP đã được triển khai cho 13 hộ ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc với tổng diện tích hơn 26 ha. Do việc kiểm soát VSATTP từ vùng nuôi đến bàn ăn... nên tôm được thị trường tiêu thụ chấp nhận với giá cao hơn. Dự án đang được tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo, với mục tiêu tạo ra sản phẩm an toàn hơn cho người tiêu dùng, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.
Nhờ biết áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nghề nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển vượt bậc, giúp người nông dân vươn lên làm giàu, góp phần thay đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, giúp thực hiện nhanh mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi học hết phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để học tiếp nên Hồ Phi Hiển quyết định vào Phú Quốc (Kiên Giang) tìm cơ hội lập nghiệp.
Theo nhận định của các ngành chuyên môn thì nuôi thâm canh, bán thâm canh là yếu tố gây áp lực môi trường đối với một số vùng nuôi mà hệ thống thủy lợi chưa thông thoáng.
Năm nay, sau 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thua lỗ, nhiều nông dân ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thả nuôi tiếp vụ thứ 3 với hy vọng gỡ vốn, nhưng tôm lại tiếp tục chết…
Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, là người đầu tiên ở miền Tây thực hiện mô hình nuôi gà Đông Tảo (gà tiến vua) trở thành triệu phú.
Hiện nay, đàn bò sữa TPHCM dịch chuyển dần ra các huyện ngoại thành, riêng huyện Củ Chi chiếm 63,8%. Chủ trương của ngành nông nghiệp TP là nâng chất con giống, tăng quy mô đàn và giảm số hội nuôi để giảm dần, còn khoảng 85.000 con.