Anh Toán làm giàu từ chăn nuôi
Đứng trên triền đê sông Hóa, ngắm nhìn trang trại rộng 5ha của gia đình anh Toán mới thấy được ý chí vượt khó, sự mạnh dạn, sáng tạo của anh.
Nơi đây xưa kia là vùng triều trũng, đất đai chua phèn, cảnh chiêm khê mùa thối, cấy lúa năm được năm mất đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.
Cỏ mọc quá lưng người, chẳng mấy ai còn nghĩ đến việc trồng cấy.
Năm 2004, khi địa phương chủ trương chuyển đổi vùng úng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vợ chồng anh Toán bàn nhau đấu thầu diện tích hoang hóa ven đê để thực hiện ý tưởng đã ấp ủ bấy lâu.
Ngày ấy, ai cũng cho rằng anh chị mạo hiểm bởi lâu nay có ai kiếm được cái ăn trên mảnh đất này, thế mà anh chị lại dám đầu tư công sức, tiền của vào.
Ngày cũng như đêm, ngoài thuê máy để tôn vùng lấp trũng, anh chị đổ biết bao mồ hôi, công sức cho mảnh đất này.
Chồng đào vợ gánh, cứ như vậy mà mãi cũng chưa thấy sự hồi sinh, có lúc tưởng như phải bỏ dở.
Thế nhưng, đất không phụ công người, có bàn tay, khối óc, sự kiên trì, chịu khó của anh chị, trên vùng đất bãi ven đê đã thấp thoáng một vườn cây xanh.
Để ứng phó với thiên tai nơi đầu sóng ngọn gió, anh chị trồng những cây lưu niên, vừa để chắn gió lại vừa cho hiệu quả cao.
Có tay người cải tạo, chăm bón, vài trăm gốc mít, xoài, nhãn phát triển xanh tốt. Cùng với hình thành vườn cây ăn quả, anh chị đầu tư vốn liếng, vay mượn anh em, họ hàng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Ban đầu vốn ít, trang trại chỉ có 1.000 - 2.000 gà đẻ, sau số lượng lên tới 6.000 con. Để thành công với mô hình chăn nuôi quy mô lớn, anh Toán cất công sang các trang trại chăn nuôi lớn ở Hải Dương, Hưng Yên để học tập kinh nghiệm.
Các lớp tập huấn do địa phương tổ chức hay thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng cũng cho anh những kiến thức bổ ích. Bí quyết của anh là chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh an toàn.
Đến nay, trung bình mỗi ngày trang trại của gia đình anh cung cấp ra thị trường 3.000 quả trứng, thu về 5 triệu đồng. Bảo đảm uy tín với khách hàng, sản lượng trứng đều được các công ty bánh kẹo, tư thương trong và ngoài huyện đến thu mua, cung cấp ra thị trường.
Ngoài nuôi gà đẻ, mới đây, anh Toán còn đưa vào thí điểm mô hình nuôi lợn rừng. Hiện tại có 6 lợn nái và 30 con lợn thương phẩm.
Nuôi lợn rừng vừa ít dịch bệnh lại có thể tận dụng rau, củ, quả hay nông sản phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi, do vậy chi phí thấp mà hiệu quả mang lại khá cao.
Với thời gian nuôi 1 năm, trước tết Nguyên đán vừa qua, anh bán được 6 con lợn rừng với giá 150.000 đồng/kg, mỗi con được 5 - 6 triệu đồng.
Đây cũng là hướng đi mới của gia đình anh trong phát triển kinh tế trang trại.
Vươn lên bằng ý chí, nghị lực và khát vọng làm giàu trên đất quê hương, anh Bùi Minh Toán đã được Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, UBND tỉnh và huyện Thái Thụy tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Có thể bạn quan tâm
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết nửa đầu năm nay, sản lượng cá tra chỉ đạt 560.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 11.7, tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị báo cáo kết quả mô hình sản xuất đậu phộng hè năm 2013.
Sau một thời gian dài bị cấm nhập khẩu do phát hiện thanh long Việt Nam nhiễm bệnh ruồi đục quả, đến nay, phía Đài Loan đã cơ bản đồng ý mở cửa cho quả thanh long xuất khẩu trở lại thị trường này.
Bón phân cho lúa là một kỹ thuật rất quan trọng giúp hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất và phẩm chất lúa cũng như hạn chế sự đổ ngã, sâu bệnh cho lúa. Vì vậy, nông dân cần biết kỹ thuật bón phân cho từng mùa vụ cũng như từng vùng sinh thái khác nhau.
Hiện nay, nông dân ở hầu hết các xã trong huyện Mường Nhé đều gặp khó khăn về phát triển kinh tế hộ gia đình, do chưa được tiếp cận những kiến thức mới trong làm ăn và không có vốn đầu tư.