Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) chuẩn bị tốt cho vụ tôm hè
Ngay từ tháng 1-2015, huyện Tiên Yên đã theo dõi chặt chẽ tình hình cung ứng giống, thông tin về các cơ sở cung cấp giống trong và ngoài tỉnh có uy tín, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ và đã qua kiểm dịch để các hộ nuôi lựa chọn.
Qua khảo sát cho thấy nếu như những năm trước vẫn còn một số hộ dân vì ham rẻ nên nhập con giống Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng thì đến nay 100% các hộ nuôi đều đăng ký mua giống ở những cơ sở do huyện giới thiệu. Một số cơ sở cung ứng giống đã mời các hộ dân đến tận nơi tham quan cơ sở sản xuất giống và cam kết hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, cử cán bộ kỹ thuật của đơn vị ra giám sát, hỗ trợ, đảm bảo con giống khoẻ mạnh, phát triển khoẻ mạnh trong thời gian 40 ngày sau thả giống.
Để cải tạo ao đầm, phòng chống dịch bệnh, đến thời điểm này huyện đã chuẩn bị 10 tấn Chclorine, một loại hoá chất có tác dụng sát khuẩn mạnh để cấp cho các hộ nuôi tôm, tăng 4 tấn so với cùng kỳ 2014. Trong đó cấp phát 8 tấn, dự trữ 2 tấn.
Năm nay việc cấp phát số Chclorine này có nhiều nét mới, thay vì cấp theo diện tích (các hộ đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất) như những năm trước đây thì huyện tiến hành cấp phát theo các đối tượng ưu tiên. Trong đó lần lượt là các hộ nuôi tôm bán thâm canh, có mức đầu tư lớn; những hộ nuôi trong vùng đã bị dịch bệnh năm 2014; các hộ nuôi giáp ranh vùng dịch, có nguy cơ xảy ra dịch bệnh năm 2015.
Nói về việc này, ông Hoàng Văn Quang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện phân tích: Mục đích của việc cấp hoá chất Chclorine là để phòng bệnh. Trong khi hệ thống hạ tầng các vùng nuôi hiện chưa hoàn thiện, vẫn phải liên quan đến nhau thì đương nhiên sẽ có khả năng lây nhiễm bệnh dịch cho nhau. Vì vậy, chỉ trừ khi huyện không đủ lượng thuốc còn nếu đủ thì cố gắng cấp phát hết các hộ nuôi, nhất là các hộ có nguy cơ cao trong lây, nhiễm bệnh dịch.
Cũng để đảm bảo các điều kiện để con tôm phát triển, bắt đầu từ vụ tôm này huyện Tiên Yên ký kết hợp tác với Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) về giám sát, hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm cho bà con. Chi cục NTTS sẽ cử cán bộ thường trực theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của con tôm tại các vùng nuôi.
Riêng đối với vùng tôm xã Hải Lạng, đến nay đã 3 năm liên tục có diện tích bị nhiễm bệnh dịch, làm giảm giá trị con tôm. Để “cắt” mầm bệnh, đảm bảo môi trường nuôi, huyện Tiên Yên đã tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân chuyển đổi đối tượng nuôi khác.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do người dân vẫn mặn mà với con tôm hơn. Trước tình hình này, huyện Tiên Yên đã tăng cường tất cả các hoạt động chuẩn bị vụ nuôi tôm Xuân - hè cho các hộ dân ở đây. Huyện cấp 6/8 tấn hoá chất Chclorine cho Hải Lạng, đồng thời yêu cầu cán bộ kỹ thuật của Chi cục NTTS lấy mẫu nước trong ao nuôi xét nghiệm định kỳ, phân tích môi trường nước, xác định mầm bệnh và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh nếu có. Riêng vấn đề con giống ở vùng nuôi này được kiểm soát chặt chẽ, 100% giống có xuất xứ, đảm bảo về chất lượng.
Anh Nguyễn Đình Bạo, thôn Trường Tùng, xã Hải Lạng, hộ bị thiệt hại vì tôm bị bệnh dịch năm 2014 vừa qua cho biết: Ngoài việc cải tạo môi trường nuôi của Hải Lạng, cần coi trọng lựa chọn con giống khoẻ, đảm bảo là biện pháp tốt nhất để tăng sức kháng bệnh, phòng chống dịch bệnh cho tôm...
Theo kế hoạch, bắt đầu từ đầu tháng 4 này người dân sẽ thả giống tôm. Với việc chuẩn bị chu đáo, chủ động như trên, hy vọng năm nay Tiên Yên sẽ có vụ tôm bội thu.
Có thể bạn quan tâm
Trừ chi phí hoạt động và lương cho khoảng 20 nhân công, mỗi tháng gia đình chị Nguyễn Thị Thiếc (Gio Linh, Quảng Trị) thu nhập 50 triệu đồng từ nghề chế biến và đóng gói sứa biển.
Vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Việt Nam (WWF-VN) đã tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức về sản xuất cá tra bền vững tại ĐBSCL".
Không đòi hỏi diện tích rộng hay kỹ thuật cao, không gây ô nhiễm môi trường, lại có thể tận dụng được diện tích chuồng trại nuôi heo cũ, mô hình nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới của nhiều hộ dân ở TP.Biên Hòa.
Hiện nay ở Cà Mau, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi công nghiệp đang có chiều hướng tăng. Đây là vấn đề đòi hỏi ngành chuyên môn và người nuôi tôm cần chú ý và thận trọng hơn trong việc thả tôm nuôi; nhất là trong điều kiện diện tích tôm nuôi công nghiệp đang ngày càng nhiều hơn.
Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi động vật hoang dã trên địa bàn Tây Ninh phát triển khá mạnh, trong đó cá sấu đang được nhiều bà con chọn nuôi vì đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.