Ðắk Song Phát Triển Hồ Tiêu Theo Hướng Bền Vững
Huyện Đắk Song hiện có gần 5.700 ha hồ tiêu, sản lượng vụ 2014 - 2015 ước đạt 7.430 tấn. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương và nhiều hộ dân đã phát triển kinh tế khá, giàu nhờ cây trồng này. Chính vì thế, việc phát triển cây hồ tiêu bền vững để đưa kinh tế của địa phương phát triển là điều mà chính quyền huyện Đắk Song đã và đang triển khai mạnh mẽ.
Trong những năm gần đây, người dân các xã trên địa bàn huyện Đắk Song đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Nông dân Đắk Song đang chuyển mạnh từ canh tác tự phát sang canh tác theo quy hoạch, chú trọng khâu lựa chọn giống và chế độ canh tác phù hợp cho từng chân đất đã đưa lại năng suất cao và phát triển bền vững.
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân Hiền ở xã Nâm N’jang hiện có 3 ha hồ tiêu đang kinh doanh. Chị Hiền cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sử dụng phân bón hóa học để chăm sóc vườn tiêu nhưng 3 năm nay đã sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học và phân bón hữu cơ.
Qua thực tế, việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học thường là năm được mùa năm mất mùa, đất bị cằn. Từ khi, gia đình sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học và hữu cơ đã giúp cải tạo đất tơi xốp, tạo điều kiện cho cây dễ dàng hút chất dinh dưỡng nên cành chắc, khỏe, lá xanh, chẽn dài, trái mẩy và cho năng suất ổn định. Mấy năm nay, vườn hồ tiêu của gia đình tôi năng suất trung bình đạt trên 6 tấn/ha”.
Còn gia đình chị Võ Thị Thu cũng ở xã Nâm N’jang thì cho biết: “Hồ tiêu là loại cây đòi hỏi người nông dân phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ việc chọn giống, chuẩn bị đất đai, trồng và chăm sóc. Gia đình tôi hiện có 2 ha đã cho kinh doanh. Tôi trồng vừa tiêu sẻ và tiêu Vĩnh Linh. Để vườn tiêu phát triển bền vững thì khâu chọn giống rất quan trọng, phải chọn mua ở các cơ sở cung ứng có uy tín.
Trước khi trồng, tôi đã làm sạch đất bằng cách xử lý diệt nấm, mối, kiến để sạch bệnh không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng sau này. Cây hồ tiêu nếu bị úng nước sẽ dễ mắc bệnh chết nhanh, chết chậm nên trong mùa mưa, tôi không để cây bị úng còn vào mùa nắng thì tưới nước vừa đủ cho cây”.
Theo kinh nghiệm và thực tế sản xuất của người dân thì trồng hồ tiêu bám vào các trụ sống như muồng đen, hông, gòn… sẽ giúp cây phát triển tốt.
Trong thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện Đắk Song như Phòng Nông nghiệp–PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật, các cấp hội, đoàn thể đã tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây hồ tiêu cho nông dân và đang tiếp tục đẩy mạnh.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, kiêm Chủ tịch Hội hồ tiêu Đắk Song cho biết: “Trong năm 2015, Hội sẽ xây dựng 10 ha hồ tiêu sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn bền vững của Việt Nam tại 4 xã trồng tiêu trọng điểm của huyện là Đắk N’drung, Nâm N’jang, Thuận Hà và Thuận Hạnh. Các vườn hồ tiêu này sử dụng chủ yếu các chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ để chăm sóc cây trồng.
Trong thời gian tới, Hội hồ tiêu Đắk Song sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để người dân nắm vững quy trình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu phát triển an toàn, hạn chế thấp nhất bệnh hại. Một trong những hướng trọng tâm đó là Hội sẽ mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ngay tại cánh đồng theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”. Giải pháp này sẽ giúp nông dân nắm vững kiến thức và cách làm thực tế”.
Hiện nay, huyện cũng đã thực hiện việc liên kết “4 nhà” gồm: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân để phát triển bền vững cả về đầu vào lẫn đầu ra và chất lượng sản phẩm.
Theo ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thì hiện nay, các đại lý, công ty thu mua hồ tiêu và cung ứng thuốc, phân bón đứng chân trên địa bàn huyện đã chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật và bán các sản phẩm chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ cho người dân để chăm sóc cây trồng theo hướng bền vững.
Tình trạng người dân sử dụng phân bón một cách tràn lan đã giảm hẳn và thay vào đó là đã chú trọng áp dụng công nghệ sinh học, bón phân, thuốc điều trị bệnh cho hồ tiêu một cách khoa học vào chăm sóc đã làm cho sản lượng hồ tiêu của huyện hàng năm tăng lên. Nhiều hộ trồng tiêu đã nắm được cách chăm sóc cơ bản nên đã giảm được tình trạng vườn hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm và giữ vững năng suất.
Hiện nay, huyện đang xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho cây hồ tiêu đồng thời đã thu hút được Công ty Xuất nhập khẩu An Phong đầu tư nhà máy chế biến tiêu sọ xuất khẩu và liên kết với nông dân nên đầu ra sẽ thuận lợi hơn trước đây rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Từ ngày 3-11, UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát việc cấm nhập khoai tây Trung Quốc (TQ) vào chợ nông sản Đà Lạt (NSĐL). Đến sáng 5-11, tổ đã phát hiện một người chở khoảng 150 kg khoai tây TQ vào chợ.
Các cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 1 tấn gà hết hạn sử dụng, được một chủ cơ sở mua lại tận dụng cho cá ăn và bán cho người tiêu dùng.
Những trái xoài tươi Cát Chu của Việt Nam đã chính thức được bày bán lần đầu tiên tại siêu thị Aeon ở tỉnh Chiba, Nhật Bản.
Hiện chưa có thương hiệu gạo mang tên Việt Nam vì gạo Việt Nam chủ yếu đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), tôm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc.