Ðắk Mil Tập Trung Bảo Tồn Các Nguồn Gen Quý
Đắk Mil được xem là một trong các địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tốt giúp cho các loại cây trồng, vật nuôi phát triển một cách thuận lợi, mang lại năng suất cao. Để hướng tới sự phát triển bền vững, hiện tại, huyện đang đề xuất với ngành chức năng danh sách các nguồn gen cần được bảo tồn trong thời gian tới.
NHIỀU NGUỒN GEN QUÝ
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Mil thì trên địa bàn huyện hiện đang có nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng tốt; trong đó, có 4 loại cây, con như nhím, heo rừng, cà phê và sầu riêng. Phần lớn những giống cây, con này đều đang được nhiều hộ dân, trang trại trên địa bàn nuôi, trồng hiệu quả.
Trang trại Khánh Thanh, xã Đức Minh hiện là nơi nuôi nhím lớn nhất trên địa bàn huyện. Qua hơn 10 năm đầu tư, vật nuôi này đã mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho trang trại nhờ chất lượng thịt thơm ngon và sạch. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, do nhu cầu thị trường giảm nên số lượng con giống tại trang trại cũng ít dần. Hiện tại, trang trại chỉ nuôi khoảng gần 100 con nhím thịt và giống.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, chủ trang trại cho biết: “Mặc dù nhu cầu thị trường giảm, nhưng thời gian qua, trang trại vẫn duy trì những con giống tốt để cho ra con giống mới, chất lượng. Trong đó, phương pháp lựa chọn giống của trang trại cũng hoàn toàn theo tự nhiên và kiểm tra bằng kinh nghiệm.
Nhờ vậy, chất lượng nhím thịt luôn được thị trường đánh giá cao. Trong năm nay, trang trại sẽ tiếp tục đầu tư để nuôi lại nhím trên phần diện tích 700m2 đã có sẵn; đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến thịt tại Cụm công nghiệp Thuận An để trực tiếp cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh”…
Còn đối với cây sầu riêng, toàn huyện hiện có khoảng hơn 100 ha. Trước đó, để nhân rộng những giống sầu riêng tốt, thơm ngon, cơm vàng, không nhão, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã tổ chức thi và tuyển chọn được cây đầu dòng.
Hiện tại, những giống được lựa chọn này đang được triển khai trồng và phát triển tốt tại vườn cây đầu dòng ở xã Đắk Lao… Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ tiếp tục cho nhân giống, tiến hành trồng và ghép cải tạo vườn sầu riêng trên địa bàn…
TÍNH CẤP THIẾT CẦN PHẢI BẢO TỒN
Cũng theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện thì hiện tại, số lượng nguồn gen của các cây, con trên địa bàn huyện còn rất nhiều. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc bảo tồn các nguồn gen này đang là vấn đề cấp thiết. Vì thế, vừa qua, đơn vị đã đề xuất danh sách các nguồn gen cần bảo tồn lên Sở Khoa học và Công nghệ để sớm có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể.
Đối với cây cà phê thì hiện nay, toàn huyện đang có trên 21.000 ha. Trong đó, giống cà phê vối kinh doanh của địa phương lại chủ yếu được trồng bằng hạt nên thường cho năng suất thấp, hạt bé.
Vì vậy, tính cấp thiết lúc này là các nguồn gen cây cà phê cho chất lượng tốt, có mùi thơm đặc trưng, chống chịu sâu bệnh và hạn hán tốt trên địa bàn cần phải được lai tạo giống bằng phương pháp ghép cải tạo vườn cà phê thông qua các tinh dòng chọn lọc.
Trên cơ sở đó, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, nông dân trên địa bàn cũng sẽ được đào tạo, tiếp cận một số tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác cây cà phê. Phấn đấu đến năm 2020, 50% số diện tích vườn cà phê vối kinh doanh trên địa bàn huyện sẽ được cải tạo…
Đối với các vật nuôi của địa phương thì hiện nay, phần lớn đều có nguồn gốc từ động vật rừng. Do đó, để bảo tồn và phát huy đặc tính của động vật có nguồn gốc từ rừng này, tránh tình trạng săn bắt động vật hoang dã thì việc nhân giống, phát triển chăn nuôi tại vườn là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường.
Theo đó, những nguồn gen heo rừng, nhím có nguồn gốc từ rừng, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, thịt ngon, ít mỡ cũng đã được liệt kê vào danh sách cần được bảo tồn và nhân rộng trong thời gian tới…
Hy vọng, thông qua việc bảo tồn các nguồn gen trên địa bàn, nhiều giống cây, con mới, chất lượng tốt, năng suất cao sẽ được ngành chức năng và địa phương nhân rộng, để sớm mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, bền vững cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Cấp chứng chỉ bền vững (chứng chỉ FSC) cho rừng trồng là một chứng nhận về mặt kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho bản thân chủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Thấy rõ lợi ích này, nhiều hộ nông dân đã tự nguyện tham gia nhóm hộ trồng rừng thực hiện chứng chỉ FSC. Trồng rừng nguyên liệu gắn với việc cấp chứng chỉ rừng nâng cao chất lượng là một hướng đi đúng của lâm nghiệp Quảng Trị.
Mấy năm nay, rải rác khắp các xã trong huyện Chư Pưh (Gia Lai), diện tích tiêu chết xuất hiện ngày càng nhiều, dù đây là khu vực đất trồng tiêu tốt nhất vùng. Tính trên địa bàn Tây Nguyên, hàng nghìn hộ trồng tiêu cũng gặp tình cảnh tương tự.
Nói về nghề nuôi cá nước ngọt có truyền thống lâu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thì có lẽ ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có thôn Long Hưng còn ở Triệu Phong có thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung. Về thôn Đạo Đầu, đi qua các đường làng ngõ xóm người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc hồ nuôi cá ngay trong khuôn viên gia đình.
Từ đầu năm 2014 đến nay, khắp các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ nổi cộm tình trạng nông dân đốn hạ vườn cao su, kể cả những cây đang cho mủ vì thua lỗ vì không còn khả năng cầm cự.
Trao đổi với VnExpress sáng 3/12, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, bên cạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, tỉnh đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống tại các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nga, châu Âu.