Ách Tắc Dưa Hấu Thông Quan Thiếu Điều Tiết Vĩ Mô

Đến hẹn lại lên, vào thời điểm này hàng năm, tình trạng ùn tắc hàng ngàn xe chở nông sản chủ yếu là dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) lại tiếp tục tái diễn. Mặc dù lực lượng chức năng tạo mọi điều kiện để thông quan song vẫn không xuể.
Hàng ngàn xe chờ thông quan
Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày có khoảng 700 xe nông sản, trong đó 90% là dưa hấu xếp hàng chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi, khả năng thông quan chỉ có thể đáp ứng được 250- 300 xe/ngày.
Phía Trung Quốc, bãi chứa hàng nông sản tại Pò Chài (Quảng Tây) cũng chỉ có thể chứa được nhiều nhất 300 xe với lượng hàng tối đa 900 tấn. Số lượng hơn 400 xe còn lại cộng thêm với lượng xe từ miền Nam ra liên tục tập kết tại khu vực này đã khiến cho tình trạng ùn ứ càng trở nên nghiêm trọng.
Mặc dù UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng liên ngành gồm công an, hải quan, kiểm dịch thực vật trên địa bàn tạo điều kiện tốt nhất cho hàng nông sản được thông quan. Các cơ quan công an, hải quan đã tích cực làm việc hết công suất nhưng vẫn không giải tỏa nổi.
Đại tá Nông Văn Định- Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn- cho biết:
Công an tỉnh Lạng Sơn đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, cả dân quân tự vệ túc trực cả ngày, đêm để phân luồng giao thông trên quốc lộ 1A cách cửa khẩu Tân Thanh khoảng 60km. Tuy nhiên, lượng xe chở dưa hấu dồn về rất lớn nên tình trạng ách tắc vẫn xảy ra.
Theo ông Chu Bá Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh: Hiện Trung Quốc không phải vụ dưa trong khi cần một lượng dưa hấu lớn cho Tết Thanh Minh và tiêu thụ trong nước nên vẫn thu mua dưa của Việt Nam.
Phía Trung Quốc đã đồng ý kéo dài thời gian thông quan hàng hóa từ sáng sớm đến tận 9-10 giờ đêm, tuy nhiên hàng ngày tối đa cũng chỉ giải quyết thông quan cho khoảng 400 xe, hơn nữa, lượng dưa từ miền Nam vận chuyển ra quá nhiều nên vẫn tắc nghẽn, nguy cơ hư hỏng dưa là rất cao.
Cần chính sách mang tầm chiến lược
Cũng theo ông Toàn, mặc dù số lượng dưa hấu xuất sang Trung Quốc đang ứ đọng rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa xuất hiện tình trạng thương lái ép giá. Giá thu mua trong khoảng 10 ngày trở lại đây luôn ổn định ở mức trung bình 8.000 – 9.000 đồng/kg.
"Tuy nhiên, với số lượng dưa hấu tăng đột biến như hiện nay, nguy cơ bị thương lái Trung Quốc ép giá trong thời gian tới là có khả năng xảy ra”- ông Toàn cảnh báo.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc dưa hấu bị ùn tắc không phải bất ngờ mà diễn ra hàng chục năm qua. Sở dĩ tình trạng này chưa được xử lý do Việt Nam chưa xây dựng được các hiệp hội sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản; chưa quan tâm đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản lâu hơn.
Do đó, chúng ta thu hoạch đồng loạt và bán ồ ạt cùng một lúc. Mặt khác, việc xuất khẩu dưa hấu nặng lối buôn bán theo phong trào, chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên rất bấp bênh, hoàn toàn bị lệ thuộc vào chính sách biên mậu của nước bạn. Đặc biệt là thiếu hẳn sự điều tiết tầm vĩ mô về quy hoạch sản xuất hay chiến lược xuất khẩu nông sản hợp lý, nên dù hết sức cố gắng, việc giải tỏa ách tắc ở cửa khẩu không dễ dàng gì.
Vì vậy, bản thân thương nhân cũng cần tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng hàng hóa ứ đọng và bị ép giá. nHiện Trung Quốc đang xây dựng thêm 2 bãi chứa hàng, nâng mức chứa lên 700 xe/ngày, dự kiến đến năm 2015 sẽ được đưa vào hoạt động mới hy vọng không còn xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa diễn ra từ nhiều năm nay.
Related news

Củ Chi huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của thành phố. Củ Chi có tổng đàn bò 74.430 con trong đó số lượng bò sữa 58.700 con được nuôi nhiều tại các xã An Phú, An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng, Phạm Văn Cội…

Trở về từ chiến trường Campuchia sau năm 1982, anh Phạm Hiền ở thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), chỉ có hai bàn tay trắng nay đã có một cơ ngơi khá giả, là một trong những tấm gương điển hình của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.

Công ty TNHH một thành viên Phúc Toàn Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán, Đồng Nai) được thành lập từ tháng 8/2012. Hiện, doanh nghiệp đang đầu tư cho hàng chục nông dân ở xã Phú Hòa tham gia mô hình chăn nuôi cá - ếch - rắn, mang lại thu nhập cao.

Tính đến thời điểm này, nông dân huyện Cái Nước (Cà Mau) đã thả nuôi được hơn 700 ha tôm nuôi công nghiệp, đạt gần 90% chỉ tiêu kế hoạch năm, năng suất đạt trung bình từ 6 đến 6,5 tấn/ha. Cá biệt có một số hộ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và thả nuôi đúng lịch thời vụ, năng suất đạt hơn 7 tấn/ha.

Hiện Chính phủ đang thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 20 tỉnh thành và sẽ kết thúc vào tháng 6-2014. Tuy nhiên, với tình trạng trục lợi bảo hiểm xảy ra trong thời gian qua thì khả năng sau thời gian này bảo hiểm nông nghiệp khó có thể trở thành một kênh để hỗ trợ người dân.