117 tấn phân bón ở Đăk Lăk bị giam kho xử phạt lấy được
Trong khi đó ngày 14/7/2015, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo là các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón vô cơ trên bao bì hiện chưa có dấu hợp qui thì vẫn được tiếp tục lưu hành trên thị trường cho đến hết ngày 27/11/2016 nhằm hạn chế thiệt hại và lãng phí bao bì đã được in trước thời điểm qui định của Thông tư 29/2014/TT/BCT ngày 27/11/2014.
Bao bì phân bón vô cơ không có dấu hợp qui vẫn được tiếp tục lưu hành trên thị trường đến hết ngày 27/11/2016 (ảnh chụp tại một đại lý ở xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày 1/9/2015)
Xử phạt bằng được
Biên bản kiểm tra chấp hành pháp luật ngày 10/6 của Đoàn kiểm tra liên ngành số 30 do ông Nguyễn Đào Chí, Phó chi cục quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk làm trưởng đoàn tại hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp Nguyễn Thị Lý nằm trên địa bàn thôn 8, xã EaTiêu, huyện Cư Kuin thể hiện, trong quá trình kiểm tra Đoàn đã phát hiện trong cửa hàng bà Lý có các loại sản phẩm phân bón vô cơ trên bao bì vi phạm về qui định hợp qui (thiếu dấu in hợp qui CR).
Cụ thể 40 tấn phân NPK 5-10-3 do Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) sản xuất ngày 22/5/2015; 10 tấn phân NPK Phú Mỹ loại 16-8-8+13S+TE của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (còn gọi là Đạm Phú Mỹ) sản xuất ngày 9/4/2015; 15 tấn phân NPK Việt Nhật của Công ty Phân bón Việt Nhật (Long Thành, Đồng Nai) sản xuất ngày 22/4/2015; 12 tấn phân đơn kali do Công ty CP XNK Hà Anh (Đông Anh, Hà Nội) nhập khẩu và phân phối, sản xuất ngày 11/4/2015.
Ngoài ra, còn có 2 lô phân khác là 25 tấn phân đơn SA cao cấp Evonik 20-0-0-24S và 15 tấn NPK 16-16-8 do Công ty TNHH MTV Minh Tân (Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) nhập khẩu và đóng gói. Tổng cộng tất cả là 117 tấn phân vô cơ các loại, trong đó có 65 tấn do các công ty phân bón có thương hiệu và uy tín trong nước sản xuất, còn lại là phân nhập khẩu và tất cả đều đạt chất lượng.
Tuy nhiên, chỉ vì thiếu công bố dấu hợp qui trên bao bì mà ông Trưởng đoàn 30 đã “giam” tất cả các lô hàng không cho mua bán để xác minh, sau đó hơn 1 tháng mới lập “biên bản vi phạm hành chính” vào ngày 14/7/2015.
Nhưng biên bản lần này chỉ có ông Trần Minh Thanh, đội trưởng Đội cơ động Chi cục quản lý thị trường (phó đoàn 30) và ông Nguyễn Đức Thuận kiểm soát viên, Chi cục quản lý thị trường ký với nội dung: Hộ kinh doanh bà Lý đã “vi phạm qui định về dấu hợp qui trong buôn bán sản phẩm với giá trị hàng hóa vi phạm trên 688 triệu đồng”.
Từ đây, ngày 17/7 ông Chí đã ký quyết định xử phạt hành chính bà Lý số tiền 45 triệu đồng theo Nghị định 80/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, đồng thời buộc thu hồi sản phẩm.
Dư luận cho rằng, chẳng lẽ các công ty phân bón lớn như Văn Điển, Đạm Phú Mỹ, Việt Nhật... từ trước đến nay lại không quan tâm đến qui định về công bố hợp qui, dấu hợp qui trên bao bì đến nỗi phải bị Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk phát hiện, “giam kho” rồi xử phạt.
Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho hộ kinh doanh mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp. Liệu có đáng để “hành xử” đến thế không?
Hơn nữa, ngày 14/7 (trước 3 ngày Chi cục quản lý thị trường ra quyết định xử phạt bà Lý), xuất phát từ các kiến nghị và vướng mắc của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón, Bộ Công thương cũng đã ban hành văn bản số 7077/BCT/HC “Về việc xử lý vỏ bao bì phân bón vô cơ chưa có dấu hợp qui” và chính văn bản này đã “kêu oan” thay doanh nghiệp.
“Nếu hồ sơ hợp qui đầy đủ nhưng trên bao bì phân bón thiếu dấu hợp qui (tức thông tin không đầy đủ), có thể linh động xử phạt doanh nghiệp sai nhãn hàng hóa theo điều 25, 26 của Nghị định 80/2013 với mức xử phạt cao nhất là 7-10 triệu đồng đối với lô hàng vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên” - (ông Đỗ Văn Bảo, Phó Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận).
Đó là cho phép các sản phẩm phân bón vô cơ chưa có dấu hợp qui trước thời điểm qui định của Thông tư 29/2014/TT/BCT ngày 30/9/2014 thì được phép lưu hành rộng rãi trên thị trường đến hết ngày 27/11/2016.
Thiếu lý lẫn tình
Còn đối với công ty Minh Tân, tuy số lượng đang bán tại hộ kinh doanh bà Lý chỉ có 40 tấn phân nhập khẩu gồm SA và NPK, dù đơn vị đã được Sở Công thương tỉnh ban hành thông báo xác nhận công bố hợp qui ngày 26/6, nhưng không hiểu vì sao Chi cục quản lý thị trường lại cố xử cho bằng được với lý do thời điểm đoàn kiểm tra ngày 10/6 (trước thời điểm doanh nghiệp đăng ký có 16 ngày) nên đã không chấp nhận.
Điều đáng nói là, Chi cục quản lý thị trường phạt hộ kinh doanh trước đó chưa đủ mà còn xử phạt luôn công ty này về hành vi vi phạm qui định không công bố hợp qui và dấu hợp qui.
Theo đó, ngày 13/7/2015, ông Chi cục trưởng quản lý thị trường Giao Thanh Tùng đã đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk ra quyết định xử phạt công ty Minh Tân đến những 145 triệu đồng bao gồm hai hành vi vi phạm, đó là 25 triệu đồng nhập khẩu hàng hóa không công bố hợp qui và 120 triệu đồng không có dấu hợp qui, cao gấp 3 lần so với mức xử phạt 45 triệu đồng về hành vi sản xuất phân bón giả của tỉnh An Giang đối với công ty Thuận Phong (P.Tân Hiệp, TP Biên Hòa) vào tháng 8/2014 mà Đoàn 389 Trung ương vừa công bố ngày 27/8 tại Sở Công an tỉnh Đồng Nai.
Đến đây thử hỏi, tại sao Chi cục quản lý thị trường lại “cố” xử lý mạnh tay như vậy, liệu có điều gì bất ổn về mối “quan hệ” giữa doanh nghiệp địa phương với cơ quan quản lý thị trường tỉnh nhà ở đây không?
Mặt khác, theo điều 58 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 qui định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản tại khoản 1, điều 56 của Luật này”.
Vì vậy theo Luật, đoàn kiểm tra ngày 10/6, lẽ ra sau khi phát hiện tại đây có vi phạm qui định về “dấu hợp qui” thì phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính ngay (bởi đoàn đã yêu cầu tạm giữ lô hàng), chứ không thể đợi sau 1 tháng mới mời hộ kinh doanh và công ty Minh Tân đến lập biên bản vi phạm.
Trong thời gian một tháng đó, chỉ vì thiếu dấu hợp qui mà 117 tấn phân bón đạt chất lượng phải nằm chất đống trong kho, nếu có thiệt hại hư hao thì ai phải chịu trách nhiệm?
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu hiện nay 12 nước trong TPP sản xuất hàng năm khoảng 113,7 triệu tấn lúa mỳ và 403 triệu tấn các loại ngũ cốc khác, thì sản lượng gạo chỉ đạt 45,3 triệu tấn, chiếm 8% trong cơ cấu sản xuất lương thực của khối này.
Dù đã xuất hiện nhiều trang trại nuôi các con đặc sản trong những năm gần đây, song do nhu cầu ăn các con đặc sản sạch ngày một tăng lên, nên có thể nói, con đặc sản dù đắt nhưng đầu ra thì vẫn mênh mông...
Các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang một doanh nghiệp tại Hải Dương đang trộn chất vàng ô - chất ngoài danh mục được phép sử dụng vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, đây là nồng độ chất cấm rất cao lấy từ mẫu nước tiểu của heo, lên đến 665 ppb (so với mức 2ppb quy định cho phép).
Mường La là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La và có khá nhiều diện tích rừng nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với nguồn lâm sản phong phú.