Yên tâm gắn bó với rừng tràm
Nhờ biết kết hợp trồng rừng với trồng xen hoa màu, người dân nơi đây có nguồn “lấy ngắn nuôi dài” để trồng rừng.
Khai phá vùng đất hoang
Những người dân sống lâu năm tại Thạnh Hóa cho biết trước đây vùng đất này là bạt ngàn cỏ dại, hoang hóa.
Do đất bị nhiễm phèn nặng nên hầu như không có cây trồng nào sống được.
Đến cuối những năm 1990, nhiều diện tích đất hoang hóa ở đây mới được người dân khai phá rộng rãi.
Người dân khai thác tràm trong khu lâm nghiệp xã hội .
Nhận thấy khu vực này đất trống còn nhiều, trong khi nhiều người dân thiếu đất sản xuất, Viện Khoa học lâm nghiệp Miền Nam đã đề xuất tỉnh thực hiện dự án lâm nghiệp xã hội trong phạm vi 780ha đất (được tỉnh Long An giao).
Dự án nhằm hỗ trợ đất sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho những hộ dân nghèo địa phương, thông qua việc giao đất, hỗ trợ giống, kỹ thuật, kinh phí cho người trồng rừng.
Ông Kiều Tuấn Đạt - Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ cho biết, tại vùng này có tổng cộng 52 hộ nghèo được nhận đất để trồng rừng.
Mỗi hộ được giao 5ha, trong đó phần lớn diện tích đất được trồng tràm, còn số ít thì trồng hoa màu để lấy ngắn nuôi dài.
Trong thời gian thực hiện dự án (20 năm – PV), người dân không phải đóng một đồng tiền sử dụng đất nào.
Thậm chí các hộ còn được hỗ trợ cây tràm giống, kỹ thuật và được vay 8 triệu đồng/hộ để khai phá đất.
Cũng nhờ vậy nhiều người dân nghèo tại đây mới yên tâm khai phá đất hoang để trồng rừng.
Chị Hồ Vũ Mộng Điệp (ấp 2, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) – một trong những người đầu tiên khai phá đất ở đây cho biết, trước đây nhà chị thiếu đất sản xuất, phải làm thuê, làm mướn.
Khi được vận động vào khai hoang chị cũng tham gia, nhưng vào đến nơi thấy khu đất toàn cỏ dại, lau sậy um tùm khiến ai cũng ngán ngẩm.
Nhiều người “bỏ của chạy lấy người”, còn vợ chồng chị vẫn quyết bám trụ và quần quật dỡ đất, khai hoang.
Dần dần nhờ có hệ thống kênh mương thủy lợi, nhiều người dân khác cũng yên tâm đến khai phá để có đất sản xuất.
Người dân chủ yếu trồng tràm nước và cây khoai mỡ.
Đến nay, tại khu vực lâm nghiệp xã hội - được xem là một trong những nơi giữ rừng tốt ở trong khu vực, diện tích rừng tràm nước được trồng tập trung lên đến hàng trăm ha.
Nhiều lợi ích từ rừng
Hiện trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 25.000ha rừng tràm, trong đó tập trung nhiều tại huyện Thạnh Hóa.
Theo ông Kiều Tuấn Đạt, dự án lâm nghiệp xã hội có thời hạn 20 năm, hiện đã được hơn 15 năm.
Viện có chủ trương khi hết thời gian thực hiện, sẽ bàn giao dự án và đất rừng lại cho địa phương quản lý.
Chị Điệp cho biết nhà chị có 5ha đất, trong đó 3ha trồng tràm nước, còn lại trồng khoai mỡ.
Cây khoai mỡ hàng năm mang lại thu nhập cho gia đình chị hơn 60 triệu đồng, bên cạnh đó chị cũng có thêm nguồn thu nhập đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày bằng cách chăn nuôi.
Theo tính toán của chị Điệp, tại vùng đất nhiễm phèn này, nhiều cây trồng không phát triển được, chỉ có cây tràm và khoai mỡ.
Những năm qua tràm có giá, mỗi ha bán được trên 100 triệu đồng nên chị cũng yên tâm sản xuất.
Còn ông Nguyễn Văn Hưởn cho hay, ông gắn bó với rừng tràm nước từ 15 năm nay.
Hiện gia đình ông có hơn 4ha rừng tràm.
Bên cạnh đó ông còn sang lại 4ha từ các hộ khác để trồng chanh, ổi, chuối và chăn nuôi.
Mỗi năm từ các cây trồng ngắn ngày, ông thu được khoảng 300 triệu đồng.
Nhờ vậy mà ông có điều kiện bám rừng.
Tương tự, nhiều hộ dân trong khu vực dự án cũng có cuộc sống ổn định nhờ bám rừng và biết lấy ngắn nuôi dài.
Ông Kiều Tuấn Đạt cho biết, mặc dù trồng rừng tràm mất nhiều thời gian (khoảng 6 – 7 năm), nhưng với vùng đất nhiễm phèn tại đây, việc trồng tràm là phù hợp nhất.
Người dân tại đây cũng biết trồng xen canh để ổn định cuộc sống trong thời gian trồng tràm.
Ngoài ra, họ cũng có thêm nguồn thu từ việc nuôi ong, và khai thác một số sản vật từ rừng… Đó còn chưa kể các lợi ích về môi trường từ rừng mang lại cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Sự việc đùi gà Mỹ khi về Việt Nam vừa qua chỉ có giá 20.000 đồng/kg đã khiến cho người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về nguồn gốc, sự minh bạch cũng như mức đảm bảo an toàn vệ sinh của sản phẩm.
Với bản tính cần cù, chịu khó, nhiều phụ nữ ở miền đất quế Trà Bồng phát triển chăn nuôi và trồng rừng, trở thành những tấm gương phụ nữ tiêu biểu, điển hình trong xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, thời gian tới, nhiều loại trái cây Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand…khi mà các quy trình kỹ thuật song phương đã được hoàn tất.
Tháng 9-2015 Nhật Bản sẽ cho nhập khẩu xoài Cát Chu của Việt Nam, theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT).
Giá nguyên liệu dao động ở mức thấp đã khiến không ít hộ nông dân nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quyết định “treo ao” sau khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh.