Yến sào giá nào cũng có
Cửa hàng yến xuất hiện ngày một nhiều ở TP HCM, giá chênh lệch đáng kể nhưng nhìn chung có xu hướng ngày càng giảm. Ở hệ thống siêu thị, nếu trước đây loại 50 gram đa phần có giá 5-6 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 2,5-4 triệu. Tại các cửa hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng 8..., 50 gram yến sào giá dao động 3-5 triệu đồng, ngoài ra sản phẩm còn được tặng kèm hàng khuyến mại.
Các chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Bà Chiểu (Bình Thạnh) còn bán hàng chưa nhặt lông xuất xứ Khánh Hòa, Cần Giờ, Phú Yên… Trong chợ Bà Chiểu, nhiều sản phẩm in chữ Trung Quốc và được đóng trong hộp vuông, nhưng không ghi ngày tháng, tên đơn vị sản xuất. Ban đầu, hộp 50 gram chủ sạp nói giá 3 triệu đồng. Nhưng khi khách hàng không hài lòng, họ tiếp tục giảm xuống một triệu đồng, và cuối cùng chỉ còn vài trăm nghìn đồng.
Mức giá tại chợ Bình Tây cũng chỉ dao động quanh mức 500.000 - 2 triệu đồng cho 50 gram. Nhiều sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, chỉ được đựng trong những túi nylon hàn kín hoặc buộc thun. Sản phẩm có màu trắng ngả vàng thay vì trắng ngà như những sản phẩm tại cửa hàng lớn.
Trên các website chuyên bán yến, nhiều nơi giảm giá tới 97%, giá rao bán 99.000-120.000 đồng 100 gram, kèm khuyến mãi tai yến và nồi chưng.
Một chủ nuôi và chế biến tại quận 9 (TP HCM) chia sẻ tổ yến khai thác tự nhiên giá lên đến cả chục triệu đồng 100 gram, loại nuôi rẻ nhất cũng phải từ 2,5 triệu đồng.
“Để có được sản phẩm đạt chất lượng không hề đơn giản. Ngoài việc đầu tư xây nhà nuôi yến, thì công đoạn thu gom, nhặt lông, đóng gói… cũng tốn nhiều chi phí. Nếu bán với giá trên thì chỉ có lỗ chứ không thể lời”, chủ cơ sở nói.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Yến sào Sài Gòn Anpha nhận xét, sản phẩm tốt không hề có mức giá rẻ như thế. “Trên thị trường xuất hiện nhiều loại yến sào giả, kém chất lượng được làm từ một số nguyên liệu giống yến rất tinh vi. Nếu không phải là người trong nghề lâu năm sẽ rất khó phát hiện”, ông Tuấn nói.
Còn với những sản phẩm mà một số công ty chào hàng trên website với mức giá giảm tới 98%, ông Tuấn cho biết có thể là cách doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng nhằm giúp ghi nhớ thương hiệu. Tuy nhiên, số lượng này rất ít và vấn đề chất lượng cũng cần xem xét lại.
Ông Tuấn khuyên, để mua sản phẩm đạt chất lượng, người tiêu dùng nên mua ở những nơi có thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm bán ra phải có hóa đơn chứng từ và kiểm định về y tế cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, để khi muốn khiếu nại người dùng có được nhiều quyền lợi hơn và có thể đổi trả sản phẩm theo ý muốn.
Theo các chủ nuôi yến, tổ yến thật có màu trắng ngà, có mùi tanh, hàm lượng protein 40-60%, có 20 loại acid amin và hoàn toàn không có tinh bột. Còn tổ yến giả là hỗn tạp tinh bột, lòng trắng trứng gà, sụn cước cá hoặc được làm từ keo Agenat trộn lẫn với tinh bột mì.
Để nhận biết tổ yến là thật hay giả, cho sản phẩm vào dung dịch iot, nếu yến sào thô có phủ bột hoặc giả sẽ chuyển sang màu xanh. Đối với yến huyết, sản phẩm có màu đỏ hoặc hồng, khi nhúng một ít vào nước trà nếu gặp loại giả nhuộm oxit sắt sẽ phản ứng hóa học và đen sẫm lại.
Có thể bạn quan tâm
8 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, bà Trần Thị Nhường ở thôn Khả Đông, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã biến vùng đất trũng thành trang trại tiền tỷ.
Với việc phục tráng thành công giống đậu nành thuần chủng Cư Jút, các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) đã góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ ngày nhiều gia đình trong bản T.P (thuộc một xã vùng cao của tỉnh V) chuyển sang làm kinh tế trang trại VAC với quy mô lớn, thì sự khá giả cũng đến nhanh trông thấy.
Bí quyết đưa đến thành công trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam chính là sự đồng thuận từ cán bộ đến người dân. Nhờ thế, Đại Hiệp đã sớm về đích NTM trước thời hạn một năm.
Cơn bão Vàm Cỏ đem theo mưa to và gió mạnh đổ bộ vào Quảng Nam mấy ngày nay chính thức báo hiệu một mùa mưa bão đầy bất trắc nữa lại đến. Người trồng rau ở Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) lại bắt đầu chuỗi những tháng ngày phập phồng theo sự khắc nghiệt của ông trời.