Xuất hiện dịch lở mồm long móng
Lập tức Chi cục Thú y Nghệ An đã cấp vacxin, thuốc tiêu độc khử trùng, cử cán bộ xuống cùng người dân và chính quyền địa phương bao vây, dập dịch. Tuy nhiên, sự chủ quan của người dân đang khiến dịch bệnh diễn biến khó lường.
Dịch LMLM trên ổ dịch cũ
Dịch LMLM xuất hiện tại xã Trung Sơn từ ngày 7/9, đến ngày 10/9 đã có 7 con trâu bò của 5 hộ dân các xóm 3, 5, 8 nhiễm bệnh.
Trạm Thú y huyện Đô Lương đã báo cáo lên Chi cục Thú y Nghệ An. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh LMLM typ O.
Do chung bãi cỏ chăn thả với xã Trung Sơn, đến ngày 15/9, bệnh LMLM tiếp tục xuất hiện trên 3 cá thể trâu bò của 3 hộ dân xóm 9, xã Đà Sơn.
Đến nay, Chi cục Thú y Nghệ An đã cấp 2.300 liều vacxin LMLM nhị typ tiêm bao vây dập dịch và 120 lít hóa chất han-iodine phun tiêu độc khử trùng cho 2 xã Trung Sơn và Đà Sơn. Sau khi tiêm phòng đã có thêm 6 con trâu bò phát bệnh.
Ông Võ Đình Khoa, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đô Lương cho biết: “Sau khi thú y xã báo cáo sự việc, chúng tôi đã tuyên truyền để người dân không bán chạy gia súc nhiễm bệnh; dùng các loại nước chua, chát chấm vào vết lở loét, tiêm kháng sinh, hạ sốt chống bội nhiễm, tiêm thuốc bổ tăng sức đề kháng cho gia súc nhiễm bệnh và tiêm vacxin bao vây dập dịch, tiêu độc khử trùng.
Hiện tại, số gia súc nhiễm bệnh đang được người dân và thú y địa phương tích cực điều trị, nhiều con đã khỏi bệnh. Chúng tôi đã khống chế được dịch và không có gia súc bị chết.
Người dân cũng đã ký cam kết không vận chuyển, buôn bán gia súc nhiễm bệnh; nhốt gia súc nhiễm bệnh tại chuồng để điều trị, tránh lây lan ra diện rộng”.
Còn tại xóm 10, xã Thanh Chi (Thanh Chương), dịch LMLM xuất hiện từ ngày 9/9. Từ 4 con ban đầu, đến giữa tháng 9 đã có 12 con bị nhiễm bệnh, 1 con bê chết đã được chính quyền địa phương và ngành chức năng tiêu hủy.
Để khống chế dịch, Chi cục Thú y Nghệ An đã cấp 3.000 liều vacxin LMLM nhị typ tiêm bao vây dập dịch và 36 lít dung dịch han-iodine tiêu độc khử trùng.
“Nghệ An có 8 huyện khống chế quốc gia và vùng vành đai bò sữa được hỗ trợ vacxin LMLM. Các địa phương còn lại, người dân đều không đăng ký tiêm vacxin LMLM một phần vì giá vacxin đắt và tâm lý chủ quan của người dân.
Chỉ khi nào dịch bệnh xảy ra, được hỗ trợ để khống chế ổ dịch thì các địa phương mới tiêm vacxin LMLM. Tại Nghệ An, tỉ lệ tiêm vacxin THT trên đàn lợn cũng đạt thấp. Riêng vụ thu 2015, tỷ lệ tiêm THT ở lợn chỉ khoảng 30-40%; tỉ lệ tiêm phòng các loại vacxin cúm gia cầm cũng rất thấp”. - Ông Đặng Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Thú y Nghệ An.
Ông Đào Quang Biên, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thanh Chương cho biết: “Ngay sau khi được chi cục hỗ trợ, chúng tôi đã cấp 18 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và tiêm 1.450 liều vacxin LMLM cho đàn gia súc xã Thanh Chi. Số còn lại đang giữ lại trạm để dự phòng.
Đến nay, ổ dịch tại xã Thanh Chi cơ bản được khống chế, 4 ngày nay không xuất hiện bệnh trên cá thể mới”.
Nhiều vùng "trắng" vacxin
Theo ông Võ Đình Khoa, nguyên nhân chính dẫn đến việc dịch bệnh nhiều năm nay xảy ra tại Trung Sơn là do sự chủ quan của người chăn nuôi.
Trung Sơn và Đà Sơn là 2 xã có tỉ lệ tiêm phòng thấp nhất huyện Đô Lương. Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng (THT) vụ xuân 2015 tại Trung Sơn chỉ đạt 30% và xã Đà Sơn là 40% và nhiều năm nay “trắng” việc tiêm vacxin LMLM, cúm gia cầm cho đàn gia súc, gia cầm.
UBND huyện Đô Lương đã nhiều lần về làm việc nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng các loại vacxin trên đàn gia súc của 2 xã này nhưng người dân vẫn rất chủ quan. Còn tại xã Thanh Chi, năm 2015, toàn xã có 90% đàn gia súc được tiêm phòng THT vụ xuân, vacxin LMLM 0%.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2013, dịch cúm A H5N1 lần đầu xuất hiện tại một gia trại của gia đình Nguyễn Thị Thanh tại xã Trung Sơn khiến cơ quan chức năng phải tiêu hủy 500 con gia cầm.
Đầu năm 2015, bệnh LMLM cũng xuất hiện tại Trung Sơn; bệnh THT tại xã Thuận Sơn (nằm sát xã Trung Sơn) khiến 5 con lợn bị chết.
Theo ông Khoa, đến thời điểm này dịch LMLM tại Đô Lương đã được khống chế và không có gia súc chết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công T, trú tại xóm 3, Trung Sơn lại khẳng định, ngày 15/9, tại xóm 3 xã Trung Sơn có 1 con bê con nhiễm bệnh bị chết, một trường hợp tương tự cũng xảy ra trước đó ít ngày...
Người dân xót của đã không báo lên chính quyền và cơ quan chức năng mà đã bán chạy. Mặc dù đang thời điểm dịch bệnh bùng phát nhưng đàn trâu bò của các xã này vẫn vô tư gặm cỏ trên các bãi bồi ven sông. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Có thể bạn quan tâm
Với nghị lực và quyết tâm, anh Hà Trung Hòa, tổ dân phố Tân Mới, phường Phố Cò, T.X Sông Công (Thái Nguyên) đã biến chiếc ao chỉ vẻn vẹn vài trăm mét vuông của gia đình ao nuôi ba ba gai mở hướng làm giàu
Khi nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đang gặp khó khăn thì việc đa dạng hóa đối tượng nuôi xuất khẩu trở nên cần thiết. Cá rô phi là một đối tượng xuất khẩu có nhiều tiềm năng.
Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (viết tắt là Công ty ATDC, Đà Lạt) đang triển khai chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ giống gà J-Dabaco (thường gọi là “gà đeo kính”) theo hướng an toàn sinh học tại một số tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Sáng 10/12, tại TPHCM, Ban Quản lý dự án Quản lý bùn thải cá tra ở Việt Nam họp đánh giá một số kết quả ban đầu về nghiên cứu nuôi cá tra tuần hoàn nước và dự kiến kinh phí nghiên cứu giai đoạn 2 của dự án này, trong 2 năm 2014-2015.
Năm 2013, chăn nuôi bò trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh cả về chất lượng và số lượng với tổng đàn bò 141.641 con, trong đó bò lai hướng thịt 128.438 con, tăng 7%, đàn bò sữa 13.203 con, tăng 19% so cùng kỳ năm 2012. Đàn bò phát triển mạnh góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi năm 2013 đạt 52,1 % cơ cấu trong nông nghiệp.