Xuất Khẩu Trái Cây Gặp Khó
Việc tiêu thụ sản phẩm trái cây đang là vấn đề thời sự ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng. Thị trường tiêu thụ vẫn còn bấp bênh và phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thương lái. Vì vậy, việc hình thành nên mạng lưới thu mua - bảo quản - chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cây ăn trái đang là vấn đề cấp thiết.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CÒN KHIÊM TỐN
Theo Sở Công thương, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh đạt 6,4 triệu USD, với sản lượng đạt trên 7 ngàn tấn, giảm 24,68% về lượng và giảm 24,58% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 6,67 triệu USD, với sản lượng đạt trên 6 ngàn tấn, tăng 47,7% về sản lượng và 33,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2013.
Hiện nay, trái cây của tỉnh ta được xuất khẩu sang 48 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu trái cây ở châu Á chiếm 47,7% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh như: Hàn Quốc, Nhật, Singapore và thị trường châu Âu chiếm 44,3% như: Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan, Pháp… Riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh.
Bên cạnh việc xuất khẩu vào thị trường một số nước có yêu cầu kiểm dịch thông thường, thị trường một số nước có yêu cầu kiểm dịch thực vật khắt khe như: Hoa Kỳ yêu cầu chiếu xạ; Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng. Riêng thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc còn yêu cầu các lô hàng xuất khẩu phải thực hiện chương trình tiền chứng nhận (preclearance) theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm trái cây, gồm các mặt hàng: Khóm cô đặc, trái cây đông lạnh, trái cây đóng hộp… Trong đó, Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang chiếm 52,5%, Công ty TNHH MT chiếm 29,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh.
Ngoài xuất khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp trong tỉnh còn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc một số loại trái cây như: Thanh long, nhãn, khóm… Sở Công thương cho biết, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn là con đường tiêu thụ trái cây lớn của cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng.
Riêng mặt hàng thanh long của Tiền Giang vào mùa thu hoạch rộ mỗi ngày có từ 400 - 450 tấn được chuyển ra phía Bắc để bán sang Trung Quốc, còn vào mùa nghịch mỗi tuần cũng có khoảng 150 tấn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Cẩn cho biết, phần lớn nông sản của Tiền Giang hiện nay tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc. Đây là khó khăn, nan giải nhất cần có sự tập trung và nỗ lực cao để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong giai đoạn tới.
Theo Sở Công thương, thị trường xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng vẫn chưa ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chỉ chiếm tỷ trọng ít. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản còn chưa chủ động trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững và chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Các sản phẩm xuất khẩu còn chưa qua chế biến sâu, chủ yếu là đông lạnh, đóng hộp, chưa tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội giao thương, tìm kiếm khách hàng trong những đợt tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; chưa nắm rõ tầm quan trọng, lợi ích từ các hội chợ, triển lãm.
SẢN XUẤT PHẢI THEO NHU CẦU CỦA THỊ TRƯỜNG
Thời gian tới, xuất khẩu trái cây sẽ còn gặp không ít khó khăn tại thị trường châu Âu do hàng rào phi thuế quan như: Chất lượng an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do thị trường châu Âu đặt ra. Dự báo nhu cầu nhập khẩu trái cây tại thị trường châu Á còn tăng cao, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, đây cũng là thị trường khó tính do có hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm trái cây.
Chính điều đó, Sở Công thương cho biết sẽ thu thập thông tin thị trường đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, cung cấp cho doanh nghiệp, HTX, nông dân và các tổ chức, cá nhân liên quan đến định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường. Thường xuyên cập nhật thông tin và tham gia các hội chợ, triển lãm về hàng nông sản, về trái cây tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt chú trọng đến các thị trường tiềm năng như: Châu Âu, Mỹ, Canada…
Tại buổi làm việc với ngành Nông nghiệp Tiền Giang, ông Nguyễn Thế Bình, Quyền Phân Viện Trưởng Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Nam đã nhận định: Sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái có xu hướng tăng dần do nhu cầu lớn. Song hầu hết cung - cầu đã có thị trường ổn định, chất lượng cao, đặc biệt là rất khắt khe về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, Tiền Giang muốn tham gia thị trường xuất khẩu trái cây thế giới là khá khó khăn vì kỹ thuật, công nghệ chế biến… có phần hạn chế, giá thành sản xuất cao, mức cạnh tranh thấp, sản xuất hiện nay là chủ yếu tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu, nhưng muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải đầu tư hơn nữa từ giống, kỹ thuật canh tác đến chế biến sản phẩm bằng công nghệ hiện đại hoặc xuất khẩu thông qua đầu tư liên doanh với nước ngoài cả trong nông nghiệp và công nghệ xuất khẩu trái cây.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu thị trường, các nhà chuyên môn khuyến cáo tỉnh ta cần phải tổ chức lại sản xuất, tiếp tục hỗ trợ nhà vườn thực hiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; tiếp tục xây dựng và sử dụng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý; hiệu quả các mô hình sản xuất nông sản theo VietGAP, Global GAP của tỉnh.
Mời gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến nông sản để tăng hàm lượng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm. Nghiên cứu đề xuất các chính sách đẩy mạnh sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị như: Chính sách về thị trường, xúc tiến thương mại, chính sách về tín dụng, chính sách đào tạo nhân lực cho các bên trong chuỗi giá trị…
Nghiên cứu, triển khai thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ nông sản để từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Đẩy mạnh công tác tìm hiểu, xúc tiến thương mại sản phẩm trái cây tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong giao dịch và nâng cao giá trị xuất khẩu của trái cây ĐBSCL…
Nguồn bài viết: http://baoapbac.vn/kinh-te/201411/vuc-day-vuong-quoc-trai-cay-bai-2-xuat-khau-trai-cay-gap-kho-557641/
Có thể bạn quan tâm
Nhờ nuôi thỏ kết hợp giun quế, gia đình anh Đào Duy Chung, thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) không chỉ thu lãi gần 200 triệu đồng/năm mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ở TP Quy Nhơn (Bình Định) có một trang trại chăn nuôi heo rừng bán hoang dã quy mô lớn nhất tỉnh. Ðó là trang trại của ông Phan Ðình Chạng, tại thôn Hội Giáo, xã Nhơn Hội. Người dân địa phương thường gọi ông là “vua” nuôi heo rừng.
Mấy năm gần đây, gia đình chị Trần Thị Sản, thôn Lung Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình - Tuyên Quang) đã đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi tổng hợp, thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Tỉnh Bắc Kạn có thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tổng đàn trâu bò, ngựa hiện nay đã phát triển trên 76.000 con. Mặc dù trong những năm gần đây công tác tiêm phòng có chuyển biến tích cực, tỷ lệ tiêm phòng đạt khá cao, tuy nhiên dịch lở mồm long móng liên tiếp xảy ở một số địa phương. Vậy đâu là nguyên nhân?
Nhiều năm qua, thành quả của các chương trình, dự án cải tạo đàn bò chính là việc lai tạo với giống bò Zebu nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Những năm đầu tách tỉnh, đàn bò trên địa bàn tỉnh Bình Phước chủ yếu là bò vàng Việt Nam, trọng lượng nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ thấp và sức sản xuất kém.