Xuất khẩu trái cây cơ hội và thực tế
Từ đầu năm đến nay, nhà vườn nhận được nhiều thông tin vui: Thứ nhất, những thị trường “khó tính” và giàu có như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, New Zealand,… đồng ý mở cửa tiếp nhận nhiều loại trái cây của ta, như vải, nhãn, thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm, bưởi,…
Thứ hai, trong khi kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng nông sản tiếp tục sụt giảm thì kim ngạch trái cây vẫn liên tục tăng trưởng ở mức cao (xuất khẩu trái cây cả nước đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2014 so với 1 tỷ USD trong năm 2013 và 827 triệu USD năm 2012.
Mục tiêu năm nay là 2 tỷ USD). Thứ ba, việc nhiều thị trường “khó tính” mở cửa và kim ngạch tăng chứng tỏ sản xuất theo quy trình và tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất trái cây đã được công nhận.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản là những thị trường rau quả rất lớn. Năm 2011, Hoa Kỳ nhập khẩu gần 11 tỷ USD các chủng loại trái cây, trong đó trái cây nhiệt đới chiếm trên 35%. Các quốc gia khối EU nhập khẩu mỗi năm 12 – 13 triệu tấn rau quả, trong đó rau quả nhiệt đới không kể chuối, dứa là 2,5 triệu tấn, năm 2011, nhập khẩu gần 52 tỷ USD.
Năm 2011, Nhật Bản nhập 2,52 tỷ USD, các chủng loại chủ yếu là chuối, cam, nho, và các loại trái cây nhiệt đới khác như xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm và thanh long…
Tiềm năng thị trường là rất rộng mở. Đó là cơ hội lớn cho nghề vườn, cả sản xuất trái cây và rau củ. Nhưng cơ hội sẽ chỉ là cơ hội nếu chúng ta, cả nhà nước, nhà vườn, doanh nghiệp và nhà khoa học không có những thay đổi trong tư duy quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Tuy vậy, một thực tế đang tồn tại trong sản xuất nông nghiệp nói chung và rau quả của ta nói riêng là, sản xuất nhỏ lẻ ở quy mô hộ gia đình với tư duy tiểu nông, thiếu sự liên kết. Điểm yếu này kéo theo một loạt những hệ lụy, như: chất lượng không đồng đều, không ổn định, khó đảm bảo đơn hàng lớn với yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cao, chi phí thu gom lớn, công nghệ bảo quản lạc hậu,...
Trang thiết bị phục vụ cho xuất khẩu rau quả của ta thiếu và yếu. Lấy ví dụ như máy chiếu xạ, hiện mới chỉ có hai trung tâm ở phía Nam, phía Bắc chưa có nên phải mang vải, nhãn từ Bắc Giang, Hưng Yên vào Nam chiếu xạ. Điều này khiến giá thành đội lên rất lớn.
Đó là chưa nói tới việc công tác quảng bá thương hiệu cho trái cây Việt và đa dạng hóa sản phẩm chế biến chưa được các doanh nghiệp làm tốt.
Số liệu trái cây xuất khẩu vào các thị trường lớn còn rất khiêm tốn (trong những tháng đầu năm 2015 mới có khoảng 1000 tấn thanh long, chôm chôm, xoài được xuất sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Mới có khoảng 1 tấn vải thiều sang Hoa Kỳ…) so với năng lực của nhà vườn.
Điều này có thể là điểm khởi đầu cho việc phối kết hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn giữa các bộ ngành trong triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Hy vọng, chúng ta tận dụng tốt cơ hội và những lợi thế để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành hàng trái cây, rau củ nói riêng.
Có thể bạn quan tâm
Không đòi hỏi diện tích và chi phí cao nhưng lại cho lợi nhuận khá hấp dẫn, nuôi dê thịt đã và đang là mô hình được nhiều hộ tại xã Long Hòa (Phú Tân - An Giang) thực hiện. Cũng nhờ mô hình này mà ông Nguyễn Văn Kìa, ngụ ấp Long Hòa 1 đã có điều kiện cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Là vùng đất phèn, qua nhiều thế hệ, người dân xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) đã quen với cây khóm, loại cây đặc sản của vùng đất Hậu Giang. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhiều người đã cải tạo đất trồng mía thay khóm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bước sang đầu tháng 8 giá thịt lợn đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, giá lợn hơi khu vực phía Bắc ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg trong khi tại khu vực phía Nam là 57.000 - 58.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7
Vất vả làm ra hạt lúa, người dân lại phải tự tìm kiếm sân phơi, rồi bán tháo, bán đổ với giá thấp để trang trải chi phí đầu tư… nên từ lâu, nhiều nông dân chưa thể làm giàu trên chính mảnh ruộng của họ. Nghịch lý này có thể được khắc phục dần nếu lãnh đạo các tỉnh, thành tích cực hơn trong việc đẩy mạnh mô hình hợp tác, liên kết sản xuất mới để doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với nông dân
Khoảng gần một tháng qua, hàng trăm hộ dân ở 2 huyện Quảng Xương, Hậu Lộc (Thanh Hóa) ăn không ngon do ốc bươu vàng hoành hành, phá nát hàng trăm hecta lúa mới cấy, nguy cơ mất mùa rất lớn