Xuất khẩu thủy sản gặp khó
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Bình An.
Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2015 đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu thủy sản vào các thị trường đều giảm mạnh như: Hoa Kỳ chỉ đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 30%; Nhật Bản giảm 11%; Hàn Quốc giảm 12%.
Có một nghịch lý là từ đầu năm đến nay Việt Nam lại phải...
nhập khẩu thủy sản với giá trị 829 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014 (?).
Theo ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng giảm mạnh và mục tiêu năm 2015 giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD sẽ trở thành thách thức lớn mà nguyên nhân là khủng hoảng kinh tế nên các nước hạn chế nhập mặt hàng này, thậm chí nhiều nước đang có xu hướng tự sản xuất để cung cấp cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá của các nước cũng đã ảnh hưởng lớn tới giá trị xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt về giá với các nước khác.
Chưa kể thời tiết năm 2015 khá khắc nghiệt so với năm trước, dẫn đến thời vụ thả tôm chậm hơn từ 1,5 đến 2 tháng so với cùng kỳ năm 2014 nên mặc dù sản lượng chung của ngành vẫn tăng nhưng sản lượng tôm thẻ chân trắng lại giảm đi đáng kể, ảnh hưởng đến nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến (trong khi tôm là mặt hàng xuất khẩu chính của thủy sản chiếm 40-50% giá trị).
Đứng trước những khó khăn này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, thời điểm cuối năm các nước sẽ đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản để phục vụ thị trường Noel và tết Dương lịch.
Do đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các thị trường quan trọng chính như EU, Mỹ, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn tới việc đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng như các nước thuộc khối ASEAN, Trung Quốc, Nga, Trung Đông..., đồng thời phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa ra được mức giá phù hợp bởi giá của các mặt hàng chủ lực cá tra và tôm sẽ quyết định đến thành công trong việc bán sản phẩm này sang các nước mới.
Các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình sản xuất, xuất khẩu để có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong công tác dự báo thị trường nhằm đưa ra được phương án sản xuất phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu, nhất là với các mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Đi đôi với đó, người dân cần liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán để đủ sức cạnh tranh về giá với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu tôm sang Mỹ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái do áp lực cạnh tranh về giá và nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Indonesia.
Ngày 24/9, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết VFA vừa công bố mức giá sàn xuất khẩu gạo điều chỉnh mới.
Theo dự báo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2015 xuất khẩu (XK) điều có thể đạt hơn 300.000 tấn với trị giá 2,25 tỷ USD vượt xa con số 2 tỷ USD của năm 2014.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2015. Theo đó, CPI tháng 9/2015 giảm 0,21% so với tháng trước, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,4% so với tháng 12 năm trước.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 9 kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 14,2 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI không kể dầu thô ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 2,6%; tính cả dầu thô ước đạt 10,11 tỷ USD, giảm 2,4%.