Xuất Khẩu Thủy Sản 2014 Nỗ Lực Vượt Mức 6,7 Tỷ USD
Dù tình hình chung vẫn còn khó khăn, nhưng xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 về đích khá ấn tượng với kim ngạch 6,7 tỷ USD, tăng hơn 10% so năm 2012. Riêng tháng 1-2014, các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đạt 552 triệu USD, tăng 13,9% so cùng kỳ, đây thật sự là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản trong những ngày đầu năm Giáp Ngọ 2014.
Chủ động sản xuất sớm
Mấy ngày qua dù đang là Tết cổ truyền nhưng ông Bùi Hoàng Anh, ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vẫn tranh thủ ra đồng cải tạo 3ha tôm để chuẩn bị xuống giống vụ mới. Ông hớn hở khoe: “Vui xuân nhưng không quên công việc, nhất là thời buổi con tôm đang “lên đời” đã tiếp thêm động lực để người nuôi say mê lao động vơi đi mệt nhọc.
Thú thật, giá tôm bây giờ đang hấp dẫn lắm, tôm sú loại 30 con/kg giá khoảng 300.000 đồng/kg, còn tôm thẻ loại 60 con/kg giá khoảng 170.000 đồng/kg… mức giá này rất có lợi cho người nuôi; vì vậy ai cũng tranh thủ xuống giống sớm”.
Cùng suy nghĩ trên, ông Trương Văn Thắng, ở xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình (Cà Mau) cho hay: “Chưa bao giờ tôm thẻ chân trắng và tôm sú có giá cao và dễ bán như hiện nay. Tôm tới đợt thu hoạch chỉ cần “a lô” một tiếng là có thương lái tới mua tận ruộng. Nhờ trúng tôm mà nhiều hộ ăn tết sung túc và đã chuẩn bị sẵn sàng ao đầm cho vụ nuôi mới”.
Có thể nói, dọc các vùng ven biển ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… không khí đón tết năm nay nhộn nhịp bởi được mùa tôm. Ông Lê Vũ Minh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre) tâm sự: “Con tôm là kinh tế chủ lực của xã, do đó khi con tôm “lên đời” đã kéo nhiều chỉ tiêu của địa phương lên theo và cuộc sống của người dân cũng thay đổi tích cực. Hiện tại, nhiều gia đình vừa vui tết nhưng vẫn bám ruộng tôm để chăm lo cho vụ mới với kỳ vọng tiếp tục trúng mùa, trúng giá”.
Không chỉ nông dân mà nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng khẩn trương sản xuất sớm trong những ngày đầu năm Giáp Ngọ.
Theo ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau: “Năm 2013 là năm đầu tiên xuất khẩu thủy sản của tỉnh vượt cột mốc 1 tỷ USD. Đây là nỗ lực lớn của các cấp, các ngành liên quan, doanh nghiệp, người nuôi… đồng thời khẳng định thủy sản là thế mạnh của Cà Mau. Với thành tích trên đã tạo đà hưng phấn cho cộng đồng doanh nghiệp, và ngay ngày mùng 4 Tết nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đã khai trương hoạt động trở lại nhằm kịp giao hàng cho đối tác”.
Nỗ lực vượt khó
Bộ NN-PTNT cho rằng, xuất khẩu thủy sản đang tạo ra hướng đi lạc quan trong thời điểm đầu năm mới, mà cụ thể là kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2014 tăng trưởng tới 13,9%. Điều này cho thấy mục tiêu xuất khẩu thủy sản 6,7 tỷ USD trong năm 2014 là có thể đạt được. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức về thị trường, giá, rào cản kỹ thuật của nhiều nước dựng lên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát…
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lưu ý: “Nếu như xuất khẩu tôm bứt phá mạnh mẽ và đạt giá trị tới 3,1 tỷ USD trong năm 2013; đồng thời được kỳ vọng sẽ giữ được doanh số này trong năm 2014.
Trong khi xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường và giá cả, từ đó kéo giá cá nguyên liệu trong nước không thể tăng được. Suốt thời gian dài hàng loạt người nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL thua lỗ khiến diện tích thu hẹp và sản lượng cá cũng giảm theo. Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2014 dao động khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so năm 2013”.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang), cần phải có những biện pháp cụ thể thì mới sớm “đẩy” con cá tra lên được. Thời gian qua đã có rất nhiều cuộc họp bàn về cá tra nhưng cuối cùng rơi vào quên lãng nên mọi chuyện cứ “giậm chân tại chỗ”.
Vấn đề hiện nay là làm thế nào để quản lý tốt về quy hoạch, kiểm soát chặt sản lượng cá, thời vụ thu hoạch, chất lượng chế biến, giá cả xuất khẩu. Từ đó tạo sự liên kết hài hòa giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến; doanh nghiệp cung ứng thức ăn và ngân hàng. Làm được như vậy những cái khó của cá tra sẽ tháo gỡ.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết đang phối hợp cùng các địa phương tích cực hỗ trợ người nuôi thủy sản. Nếu tình hình nuôi trồng ổn định thì sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu đảm bảo cho các nhà máy chế biến, từ đó chủ động trong xuất khẩu.
Theo VASEP, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam thì năm 2014 cần quan tâm nhiều hơn đối với Trung Quốc - thị trường có tốc độ tăng trưởng về nhập khẩu thủy sản mạnh nhất từ Việt Nam. Hiện Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản).
Tăng trưởng kinh tế khá, dân số đông, nhu cầu nhập khẩu lớn… Trung Quốc được xem là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thâm nhập trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày tết và mong muốn bán được giá cao, nhiều nhà vườn trồng xoài trên địa bàn tỉnh đã tập trung xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ để bán vào dịp Tết Ất Mùi năm 2015. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất vụ xoài năm nay bị giảm đáng kể, có không ít nhà vườn phải “lỗi hẹn” với mùa xoài tết trong sự tiếc nuối.
Ngay khi vừa thu hoạch mía, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã không một chút đắn đo khi phá bỏ ruộng mía để trồng mì, tỉa đậu. Ông Chánh là một nông dân gắn bó lâu đời với cây mía mấy chục năm qua, chẳng còn thiết tha với cây mía.
Với mục đích liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, con giống; trao đổi những kinh nghiệm hay, cùng hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… những người cùng chung nghề chăn nuôi đã tìm đến với nhau để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao.
Những năm qua nhờ phát triển cây cao su nên cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị đã được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, thời gian gần đây giá mủ cao su giảm mạnh đã làm cho người trồng cao su phải lao đao. Trước thực trạng đó Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các công ty chế biến cao su trong tỉnh đã chủ động tìm hướng đi mới, đồng hành cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời, hướng đến sự phát triển bền vững...
Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện có trên 4.800 ha cà phê chè catimor, trong đó có gần 4.500 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Với doanh thu bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng, cây cà phê đã mang đến cho người dân địa phương nhiều điều tốt đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.