Xuất Khẩu Lạc Gặp Khó
Đến thời điểm này, việc thu hoạch lạc trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang bước vào giai đoạn cuối. Năng suất thấp hơn, cộng với thị trường tiêu thụ lạc chủ yếu phụ thuộc vào thương lái của Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch nhiều bất ổn, nên tình hình xuất khẩu lạc năm nay được dự báo sẽ gặp khó khăn.
So với năm 2013, năng suất lạc đạt thấp hơn, trung bình khoảng 22 tạ/ha. Những vùng trọng điểm lạc như Diễn Châu, Quỳnh Lưu do trình độ thâm canh, áp dụng biện pháp kỹ thuật của người dân tốt hơn nên năng suất lạc đạt khoảng 25 tạ/ha.
Ông Cao Hiếu, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) cho biết: Do thời tiết đầu vụ rét đậm và kéo dài nên năng suất lạc trên địa bàn xã năm nay đạt thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, điều người dân lo ngại nhất chính là giá lạc năm nay xuống thấp và khả năng thu mua của các cơ sở chế biến sẽ hạn chế hơn.
Hiện trên địa bàn xã có khoảng vài trăm hộ làm hàng xáo thường đi thu gom lạc ở các địa phương khác về nhập cho các cơ sở chế biến lớn như Tuấn Bảng, Tư Sâm, Lan Cấp, Minh Thông... Thường thì đây là thời điểm thương lái Trung Quốc về thu gom hàng nhưng hiện nay, tình hình thu mua vẫn rất im ắng và dự báo sẽ không sôi động như những năm trước.
Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng tại xã Diễn Thịnh – được xem là doanh nghiệp đầu tàu trong việc thu mua, chế biến lạc của cả tỉnh đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Ông Phạm Ngọc Thắng, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Hiện tại, người dân vẫn chưa thu hoạch xong nhưng lo tình hình ở biên giới bất ổn nên nhiều hộ đã bán lạc tươi chứ không đưa về phơi khô như những năm trước.
Giá lạc năm nay cũng thấp hơn các năm trước vì như đến thời điểm hiện tại, giá lạc là 20.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn 5 ngàn đồng/kg. Hiện các hộ thu gom đang án binh bất động để chờ xem tình hình đầu ra thế nào rồi mới bắt đầu đi thu gom lạc trong dân.
Thông lệ, hoạt động xuất khẩu lạc chỉ sôi động bắt đầu từ tháng 6 và chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng. Và nếu doanh nghiệp không bán được trong thời gian đó thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Những năm trước, có hàng chục đơn vị trong và ngoài tỉnh đổ xô vào Nghệ An để thu mua lạc rồi xuất sang các nước Đông Nam Á. Nhưng khoảng 4 năm nay, hoạt động xuất khẩu lạc giảm mạnh, nhiều công ty chỉ chào hàng hoặc ngưng hẳn mặt hàng này và chuyển sang kinh doanh các sản phẩm khác.
Những doanh nghiệp nội tỉnh như Công ty cổ phần Nông sản xuất nhập khẩu tổng hợp Nghệ An, Công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào, Công ty CP Xuất nhập khẩu Vinamex... nay đã vắng bóng trên thị trường xuất khẩu lạc. Và hiện nay, chỉ còn rất ít doanh nghiệp còn “bám trụ” và đều chuyển qua hình thức xuất tiểu ngạch thông qua các thương lái của Trung Quốc.
Anh Võ Minh Tuấn, Phó phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết, nguyên nhân mà các doanh nghiệp không tham gia xuất khẩu lạc như các năm trước là do giá lạc của chúng ta cao hơn giá lạc của nước ngoài, trong khi đó, giá lạc của Ấn Độ rẻ hơn nên để thâm nhập vào các thị trường như Singapore, Indonesia là rất khó. Vì chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lạc nhân của tỉnh nhiều năm qua đã giảm sút đáng kể.
Các doanh nghiệp chia sẻ, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thường gặp nhiều rủi ro như bị quỵt tiền, bị ép giá và có lúc phải đổ hàng, vì chờ lâu ngày mà không có người mua.
Tuy nhiên, cách mua bán này vẫn được các doanh nghiệp ưa chuộng vì thủ tục đơn giản, chỉ cần khai báo hải quan, ít chịu các hình thức kiểm dịch khắt khe nên chi phí thấp... Thường đầu vụ, thương lái sẽ mua với giá cao nhưng càng về sau, giá càng thấp nên doanh nghiệp khi gom hàng xong phải bán liền mà không dám ngâm hàng để ép giá.
Ông Thắng chia sẻ thêm rằng, lạc Nghệ An có chất lượng tốt hơn hẳn so với sản phẩm lạc của nhiều tỉnh khác, nhân đẹp và nhiều dầu hơn. Trong hơn 2.000 tấn lạc thu gom hàng năm của doanh nghiệp, 2/3 là lạc Nghệ An, số còn lại là thu gom từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế.
Nhưng cùng với các nguyên nhân khách quan khác, thì khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chính là một yếu tố quan trọng góp phần khiến lạc Nghệ An “mất điểm” trên thị trường. Bên cạnh đó, do công nghệ chế biến của các doanh nghiệp lạc hậu, vốn ít, phương thức kinh doanh còn thiếu chuyên nghiệp nên dễ mất bạn hàng và thường bị thương lái Trung Quốc chèn ép ngay trên sân nhà.
Lạc nhân từ trước đến nay vốn là sản phẩm chủ lực của nông sản Nghệ An. Mỗi năm, với diện tích gieo trồng khoảng 17,5 - 18.000 ha thì tổng sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn lạc vỏ. Trừ đi số lượng để giống, nội tiêu thì số lượng có thể xuất khẩu được khoảng 28.000 tấn lạc vỏ, tương đương khoảng 19.000 tấn lạc nhân. Theo kế hoạch, năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu xuất khẩu được 10.000 tấn lạc nhân.
Nhưng trước tình hình như hiện nay thì dự báo kết quả khó có thể đạt được như kế hoạch đề ra. Năm 2009, UBND tỉnh có ban hành Quyết định 75/QĐ-UBND ngày 25/8/2009 về hỗ trợ thu mua xuất khẩu hàng nông sản thực sự đã có những tác động nhất định đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lạc trên địa bàn.
Tuy nhiên, quyết định này đã hết hiệu lực từ 3 năm nay, và thị trường các nước ASEAN đang bị thu hẹp, giá cả kém ổn định... đã ảnh hưởng đáng kể tới kết quả xuất khẩu mặt hàng này.
Để vực dậy hoạt động xuất khẩu lạc tăng trưởng trở lại, bên cạnh sự năng động, nỗ lực của các doanh nghiệp thì tỉnh cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp trong việc quy hoạch vùng, hỗ trợ, khuyến khích các thương nhân và nhà xuất khẩu đổi mới công nghệ, chú trọng khâu chất lượng và đóng gói...
Bên cạnh đó, công tác xây dựng thương hiệu lạc Nghệ An, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm những thị trường ổn định, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cần được nghiên cứu và có những giải pháp kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, nhờ tình hình thời tiết thuận lợi, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ nên nhiều tàu thuyền đã vươn khơi bám biển. Qua đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 52.000 tấn, bằng 61% kế hoạch năm 2013.
Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang thí điểm ương cá tra giống theo hướng an toàn sinh học, nhằm cải thiện chất lượng con giống đáp ứng nhu cầu nuôi cá tra xuất khẩu. Toàn huyện có 350 ha ương cá giống, trong đó diện tích ương cá tra giống chiếm khoảng 30%, chủ yếu ở xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc và Tân Hội.
Trong 2 tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn Bình Định liên tục giảm mạnh làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng nuôi vì không còn vốn để tái đàn...
Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) có nguồn gốc lâu đời tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đây là giống gà quý hiếm, từng là vật tiến vua. Hiện nay, giống gà này đã được nuôi rộng rãi ở các các tỉnh phía Bắc và gần đây là khu vực tỉnh Đồng Nai. Tại Tây Ninh cũng đã xuất hiện một số hộ dân đầu tư và nuôi thử nghiệm giống gà mới này. Tuy bước đầu nuôi thử nghiệm nhưng thực tế đã cho thấy được hiệu quả kinh tế mà giống gà này mang lại.
Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, nông dân TP Cà Mau không ngừng tăng gia sản xuất với nhiều mô hình cho thu nhập khá, trong đó mô hình trồng rau má thương phẩm đang trở thành mô hình kinh tế bền vững, giúp nông dân từ nghèo đói vươn lên khấm khá.