Xuất khẩu gạo không quá lo thị trường
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đúng là đã có một số nước có những tuyên bố sẽ ngưng một số chương trình NK gạo trong năm nay. Nhưng đây là ngưng NK gạo nói chung chứ không phải chỉ là ngừng mua gạo từ Việt Nam.
Như Indonesia đã thông báo sẽ ngừng việc mua 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia. Philippines hồi đầu năm thông báo sẽ NK thêm 400 ngàn tấn gạo nhưng rồi cũng đã rút lại kế hoạch này.
Indonesia đưa ra lý do sản xuất gạo trong nước đủ đáp ứng nhu cầu. Còn Philippines thì muốn đánh giá lại nguồn gạo tồn kho xem cần mua 400 ngàn tấn hay không.
Tuy Indonesia đã tuyên bố như vậy, nhưng theo nhận định của một số doanh nhân ngành gạo, nước này vẫn có thể NK gạo trở lại vào quý 3 năm nay.
Đến thời điểm này, các nhà XK gạo Việt Nam vẫn khá bình thản trước những thông tin trên. Trước hết, việc XK gạo vẫn đang khá tốt. 2 tháng đầu năm nay, lượng gạo XK đã tăng tới 97% so với cùng kỳ năm ngoái. Mà trong tay các doanh nghiệp vẫn còn hợp đồng XK ở mức đủ để yên tâm, ít nhất là đến giữa năm nay.
Ông Huỳnh Thế Năng cho biết, hợp đồng XK ký từ cuối năm ngoái chuyển sang đầu năm nay ở mức cao, tới 1,2 triệu tấn. Sau khi đã XK hơn 800 ngàn tấn gạo trong 2 tháng qua, các doanh nghiệp vẫn còn hợp đồng tới 1,4 triệu tấn cần giao trong những tháng tới, do có thêm nhiều hợp đồng mới được ký (trong đó có hợp đồng tập trung 200 ngàn tấn đi Cuba).
Bên cạnh đó, còn những yếu tố quan trọng khác giúp cho việc XK gạo đang tiếp tục thuận lợi. Trước hết là Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu lớn từ gạo Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, cho dù có những lúc phía Trung Quốc gây khó khăn, nhưng lượng gạo Việt Nam đi qua bên đó theo đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch vẫn khá nhiều. Năm ngoái, gạo XK sang Trung Quốc chiếm khoảng 50% lượng gạo XK của Việt Nam. Năm nay, dự báo họ cũng mua với khối lượng không ít hơn năm ngoái.
Trong tháng 3 này, Cục Dự trữ Quốc gia (Bộ Tài chính) đã tổ chức đấu thầu mua 180 ngàn tấn gạo. Bên cạnh đó, thông tin El Nino gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất lúa ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đang ít nhiều tác động tới tâm lý của nông dân, khiến cho nhiều hộ giữ lúa lại, chờ giá lên nữa mới bán. Một số doanh nghiệp cũng đã mua lúa gạo tích trữ với tính chất đầu cơ.
Tuy nhiên, vẫn có một chút băn khoăn đến từ 2 đối thủ lớn nhất là Ấn Độ và Thái Lan. Ấn Độ đã từng được dự báo là sẽ giảm mạnh về sản lượng cũng như lượng gạo XK trong năm nay do ảnh hưởng El Nino.
Những thông tin trên đang giúp cho giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL tăng mạnh. Đến giữa tuần qua, tại ĐBSCL, giá lúa khô tại kho loại thường đã ở mức 5.500 - 5.600 đ/kg, lúa khô hạt dài 5.700 - 5.800 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 1 từ 7.000 - 7.100 đ/kg, gạo nguyên liệu làm gạo 25% tấm từ 6.800 - 6.900 đ/kg, gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu 7.950 - 8.050 đ/kg, gạo 15% tấm 7.750 - 7.850 đ/kg, gạo 25% tấm 7.600 - 7.700 đ/kg.
So với cách đây 1 tháng, giá lúa khô loại thường đã tăng 400 đ/kg, lúa hạt dài tăng 300 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 1 tăng 350 đ/kg, gạo nguyên liệu làm gạo 25% tấm tăng 300 đ/kg, gạo 5% tấm tăng 400 đ/kg, gạo 15% tấm tăng 350 đ/kg và gạo 25% tấm tăng 300 đ/kg.
Trên thị trường XK, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn 5 - 10 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và 15 - 20 USD/tấn so gạo Ấn Độ.
Thế nhưng, mức độ ảnh hưởng của thiên tai đối với sản xuất gạo ở nước này không quá nghiêm trọng, nên lượng gạo XK dự báo chỉ giảm khoảng 2 triệu tấn. Mấy năm qua, Ấn Độ thường XK quanh mức 10 triệu tấn gạo. Năm nay nếu có giảm 2 triệu tấn, thì lượng gạo Ấn Độ đưa vào thị trường thế giới vẫn còn khá lớn, tới 8 triệu tấn.
Còn ở Thái Lan, sản lượng lúa gạo giảm mạnh do họ chủ động giảm diện tích để đối phó với khô hạn. Dự báo năm nay Thái Lan sẽ giảm khoảng 5 - 6 triệu tấn lúa, tương đương 2,5 - 3 triệu tấn gạo. Nhưng lượng gạo còn tồn kho ở mức 13 triệu tấn của nước này vẫn có thể là yếu tố quan trọng kiềm chế giá gạo trên thị trường gạo thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, để có thể tồn tại, ngành bò sữa trong nước một mặt vẫn duy trì mô hình chăn nuôi nông hộ, song phải có sự liên kết; một mặt dần chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm hạ giá thành, tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm sữa.
Luôn lo sợ bị cắt hợp đồng, bán bớt đàn bò, để trống chuồng... là tình hình chung của nhiều người dân nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Từng được coi là thế mạnh và là hướng xóa đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu, con bò sữa giờ đây trở thành nỗi ám ảnh với nhiều bà con, nông dân Củ Chi.
Nén là cây gia vị, ở Quảng Ngãi trồng chủ yếu trên đất gò đồi và được canh tác vụ mùa hàng năm. Nén thường trồng tháng 7, thu hoạch cuối tháng 12 và kéo dài sang tháng 1 đến tháng 3 năm sau.