Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Từ giấc mơ vàng biến thành bản án bán bò

Từ giấc mơ vàng biến thành bản án bán bò
Tác giả: Minh Trung
Ngày đăng: 30/03/2016

Sữa đổ, nước mắt rơi

Từ cuối tháng 2 tới nay, bà Trương Thị Hoa ở ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi cứ đứng lên ngồi xuống không yên. Đàn bò sữa 11 con của bà, con nào bầu sữa cũng căng cứng mà bà không buồn vắt, bởi chẳng biết bán cho ai.

Bà Hoa là một trong những người mới nhất trong huyện bị Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tạm ngừng hợp đồng đến 20 ngày. Lý do phía công ty đưa ra là số lượng tế bào soma trong sữa của gia đình bà vượt mức quy định. Còn bà chỉ biết ngậm ngùi biết vậy. “Mỗi ngày đàn bò nhà tôi cho ra 30kg sữa. Uống thì không hết. Đổ thì tiếc đứt ruột. Giá như công ty chỉ mua với giá 8.000 đồng/kg để có tiền mua cám cho bò, rồi cho thời hạn để khắc phục thì chúng tôi đỡ xót xa” - bà Hoa tâm sự.

Trong cuộc trò chuyện của người dân nuôi bò sữa Củ Chi bây giờ không còn nhiều tin tức vui như trước nữa, thay vào đó là chuyện nhà ông T vừa bị ngừng hợp đồng thu mua sữa, nhà bà H dù bán sữa vẫn bị lỗ nặng. Chuyện bán đàn bò sau đó cũng không còn hiếm ở vùng đất được mệnh danh là xứ sở vàng trắng của miền Nam. Người dân chỉ hỏi một câu nói khiến người nghe phải nhói lòng: “Bán bò thì biết mần gì ăn?”…

Bà Hoa cho biết, dù gia đình đã cấp tốc mua về 3 con bê con để uống lượng sữa bò vắt ra hàng ngày, nhưng sữa vẫn dư rất nhiều. “Đến nay, mấy chục triệu tiền vốn mua bò về nuôi, gia đình tôi còn chưa trả hết. Giờ bị tạm ngừng đến 20 ngày, không có thu mà vẫn phải tốn tiền mua thức ăn, thuốc men cho bò, cả nhà tôi lo mất ăn mất ngủ. Nhìn sữa đổ đi mà buồn muốn khóc” – bà Hoa nói.

Cùng ấp với bà Hoa, đàn bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tôi tình cảnh cũng không mấy sáng sủa khi ông cho biết đã bán gần nửa đàn bò. Trước đây, gia đình ông có tới 18 con, giờ chỉ còn 10 con, trong đó có 2 con đang cho sữa.

“Sữa bò nhà tôi dính soma nên công ty cũng ngừng thu mua 2 - 3 tuần. Cố gắng khắc phục nhưng lại bị dính lần nữa nên công ty cắt luôn hợp đồng. Mùng 2 tết vừa rồi mới được ký lại. Giờ tôi muốn bán đàn bò đi nhưng giá mua chỉ còn bằng ¼ trước kia. Mà bán đi thì không biết làm gì?” – ông Tôi chán nản nói.

“Bản án” bán bò

Những hộ dân nuôi bò sữa mà chúng tôi có dịp tiếp xúc phần lớn đều có thâm niên nuôi bò sữa trên dưới chục năm. Việc sữa chứa kháng sinh bị cắt hợp đồng, bà con hoàn toàn ủng hộ, tuy nhiên, câu chuyện soma đã trở thành nỗi lo lắng thường trực khi “công ty kêu ai nấy dạ”.

Anh Nguyễn Trung Lập, một người có nhiều kinh nghiệm nuôi bò sữa tại xã Bình Mỹ cho biết, việc người dân kiểm tra số lượng tế bào soma, béo, gầy cho sữa trước khi đem đến trạm thu mua đều được thực hiện thô sơ và rất cảm quan. Công ty có hướng dẫn mua thuốc để thử, nhưng kết quả của công ty nhiều khi không giống như người dân kiểm tra ở nhà, vì vậy nhiều hộ rất bức xúc, song lại không thể có ý kiến gì với công ty. Trong khi đó, tới bây giờ vẫn chưa có bên thứ 3 kiểm tra các chỉ số để đảm bảo tính khách quan.

Sữa bò nhà tôi dính soma nên công ty cũng ngừng thu mua 2 - 3 tuần. Cố gắng khắc phục nhưng lại bị dính lần nữa nên công ty cắt luôn hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Tôi

Anh Nguyễn Minh Tân (ngụ tại ấp 7) có lẽ không còn phải trải qua cảm giác lo lắng về chất lượng sữa hay tế bào soma, bởi anh đã bán hết đàn bò.

Anh nói một cách hài hước: “Tôi bán hết đàn bò sữa rồi mua 6 con bò đực về nuôi lấy thịt. Giờ chỉ lo cho chúng ăn thôi. Sáng, chiều không sợ bị kêu lên báo cáo vụ chất lượng sữa nữa”. Đàn bò trước đó của anh Tân mỗi ngày cho 70kg sữa. Vì bị nhiễm soma nên bị công ty ngừng hợp đồng 2 tuần. Với người nuôi bò sữa, điều này đồng nghĩa với “bản án bán bò” chắc chắn sẽ xảy ra. “Bò sữa lúc mua gần 60 triệu đồng mỗi con, nay bán chỉ được 15 triệu đồng. Kiểu này chỉ làm giàu cho thương lái chứ người dân thì dần dần bán bò hết mất thôi” - anh Tân nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tôi, trước khi số lượng đàn bò còn ít, các công ty sữa hỗ trợ tiền xây chuồng trại hàng năm nên bà con rất phấn khởi. Nhưng nay khi có nhiều người nuôi, sản lượng sữa nhiều lên, công ty cắt luôn khoản này. “Chúng tôi chỉ muốn công ty cho thời gian để bà con khắc phục, vì tế bào soma rất khó kiểm tra và một tuần chỉ xuất hiện 1-2 lần. Cả xã tôi giờ đến một nửa số hộ đã bán hết bò rồi” – ông Tôi nói.


Có thể bạn quan tâm

Ra mắt CLB Chuyên gia cây ăn quả Bayer Ra mắt CLB Chuyên gia cây ăn quả Bayer

Tiếp nối thành công của việc ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Chuyên gia cà phê, Công ty Bayer Việt Nam đã tiếp tục mở rộng mô hình đặc trưng này với việc thành lập CLB Chuyên gia cây ăn quả Bayer.

30/03/2016
Lối thoát từ liên kết và chăn nuôi công nghệ cao Lối thoát từ liên kết và chăn nuôi công nghệ cao

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, để có thể tồn tại, ngành bò sữa trong nước một mặt vẫn duy trì mô hình chăn nuôi nông hộ, song phải có sự liên kết; một mặt dần chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm hạ giá thành, tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm sữa.

30/03/2016
Người đàn ông sờ đâu cũng ra tiền Người đàn ông sờ đâu cũng ra tiền

Từng nhiều lần thất bại, một xu dính túi không còn, nhưng anh Nguyễn Văn Kỷ ở (thôn 13, xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) vẫn quyết tâm gây dựng sự nghiệp từ cây và đất. Gần 20 năm quyết tâm tạo dựng trang trại, đất không phụ lòng người, mồ hôi công sức của anh đổ xuống đã gieo lên sự sống cho cả một vùng rộng lớn.

30/03/2016
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.