Xuất khẩu gạo giảm ở nhiều thị trường
Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng 7 và 7 tháng của Bộ Công Thương, ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 7 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu được khoảng 3,72 triệu tấn gạo các loại, đạt 1,59 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng và 8,3% về giá trị so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự sụt giảm là do nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.
Về thị trường, mặc dù châu Á là thị trường xuất gạo lớn nhất (chiếm tới 70% tổng lượng gạo xuất khẩu) nhưng 7 tháng qua thị trường này đã giảm tới 19,72% so với cùng kỳ năm trước (riêng thị trường Trung Quốc giảm 21,25%). Xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ cũng giảm tới 12,56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng là lượng gạo xuất khẩu sang thị trường châu Phi lại tăng tới 47,53% do lượng gạo thơm vào thị trường này đã tăng đáng kể.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh xuất khẩu gạo được ông Huệ nêu ra là gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm đã tăng mạnh. Dấu hiệu này cho thấy, trong thời gian tới, phải chuyển đổi sản xuất theo hướng tập trung sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao.
Tuy nhiên, điểm yếu vẫn tồn tại của XK gạo Việt Nam đó là chất lượng gạo chưa đồng đều, giống lúa thuần chủng yếu, nhiều loại giống bị thoái hóa, việc tuyên truyền sản xuất gạo chất lượng cao vẫn còn chưa đạt yêu cầu.
Do vậy, VFA cho rằng cần quản lý chặt việc giao thương giữa các nhà thương mại nước ngoài (nhất là châu Phi và Trung Quốc) tránh đấu trộn gạo, ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu.
Cũng theo VFA, xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…. Nếu không có sự đột phá về thị trường thì mục tiêu xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo trong năm 2015 sẽ khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 26/6, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ra quyết định hủy bỏ điều 4 của bản quy định quản lý sản xuất và kinh doanh giống rau, hoa trên địa bàn tỉnh được ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐUB ngày 25/1/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Cùng với các tổ chức, doanh nghiệp và người kinh doanh ở khắp nơi trong cả nước về huyện Lục Ngạn thu mua vải thiều thì sự có mặt của hàng trăm thương nhân Trung Quốc đã góp phần cho vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ nhanh chóng, thuận lợi.
Mục tiêu ứng dụng các biện pháp cơ giới để khắc phục tình hình thiếu lao động nông thôn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong việc trồng chanh đang phát triển khá mạnh hiện nay là vấn đề rất bức xúc, anh Trần Văn Nhung đã cất công nghiên cứu sản xuất thiết bị sàng phân loại chanh và đến nay đã được đông đảo các cơ sở thu mua chanh đặt hàng.
Hiện Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã tổ chức gây nuôi, nhân giống để cung cấp giống gà con tốt cho người chăn nuôi có nhu cầu và tiếp tục chọn tạo để lưu giữ và hình thành lại giống “gà Tàu vàng có thương hiệu”. Qua đó, đáp ứng tốt những tính chất của gà Tàu vàng trước đây, nhằm phục vụ ngành chăn nuôi gia cầm của địa phương, cung ứng thực phẩm ngon hợp thị hiếu người tiêu dùng địa phương và du khách.
Nhiều DN lớn đã và đang xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp khẳng định đây là định hướng nghiêm túc, có cơ sở kỹ lưỡng.