Xuất khẩu gạo có khả năng chỉ đạt 5 triệu tấn
Trong khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 tăng 5,9% so với cùng kỳ thì xuất khẩu lúa gạo tiếp tục lao dốc.
Theo báo cáo xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản trong 11 tháng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo vẫn “hụt hơi” trong đường đua về đích cuối năm so với các mặt hàng khác.
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu riêng tháng 11 giá trị đạt 156 triệu USD, đưa xuất khẩu gạo 11 tháng ước đạt 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trong ảnh: Xuất khẩu gạo 11 tháng mới đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng so với cùng kỳ 2015. Ảnh: N.Trinh.
Trong tháng 11, giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều với xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu gạo vẫn bế tắc do thiếu các hợp đồng lớn. Hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo Việt đang chững lại, do hợp đồng xuất khẩu không có những cái tên lớn góp mặt.
Cụ thể, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam suốt 10 tháng qua. Tuy nhiên, cũng thời gian này, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam là Gana, với lượng tăng 38,6% trong 10 tháng đầu năm và tăng 33,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4, tăng 53% về khối lượng và 53,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Những cái tên từng góp mặt trong Top nhập khẩu gạo Việt Nam như Philippines, Singapore đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, thị trường Philippines giảm 61,6%, Malaysia giảm 51,5%, Singapore giảm 34,1%, Bờ Biển Ngà giảm 29,1%, Hoa Kỳ giảm 28,3%...
Ngoài ra, nguyên nhân xuất khẩu gạo Việt Nam giảm cũng do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên diện tích gieo trồng lúa mùa ở phía Nam giảm, chất lượng cũng không như những năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp, nếu giữ tốc độ như hiện nay thì ước tính trong 2 tháng 11 và 12 chỉ đạt dưới 400.000 tấn gạo xuất khẩu, đưa tổng khối lượng xuất khẩu cả năm 2016 dưới 5 triệu tấn, thấp kỷ lục kể từ năm 2009 đến nay.
Dẫn thông tin cảnh báo từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, có 95 container (tương đương hơn 1.700 tấn) gạo xuất khẩu bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Qua kiểm tra của FDA, trong gạo Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có 8 hoạt chất vượt giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cả 8 hoạt chất đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
7 vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ ra và yêu cầu ngành nông nghiệp khẩn trương khắc phục
Gà nuôi thịt được sử dụng thức ăn bằng giun quế kết hợp với nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo, bột ngô, bột đỗ tương…để nâng cao chất lượng sản phẩm
Trong 4 tháng gần đây từ tháng 7-10.2016, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm