Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT khắc phục 7 vấn đề lớn
Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá như vậy khi trả lời phóng viên Báo NTNN - Dân Việt xung quanh 7 vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ ra và yêu cầu ngành nông nghiệp khẩn trương khắc phục.
Doanh nghiệp chưa mặn mà bắt tay nông dân
Thưa ông, mới đây Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ NNPTNT. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng gợi ý Bộ NNPTNT tập trung khắc phục 7 vấn đề tồn tại đã nhiều năm. Ông có nhận xét như thế nào về các vấn đề này?
Trong ảnh: Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
“Về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là vấn đề liên quan nhiều tới ngành nông nghiệp song lại là vấn đề liên ngành, cần trách nhiệm của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế tài xử phạt nghiêm hơn, cũng như nâng cao vấn đề đạo đức, lương tâm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm. Phải phát huy được ý thức cộng đồng trong việc lên tiếng đấu tranh với thực phẩm bẩn, để người dân thấy rằng nếu anh trồng rau bẩn, cho lợn gà ăn chất cấm thì rất có thể con anh, họ hàng anh sẽ mua phải rau bẩn, thịt bẩn”. Ông Hồ Xuân Hùng
- Tôi cho rằng 7 vấn đề tồn tại của ngành nông nghiệp mà Thủ tướng chỉ ra là rất chuẩn xác, thể hiện sự quan tâm sát sao của Chính phủ cũng như sự am hiểu tường tận của người đứng đầu Chính phủ. 7 vấn đề đó cũng chính là những lĩnh vực còn yếu kém của ngành nông nghiệp mà trong thời gian dài chưa giải quyết được. Tuy nhiên, có một số vấn đề Bộ NNPTNT có thể xử lý, khắc phục được, song cũng có những vấn đề chỉ một mình ngành nông nghiệp không thể giải quyết được, mà cần sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội.
Trong 7 vấn đề, ông quan tâm nhất là vấn đề nào?
- Trong nhiệm vụ đầu tiên là tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ đây là nhiệm vụ lớn, nhằm mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một diện tích canh tác, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều DN thường than thở gặp 2 khó khăn lớn, đó là tiếp cận đất đai và tín dụng. Tôi cho rằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN tích tụ đất đai là hướng đi đúng, tuy nhiên phía DN cũng phải nhìn nhận lại thực tế đồng đất, đặc điểm sản xuất của nước ta.
Tôi cho rằng không nhất thiết cứ phải có đất lớn mới làm ăn được. Ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel… không có nhiều đất, nhưng tại sao DN của họ làm nông nghiệp rất thành công? Mấu chốt chính là ứng dụng công nghệ cao và liên kết với nông dân. Thực tế cho thấy cả 2 khâu này DN nông nghiệp ở nước ta vẫn còn yếu, nhiều đơn vị chưa thực sự mặn mà bắt tay với nông dân.
Bên cạnh đó, đúng như Thủ tướng nhận xét, lãi suất ngân hàng hiện nay vẫn ở mức 9 – 11% là quá cao, thủ tục vay nhiêu khê. Nông nghiệp lại là lĩnh vực rủi ro lớn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu không có cơ chế hạ lãi suất thì DN không dám bỏ tiền đầu tư. Thậm chí các DN công nghiệp, dịch vụ cũng kêu trời bởi chặng đường vay vốn khó như… hái sao trên trời! Tuy nhiên đây là vấn đề ngoài tầm của Bộ NNPTNT, cần có bàn tay tháo gỡ của Chính phủ, các ngân hàng, bộ ngành liên quan.
Trong 7 tồn tại Thủ tướng chỉ ra, có công tác bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp. Thời gian qua, vấn đề này trở nên “nóng” hơn rất nhiều khi xảy ra các vụ phá rừng ở Kon Tum, Quảng Nam... cũng như các vụ tranh chấp đất rừng. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?
- Đây là vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Tại hội nghị ở Tây Nguyên tháng 7.2016, Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa rừng khu vực này, không chuyển rừng nghèo kiệt sang phát triển các dự án khác làm giảm diện tích che phủ rừng. Nhưng ở đâu đó rừng vẫn chưa thực sự được quản lý nghiêm ngặt, vẫn “chảy máu” hàng ngày. Quan trọng nhất là chúng ta phải làm rõ cơ chế ai giữ rừng, giữ rừng cho ai? Nếu người dân giữ rừng cho gia đình họ, thì tôi nghĩ chúng ta không cần phải bàn nhiều, có thể không cần trả công họ vẫn giữ rừng hiệu quả. Song nếu giữ rừng cho Nhà nước, thì phải có cơ chế hợp lý hơn để đảm bảo quyền lợi, đời sống cho những người làm nhiệm vụ giữ rừng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa làm rõ quan điểm về quản lý rừng, hay phát triển kinh tế rừng. Cá nhân tôi nghiêng về xu hướng phát triển kinh tế rừng, bởi khi rừng đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, họ sẽ có ý thức và nhu cầu giữ rừng mạnh mẽ hơn, đồng thời chủ động đầu tư nhân rộng diện tích rừng.
Thiếu nguồn lực để làm nông thôn mới
Trang trại hoa công nghệ cao Langbiang (Đà Lạt, Lâm Đồng). Ảnh: BESTPRICE
Về tổng thể 7 vấn đề Thủ tướng lưu ý, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là những vấn đề mà Bộ NNPTNT có vai trò chính, phải tiếp thu đầu tiên. Bộ sẽ có báo cáo đầy đủ gửi Thủ tướng, trong đó nêu rõ quyết tâm, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể để giải quyết.
Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã rất quyết liệt trong xây dựng NTM, tạo chuyển động mạnh mẽ trong huy động nguồn lực và nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá xây dựng NTM đang có dấu hiệu chững lại. Từng là cố vấn cho Bộ NNPTNT về NTM, ông đánh giá như thế nào về điều này?
- Tôi cho rằng Thủ tướng nhận xét rất đúng. Chương trình đang có dấu hiệu chững lại, một phần vì nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM đang gặp nhiều khó khăn, một phần do việc khởi động phong trào giai đoạn 2 còn kém.
Vừa qua, ở cả T.Ư và địa phương đã làm rất tốt việc tổng kết phong trào, rút kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, tuy nhiên việc phát động cho giai đoạn tiếp theo chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt ở một số địa phương đã đạt chuẩn, tôi nhận thấy có sự “chùng” lại từ các cấp lãnh đạo. Một khi lãnh đạo giảm nhiệt huyết, đương nhiên người dân sẽ tham gia kém hào hứng.
Ông từng đề xuất nguồn vốn cho xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 cần khoảng 1 triệu tỷ đồng. Nhưng thực tế vốn cho cả giai đoạn 1 và 2 đều không đáp ứng đủ...
- Vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là thiếu nguồn lực cho chương trình. Ở giai đoạn 1, chúng ta đã huy động rất tốt nguồn lực đóng góp từ nhân dân, nhưng hiện nay đời sống nhân dân cũng đang gặp nhiều khó khăn nên việc huy động bà con tham gia mạnh mẽ như giai đoạn 1 là rất khó. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nguồn lực khác chúng ta chưa khai thác, huy động tốt, như DN, hiệp hội, các tổ chức quốc tế, kiều bào...
Còn rất nhiều chương trình, tổ chức nghề nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc, trong khi một số đơn vị có tiềm lực rất mạnh. Mới đây, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đứng ra kêu gọi và chỉ sau hơn 1 tháng đã huy động các DN xây dựng hơn 100 cầu cho các xã vùng sâu, biên giới.
Tôi cho rằng trong khó khăn phải có cách làm hiệu quả. Ví dụ Tổng hội chỉ đứng ra “môi giới”, mời gọi DN cùng tham gia, theo đó DN có mong muốn xây cầu ở đâu có thể tự triển khai từ A đến Z, phía địa phương sẽ hỗ trợ khâu thiết kế, địa điểm, không hề mất chi phí giám sát, quản lý nên các công trình đều đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, minh bạch và bám sát nhu cầu của dân.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã trực tiếp vận động hội viên đóng góp trên 50 tỷ đồng, tham gia hơn 202.000 ngày công lao động, tích cực xây dựng nông thôn mới
Mặc dù mưa đang diễn ra nhưng ngành chức năng các tỉnh, thành ven biển đồng bằng sông Cửu Long - nơi từng bị ảnh hưởng bởi đợt hạn, mặn khốc liệt vào mùa khô
Phân bón Văn Điển là sự lựa chọn phù hợp để nâng cao chất lượng nông sản, làm cho đất tơi xốp, hạn chế rong rêu, phục vụ cho canh tác nông nghiệp hiệu quả