Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuân Ất Mùi, Trò Chuyện Chủ Gia Trại Nuôi Dê

Xuân Ất Mùi, Trò Chuyện Chủ Gia Trại Nuôi Dê
Ngày đăng: 25/02/2015

Những ngày đầu xuân Ất Mùi, trong cảnh sắc rực rỡ, ngào ngạt hương thơm của mai vàng và muôn hoa, chúng tôi đến Phước Hậu (Ninh Phước - Ninh Thuận), một xã đi đầu ứng dụng mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp.

Là nơi hình thành Liên minh sản xuất giống dê lai Bachboer đầu tiên trong tỉnh, những năm qua Phước Hậu phát triển thêm các mô hình chăn nuôi trang trại gia đình, được định danh là gia trại. Theo mô hình này, những người nông dân địa phương đã tận dụng lá nho, lá táo tại vườn nhà để làm thức ăn nuôi dê rất hiệu quả.

Phước Hậu có diện tích tự nhiên 1.460 ha, trong đó có 1.217 ha là đất nông nghiệp. Ngoài diện tích 950 ha cánh đồng lúa 3 vụ, trong những năm qua Phước Hậu đã phát triển trồng 150 ha diện tích táo và khôi phục dần diện tích trồng nho đến nay được trên 50 ha.

Do đất đai có hạn, trước kia không ai nghĩ Phước Hậu có lợi thế về chăn nuôi gia súc có sừng, thế nhưng chỉ trong 4 năm qua, từ mô hình nuôi dê kết hợp trồng nho, táo đã cho thấy một hướng sản xuất mới đầy hứa hẹn. Mùng 3 tết, đến nhà anh Lê Văn Quyết ở thôn Trường Thọ, tôi thấy anh vẫn loanh quanh với công việc.

Đang trò chuyện nghe dê kêu, anh vội chạy ra chuồng, xách theo một bao lá nho bỏ vào máng ăn và phân bua: “Làm nghề chăn nuôi là vậy, ngày nào cũng phải cho ăn chứ đâu dám vì vui tết mà bỏ qua, chiều 30 chạp đã chuẩn bị sẵn rau lá và sáng nay, tôi cũng vừa đi cắt thêm lá nho về”. Anh Quyết trồng 3,5 sào táo, 500 m2 rau muống và nuôi đàn dê 30 con, trong đó có 3 con dê bachboer.

Theo anh, để có đủ thức ăn cho dê, anh phải đi cắt thêm lá nho, lá táo từ các nơi khác. Điều thú vị là việc cắt lá nho không hề có cạnh tranh hay tốn kém, các chủ gia trại hễ biết vườn nho nào cần cắt là thông tin nhau ngay, luôn hỗ trợ nhau kiếm thức ăn cho dê.

Cũng như anh Quyết, các hộ chăn nuôi khác ở Phước Hậu không đợi ăn tết xong mới “ra quân”, ngay từ ngày đầu năm mới họ đã tiếp tục công việc chăm sóc đàn dê. Đã quen thuộc vùng chăn nuôi ở thôn Trường Thọ, tôi tự thân đi “xông đất” một số gia trại nuôi dê.

Năm nay tiếc là chưa gặp được ông Phạm Tuấn, một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu ở đây nhưng qua câu chuyện với các chủ gia trại, tôi được biết đàn dê của ông vẫn duy trì phát triển tốt. Nuôi dê theo mô hình dưới tán vườn, do diện tích trồng táo, nho của mỗi gia đình không nhiều nên trung bình mỗi hộ nuôi chừng 15 - 20 con. Theo anh Võ Thành Đảo, Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, trên địa bàn xã hiện có khoảng 600 hộ chăn nuôi dê theo hình thức gia trại, nghĩa là kết hợp trồng táo làm chuồng nuôi dưới tán vườn.

Đặc biệt trong tổng đàn khoảng 8.000 con dê nuôi gia trại, đã có 4.000 con là giống dê lai Bachboer do khoảng 120 hộ nuôi. Theo kinh nghiệm của các chủ gia trại, dê rất chuộng lá nho, lá táo cũng như táo rụng và thực tế khi ăn thức ăn này tăng trưởng rất nhanh.

Riêng dê lai siêu thịt Bachboer đã bộc lộ ưu điểm là giống dê phàm ăn, chóng lớn và đề kháng dịch bệnh rất tốt, cùng thời gian nuôi nhưng trọng lượng của nó đã lớn gấp rưỡi con dê thường. Qua thời gian có mặt ở Phước Hậu, nó chứng tỏ đã thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, phù hợp cách nuôi vỗ béo, có thể ăn được mọi loại rau cỏ, lá cây dễ dàng.

Những ngày tết, trò chuyện với các chủ gia trại, tôi có cảm tưởng mọi người đều rất lạc quan khi nói về việc tận dụng cây lá vườn nhà nuôi dê. Từ các gia trại nuôi thành công ở thôn Trường Thọ, mô hình đã lan rộng qua các thôn Trường Sanh, Hoài Nhơn cùng xã.

Anh Huỳnh Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã, cũng là một người chăn nuôi dê ở thôn Hoài Nhơn, chia sẻ: “Hiện nay nhu cầu dê bachboer rất lớn, liên tục có người đặt mua nhưng không cung ứng kịp. Với giá thịt hơi 115 - 120 ngàn đồng/kg, mỗi con dê bán khoảng 3 triệu đồng, riêng dê nái trung bình có giá từ 3 - 4 triệu đồng, mỗi năm người nuôi chừng 5 con dê sinh sản có thể thu lãi trên 50 triệu đồng”.

Về Phước Hậu những ngày tết, tôi được giới thiệu không ít tấm gương nông dân vươn lên nhờ chăn nuôi dê. Ra quân từ ba ngày đầu xuân Ất Mùi, các hộ nuôi dê theo mô hình gia trại đang có xu hướng chuyển dịch dần sang nuôi và tăng đàn dê lai siêu thịt Bachboer. Theo xu hướng này, với sự hợp tác của các doanh nghiệp, nông dân Phước Hậu đang hướng tới tạo dựng thương hiệu cho giống dê lai siêu thịt Bachboer.


Có thể bạn quan tâm

Trái Cây Trồng Chậu Trái Cây Trồng Chậu

Với cách trồng này, các loại cây ăn trái lâu năm chỉ cần một diện tích hẹp để phát triển, người trồng vừa có khoảng xanh trang trí cho không gian sống, vừa được thưởng thức trái cây an toàn.

01/08/2014
Hồ Tiêu Được Mùa, Giá Cao Hồ Tiêu Được Mùa, Giá Cao

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, dự kiến sản lượng tiêu năm nay đạt khoảng 150.000 tấn, tăng 30.000 tấn so với năm ngoái. Giá tiêu hiện dao động khoảng 137.000-140.000 đồng một kg, so với đầu vụ tăng khoảng 20.000 đồng một kg.

14/04/2014
Từ Thịt Bò Úc Đến Đường Của Bầu Đức Từ Thịt Bò Úc Đến Đường Của Bầu Đức

Mỗi khi hàng nước ngoài nhập về cạnh tranh giá với sản phẩm trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thì các doanh nghiệp trong nước lại “la làng”.

14/04/2014
Để Các Đề Tài Khoa Học Thực Sự Tạo “Cú Hích” Cho Phát Triển Để Các Đề Tài Khoa Học Thực Sự Tạo “Cú Hích” Cho Phát Triển

Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) là một yêu cầu vừa mang tính cấp bách và lâu dài nhằm phát huy sáng tạo, phục vụ cho công cuộc phát triển nên thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đến hoạt động này và bước đầu đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà các đề tài khoa học vẫn chưa phát huy tương xứng với tiềm lực, nguồn lực đầu tư của tỉnh.

01/08/2014
Đầu Ra Ế Ẩm, Người Trồng Nấm Lao Đao Đầu Ra Ế Ẩm, Người Trồng Nấm Lao Đao

Trước thông tin nấm không rõ nguồn gốc xuất xứ đội lốt hàng Việt ngang nhiên bày bán trên thị trường, cộng với gần đây dư luận râm ran về những vụ ngộ độc có nguyên nhân từ nấm khiến nhiều người tiêu dùng tẩy chay nấm ăn. Hiện tượng này đã đẩy người trồng nấm lâm vào cảnh điêu đứng vì nấm đến kỳ thu hoạch không có người thu mua, ế đọng, thua lỗ...

14/04/2014