Xử lý vật tư nông nghiệp giả, chất cấm công phá vào 4 mũi
Lật tẩy xưởng phân bón 2.300 đồng/kg
Liên tiếp trong những ngày qua, Thanh tra Bộ NNPTNT phối hợp với cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến vật tư phân bón, an toàn thực phẩm. Cụ thể, chiều nay (20.4), Thanh tra Bộ NNPTNN đã phối hợp với Công an tỉnh Đăk Lăk kiểm tra 2 cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Các chủ cơ sở này đều thừa nhận họ không có đăng ký kinh doanh, không được cấp phép sản xuất phân bón.
Theo mục tiêu Bộ NNPTNT đề ra, trong năm nay, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành điều tra, xử lý và dẹp hết các nguồn cung để sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn. Đồng thời, tiến hành việc hạn chế, tiến tới kiểm soát chất kháng sinh trong chăn nuôi.
Tại cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Ngọc Hoàng (thôn 3, xã Cư Buôr, TP.Buôn Ma Thuột), Đoàn ghi nhận: Thời điểm kiểm tra có 4 công nhân đang làm việc, xưởng sản xuất phân bón không có biển hiệu, không có đăng ký kinh doanh; Nhà sản xuất phân bón là mái tôn tường lửng; có 80 chiếc vỏ bao loại 50kg 2 lớp PE bên ngoài, nylon bên trong in vỏ phân bón hữu cơ vi sinh chuyên dùng cho cà phê, tiêu, in trên cơ sở Công ty TNHH Hoàng Nguyên Cát, 21/1 đường 8 Bình Hưng Hòa, Bình Tân, TP.HCM. Ngày sản xuất 1.3.2016, hạn sử dụng 2 năm, sản xuất tại Xí nghiệp Phân bón Đông Thạnh, 290D Đặng Phúc Vĩnh, Đông Thạnh, Hóc Môn.
Ông Hoàng cho biết, cơ sở sản xuất của ông không có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép sản xuất phân bón. Trao đổi với PV NTNN, ông Hoàng cho biết, gia đình chỉ nhận gia công chứ thực tế không phải là cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, các cơ sở sản xuất phân bón này gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Cùng ngày, Đoàn cũng đã kiểm tra tại cơ sở sản xuất phân bón của ông Nguyễn Thành Cao (cùng địa chỉ). Tại đây, ông Cao cũng thừa nhận cơ sở của mình đã hoạt động hơn 5 năm, không có đăng ký kinh doanh cũng như tất cả các thủ tục liên quan. Theo ông Cao, cơ sở của ông chủ yếu chế biến phân gà và vỏ cà phê và được bán ra ngoài với giá từ 2.300 đồng/kg trở xuống.
Ông Nguyễn Phú Trường- Trưởng phòng Hành chính tổng hợp (Thanh tra Bộ NNPTNN) cho biết: “Theo quy định, tất cả các đơn vị, cá nhân sản xuất phân bón phải đăng ký kinh doanh, đăng ký giấy phép sản xuất và tất các sản phẩm được đưa ra thị trường phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Chúng tôi lựa chọn tỉnh Đăk Lăk là địa bàn trọng điểm của Tây Nguyên vì đây là địa bàn có diện tích trồng cây công nghiệp lớn, chất lượng phân bón sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng”.
Theo ông Trường, sau khi nắm được nguồn tin, lực lượng thanh tra đã phối hợp với Công an tỉnh Đăk Lăk, Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh và chính quyền địa phương kiểm tra 2 cơ sở này. Bước đầu chưa thể khẳng định được vấn đề chất lượng sản phẩm nhưng theo ghi nhận cả 2 cơ sở đều không có giấy phép kinh doanh và không đăng ký giấy phép sản xuất.
Quan sát của chúng tôi cho thấy, các cơ sở sản xuất này đều hết sức tạm bợ và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bở mùi hôi và nước thải từ việc sản xuất.
Tiêu hủy lợn “ăn” salbutamol
Trong khi đó, trao đổi với PV NTNN vào sáng qua 21.4, ông Nguyễn Văn Việt- Chánh thanh tra Bộ NNPTNT cho biết, sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiêu hủy một đàn lợn đầu tiên gồm 11 con của một hộ gia đình ở Tiền Giang do phát hiện lợn có chứa chất cấm.
Đàn lợn bị tiêu hủy có trọng lượng khoảng 50-60kg/con) tại trại chăn nuôi của ông Nguyễn Ngọc Lực ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo. Chi cục Thú y Tiền Giang đã tiêm thuốc gây mê đàn lợn rồi vận chuyển đến nơi tiêu hủy để chôn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo thông tin từ Thanh tra Bộ NNPTNT, đàn lợn này bị phát hiện cho ăn chất cấm sabutamol khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đột xuất ngày 14.4. Đáng chú ý, trại chăn nuôi của ông Lực đã bị phát hiện sử dụng chất cấm tới 3 lần và đã từng bị xử phạt 7,5 triệu đồng.
Sau khi có kết quả xét nghiệm của Trung tâm Thú y vùng 6 đã xác định mẫu này dương tính với chất cấm salbutamol. Mẫu này là của đàn lợn 16 con.
Thông thường, trước đây các đàn lợn được phát hiện dương tính với chất cấm salbutamol được cho nuôi tiếp để đào thải hết chất cấm ra khỏi cơ thể con vật, sau đó sẽ cho giết mổ và tiêu thụ bình thường. Tuy nhiên, theo ông Việt, kể từ bây giờ cứ phát hiện đàn lợn nào có chứa chất cấm, thì sẽ bị tiêu hủy toàn bộ. Ngoài ra, người nuôi cho lợn ăn chất cấm còn bị phạt hành chính bổ sung và từ 1.7, còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thanh tra Bộ NNPTNT cho rằng, chỉ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ như thế này mới chấm dứt được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các trang trại, hộ nuôi hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu gạo thơm, gạo nếp trong những tháng đầu năm nay tăng mạnh đến mức nhiều DN đang khó tìm mua được nguồn hàng để XK. Giá những loại gạo này cũng tăng cao trên thị trường nội địa khi các DN tranh nhau mua.
Việc nâng cao chất lượng đàn bò thịt cao sản địa phương có đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm bò thịt nhập khẩu, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần nhanh chóng triển khai các biện pháp kỹ thuật lai tạo giống mới, mở rộng đồng cỏ và nhân rộng mô hình chăn nuôi công nghiệp…
Anh Trần Đình Tuấn, xóm 1A, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi lợn rừng sạch, mở ra hướng phát triển kinh tế trong chăn nuôi tại địa phương.