Gạo thơm, gạo nếp thiếu nguồn cung
Trong tháng 3 vừa rồi, với dân làm gạo ở ĐBSCL, nóng nhất là chuyện giá gạo nếp tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá gạo nếp đã tăng thêm tới 2.000 đ/kg và hiện đang ở mức từ 12.000 đ/kg trở lên.
Giá gạo thơm cũng tăng, nhưng không mạnh như gạp nếp. Dầu vậy, gạo thơm cũng đã tăng từ 700 - 1.000 đ/kg so với hồi đầu vụ và hiện đang có giá 9.100 - 9.200 đ/kg (giống OM 5451).
Theo ông Lê Thanh Danh, GĐ Chi nhánh Đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu ĐBSCL (TCty Lương thực miền Bắc), giá gạo nếp và gạo thơm tăng mạnh do nhu cầu thu mua XK 2 loại gạo này đang rất cao ở ĐBSCL.
Gạo thơm và gạo nếp đang được XK mạnh nhất sang thị trường Trung Quốc. Thương nhân Trung Quốc đang mua gạo thơm và gạo nếp Việt Nam một cách thường xuyên. Bên cạnh đó, nhu cầu XK gạo thơm sang một số thị trường ở Trung Đông, châu Phi… cũng gia tăng.
Trong khi đó, thông tin từ một số nhà cung ứng gạo XK cho hay sản lượng gạo thơm và gạo nếp năm nay có giảm sút do ảnh hưởng của khô, hạn. Sản lượng giảm trong khi nhu cầu thu mua XK lại tăng mạnh, các doanh nghiệp cung ứng gạo đang cạnh tranh nhau khá gay gắt trong việc thu mua gạo thơm, gạo nếp. Đó là những nguyên nhân khiến cho giá gạo thơm, gạo nếp tăng cao. Nhưng điều đáng ngại hơn là nguồn gạo thơm, gạo nếp bị thiếu hụt đang khiến cho nhiều DN bị hụt chân hàng XK.
Ông Danh cho biết, do giá gạo nếp tăng lên quá nhanh khiến cho nhiều kho và DN XK không xoay xở kịp vốn liếng để thu mua đáp ứng cho các đơn hàng. Đây là điều đáng tiếc khi mà giá gạo nếp đang ở mức khá tốt (gần 500 USD/tấn).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu thu mua gạo thơm, gạo nếp để giao hàng trong thời gian tới là khá lớn. Đến hết tháng 3, dù đã XK gần 1,5 triệu tấn gạo, nhưng các DN XK gạo vẫn còn trong tay trên 1,4 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng XK và sẽ giao hàng trong thời gian tới.
Trong đó, có gần 1,3 triệu tấn gạo ký theo các hợp đồng thương mại, chủ yếu là gạo thơm và gạo nếp. Cụ thể, lượng gạo thơm đã ký hợp đồng để giao trong thời gian tới là 492 ngàn tấn, gạo nếp là 329 ngàn tấn. Đấy là chưa tính tới những hợp đồng mới đang và sẽ tiếp tục được ký kết.
Từ đầu năm đến nay, gạo thơm và gạo nếp đều có sự tăng trưởng mạnh, thậm chí là tăng đột biến (gạo nếp) về XK. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, lượng gạo thơm XK đã đạt 312.151 tấn và gạo nếp 149.017 tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo thơm XK trong 3 tháng qua tăng tới 67,58%, còn gạo nếp tăng 200,16% (là mức tăng cao nhất trong các loại gạo XK). Nhờ có sự tăng trưởng mạnh nên trong cơ cấu gạo XK, gạo thơm và gạo nếp đều chiếm tỷ trọng đáng kể: gạo thơm chiếm 21,89% và nếp chiếm 10,45%.
XK gạo thơm tăng mạnh là do nhu cầu NK gia tăng từ châu Phí và Trung Quốc. Trong đó, tháng 3 là tháng XK gạo thơm mạnh nhất với 152.000 tấn, chủ yếu đi Trung Quốc và Ghana. Đây là mức XK kỷ lục của 1 tháng đối với gạo thơm trong 3 năm trở lại đây.
Còn sự gia tăng tới mức đột biến của gạo nếp, chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc. Trong cả năm 2015, Trung Quốc đã NK khoảng 391.800 tấn gạo nếp từ Việt Nam (giảm 5,9% so năm 2014). Nhưng riêng trong tháng 3 vừa rồi, Việt Nam XK 118.000 tấn gạo nếp thì có tới 114.000 tấn đi Trung Quốc.
Trong 3 tháng đầu năm nay, như đã nói ở trên, lượng gạo nếp XK đã đạt 149.017 tấn, ngoài ra còn 329.000 tấn gạo nếp đã ký hợp đồng. Do đó, đến giờ này đã có thể khẳng định XK gạo nếp trong cả năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm
Ông John Ramsay, Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Syngenta vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Nhân dịp này, PV NTNN đã phỏng vấn ông về chương trình hành động của Syngenta trong việc phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.
Mới đây, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) Phú Yên đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và hợp tác các khu NNCNC năm 2016.
Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị để xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.