Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Xử lý sâu bệnh trên lúa bằng nấm xanh

Xử lý sâu bệnh trên lúa bằng nấm xanh
Tác giả: Chúc Ly (TTV)
Ngày đăng: 10/12/2016

Bên cạnh việc hạn chế sử dụng thuốc hóa học thì việc tăng cường áp dụng các biện pháp sinh học, đặc biệt, dùng nấm xanh (Metarhizium anisopliae) để quản lý các loài sâu, rầy hại lúa ngày càng được chú ý. Đây là giải pháp được nhiều nông dân tại Hậu Giang áp dụng, mang lại hiệu quả tích cực và bền vững.

Trong ảnh: Nông dân xã Hòa An đang được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng nấm xanh. Ảnh: Chúc Ly

Từ năm 2000 đến nay, Trường Đại học Cần Thơ, Chi cục BVTV các tỉnh đã và đang chuyển giao quy trình sản xuất nấm xanh đến người dân ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, dùng phòng trừ rầy nâu hại lúa. Tỉnh Hậu Giang, hàng năm có từ 18-20 cuộc chuyển giao quy trình sản xuất nấm xanh đến người dân.

Vào năm 2010, chế phẩm nấm xanh bắt đầu được áp dụng thí điểm ở một số địa phương trong tỉnh Hậu Giang như: huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp. Tại huyện Phụng Hiệp, qua quá trình thực hiện thí điểm, nhiều nông dân nhận thấy, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt sâu, rầy rất dễ kháng thuốc, có chi phí cao, gây mất cân bằng sinh thái và làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nông dân. Trong khi đó, sử dụng nấm xanh để diệt rầy nây lại có được hiệu quả kéo dài, không kháng thuốc, giữ được cân bằng sinh học, không gây ảnh hưởng môi trường và sức khỏe mà chi phí rất thấp.

Ông Nguyễn Phước Huệ, ngụ xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Qua sử dụng nấm xanh trong vụ hè thu vừa rồi tôi thấy nấm xanh phòng trừ rầy nâu, sâu hại mang lại hiệu quả rất cao. Hơn nữa, khi xử lý nấm xanh, lúa phát triển tươi tốt, ít sâu bệnh, năng suất ổn định, trong khi chi phí  lại thấp nên có lợi cho nông dân. Mỗi vụ chỉ cần phun xịt 2 lần, phun lần 1 để tạo nguồn nấm vào lúc 25-30 ngày sau sạ, phun lần 2 vào lúc 45-50 ngày sau sạ”.

Theo ông Huệ, với diện tích 1ha, ông chỉ tiêu tốn khoảng 70.000 đồng chi phí khi sử dụng nấm xanh. Còn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi vụ ít nhất phảit tốn khoảng vài triệu đồng mà lại không an toàn. Do vùng đất nơi đây trũng thấp nên nông dân vùng này thường làm được 2 vụ lúa trong năm, riêng vụ thu đông thì thả nuôi cá ruộng vì vậy việc sử dụng nấm xanh không gây hại đến cá dưới ruộng.

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phụng Hiệp khuyến cáo người dân cần lưu ý nấm xanh sử dụng tốt nhất ở giai đoạn ủ từ 10-15 ngày, vì thế cần chủ động trong việc sản xuất, phun xịt đạt hiệu quả cao nhất. Một bọc nấm xanh 500gr pha cho 8 bình loại 8 lít sử dụng phun cho 2 công đất (2.000 m2), tương đương 1ha/5 bọc, mỗi bình xịt 8 lít pha thêm 5cc chất bám dính để sau khi phun, giúp meo nấm bám dính trên cây lúa.  Ông Trần Văn Xinh - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Để việc sử dụng nấm xanh đạt hiệu quả cao, thời gian qua, đơn vị thường xuyên mở các lớp tập huấn giúp người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự sản xuất nguồn nấm xanh chất lượng. Hiện có 2 xã Hòa An và Phương Phú đã áp dụng sử dụng chế phẩm nấm xanh phun xịt cho ruộng lúa, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trong thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục nhân rộng khoảng 500 đĩa nấm gốc và khuyến khích người dân tham gia mô hình sử dụng nấm xanh, để tiến tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn liền bảo vệ môi trường sinh thái.


Có thể bạn quan tâm

TP.HCM: Chưa thể cầm điện thoại “quét” thịt sạch TP.HCM: Chưa thể cầm điện thoại “quét” thịt sạch

Từ 16.12, người Sài Gòn mới có thể soi thịt sạch bằng smartphone tại các kênh phân phối hiện đại.

09/12/2016
Từ người làm thuê thành ông chủ nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Từ người làm thuê thành ông chủ nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân

Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều hội viên, nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, liên kết với nhau trong sản xuất.

10/12/2016
Vì sao dân chê bắp giống hỗ trợ sau hạn? Vì sao dân chê bắp giống hỗ trợ sau hạn?

Bắp giống LVN10 theo nhiều người dân phản ánh, đây là giống bắp kém chất lượng, năng suất thấp, bà con đã không trồng từ 10 năm nay…

10/12/2016