Vì sao dân chê bắp giống hỗ trợ sau hạn?
Sau hạn hán, người dân tại xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa (Gia Lai) được hỗ trợ hơn 9 tấn bắp giống LVN10, với tổng trị giá gần 700 triệu đồng. Tuy nhiên theo nhiều người dân phản ánh, đây là giống bắp kém chất lượng, năng suất thấp, bà con đã không trồng từ 10 năm nay…
Trong ảnh: Nhiều ruộng ngô ở xã Ia Rsươm gần đến lúc thu hoạch nhưng bắp chỉ to hơn ngón chân cái, hạt rất bé. Ảnh: Đ.N
Sắp thu hoạch, bắp chỉ bằng ngón chân cái
Từ trước đến nay, bà con rất chuộng giống LVN 10. Tuy nhiên tại địa phương báo phản ánh, giống LVN10 cho sản lượng thấp, có thể do người dân trồng không đúng thời điểm, mùa vụ, thời tiết không phù hợp. Đặc biệt lúc bắp ra hoa có thể gặp phải thời tiết không tốt nên ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn”. Ông Trần Như Khoát
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quang Đằng – Trưởng thôn Quỳnh Phú cho biết, gia đình ông được hỗ trợ hơn 70kg bắp giống do có 2ha cây trồng bị thiệt hại vì hạn. Ông đã tiến hành xuống giống trên 1ha đất vườn, tuy nhiên đã sắp đến ngày thu hoạch mà trái bắp mới chỉ to bằng ngón chân cái và không hề có hạt.
Tương tự, ông Chu Văn Nghĩa (cùng thôn Quỳnh Phú) cho biết: “Gia đình tôi đã sử dụng giống bắp LVN 10 do chính quyền hỗ trợ để trồng trên 1ha đất vườn. Từ ngày gieo hạt đến nay đã sắp được 3 tháng mà trái bắp vẫn không có hạt. Gia đình tôi đành phá vườn bắp cho bò ăn để dọn vườn, trồng giống bắp khác. Tôi cùng nhiều hộ gia đình đã tính đem số hạt giống còn dư đi bán để lấy tiền mua giống khác, nhưng các đại lý cũng ngại mua vì loại giống bắp này đã lỗi thời rồi. Bỏ thì thương, vương thì tội nên gia đình tôi đang chất đống gần 1 tạ bắp giống trong nhà kho”.
Anh Nguyễn Thành Giang - người được hỗ trợ 197kg giống bắp cũng than thở: Gia đình tôi xuống giống 60kg bắp. Đã mất công cày bỏ vườn mì do hạn hán, giờ trồng giống bắp được hỗ trợ mà không cho trái nên lại phải tiếp tục cày bỏ. Mới tính riêng tiền thuê nhân công trồng đã mất gần 5 triệu đồng rồi. Nhà nông chúng tôi đã bị lỗ nặng vì gặp hạn, nay trồng bắp mà hạt giống không đảm bảo lại lỗ thêm…
Một số người khác vì biết trước giống bắp này cho năng suất thấp nên không muốn trồng, sợ sẽ lỗ nặng. Theo tính toán của bà con, 1ha bắp đầu tư hết khoảng 20 triệu đồng, gồm tiền thuê nhân công làm đất, thuê máy cày, chi phí phân bón… Một số hộ sau khi nhận hạt giống hỗ trợ đã bán lại cho các đại lý với giá chỉ 5.000 đồng/kg, tuy nhiên sau đó do không tiêu thụ được nên các đại lý cũng ngừng mua.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Học - Bí thư Chi bộ thôn Quỳnh Phú - xã Ia Rsươm cho rằng, việc hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán bằng hạt bắp giống tại địa phương đang nảy sinh bất cập, bởi bà con chỉ được hỗ trợ loại giống bắp LVN 10, trong khi theo người dân, giống bắp LVN 10 đã được trồng từ cách đây hơn 10 năm. Thực tế cho thấy, vì loại giống này không cho năng suất cao nên người dân đã chuyển sang trồng giống bắp mới từ lâu…
Nhà sản xuất nói gì?
Cũng theo ông Học, giống bắp trên do Công ty Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam sản xuất. Mỗi hộ gia đình có cây trồng bị thiệt hại do hạn hán sẽ được hỗ trợ 37kg giống bắp cho 1ha. “Chính sách hỗ trợ người dân vùng bị hạn hán là rất cần thiết, nhưng cần hỗ trợ làm sao cho hiệu quả, tránh lãng phí và giúp bà con sớm khôi phục sản xuất” – ông Học nói.
Không chỉ riêng xã Ia Rsươm, một số xã khác trên địa bàn huyện Krông Pa khi trồng giống LVN 10 đều cho năng suất không cao. Ông Ksor Ju - Chủ tịch UBND xã Ia HDréh xác nhận loại giống bắp LVN 10 không thích hợp với khí hậu tại địa phương nên cho năng suất thấp. “Ở địa phương này dùng giống LVN 10 không phù hợp. Thực tế cho thấy khi cây bắp đến thời kì thu hoạch, trái bắp có cho hạt nhưng hạt không đều, lưa thưa”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Xuân Duyên – Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Pa cho rằng: Giống bắp LVN10 có nhiều công ty sản xuất, nên chất lượng cũng khác nhau. Giống bắp này có thể năng suất không cao bằng các giống khác nhưng ưu điểm là chịu được hạn, kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Tuy vậy, ông Duyên cho rằng khi ngành chức năng có quyết định hỗ trợ hạn hán giúp bà con thì cũng cần phải hỗ trợ sao cho sát với nhu cầu thực tế của từng địa phương. Ngoài hạt giống bắp, lúa, có thể hỗ trợ bằng phân bón thì sẽ rất thiết thực với bà con…
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại về thực trạng nói trên, ông Trần Như Khoát - Trưởng phòng sản xuất Công ty Giống cây trồng Nông lâm nghiệp Quảng Nam (thuộc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam) cho biết: “Giống bắp LVN10 này do công ty sản xuất. Chúng tôi cung cấp giống này cho nhiều địa phương, trong đó có địa bàn Gia Lai. Từ trước đến nay, bà con rất chuộng giống LVN 10. Tuy nhiên tại địa phương có phản ánh, giống LVN10 cho sản lượng thấp, có thể do người dân trồng không đúng thời điểm, mùa vụ, thời tiết không phù hợp. Đặc biệt, lúc bắp ra hoa có thể gặp phải thời tiết không tốt nên ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn. Thêm nữa, cũng có thể giống này không phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương… Tuy nhiên, khi người dân đã phản ánh, chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm và sau này bà con cũng không nên dùng giống này nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Những hộ trồng được vài công ổi, mỗi ngày có thu nhập cả triệu đồng. Từ khi có cây ổi, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định...
Nông dân phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đang tích cực chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập.
Các giống gạo hữu cơ đang được nông dân tại Thái Lan hướng tới. Gạo hữu cơ tại Thái Lan cũng đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.
Đây là loại rau không bám đất bùn, sống và phát triển tốt trên mặt nước, vì thế gieo trồng cũng khá đơn giản. Sau nửa tháng giâm đọt, rau ra rễ, vườn tược
Rầy, sâu đục thân 2 chấm, ốc bươu vàng,… hại nhẹ trên mạ chiêm, lúa gieo sạ. Sâu đục thân, chuột, đốm lá,… hại trên ngô.