Xử lý phèn trong nuôi tôm
Nguyên nhân đất phèn
Quá trình hình thành đất phèn là do các chất hữu cơ bị tích tụ phân huỷ trong điều kiện yếm khí có các tập đoàn vi khuẩn khử sunfua, chúng chuyển hoá các hợp chất lưu huỳnh (trong thực vật, trong đất, trong nước biển) thành dạng khí sunfua hydro (H2S), khí này thâm nhập vào nước ngầm và kết hợp với sắt (II) tạo thành sắt sunfua và tiếp tục chuyển hoá thành sắt bisunfua (pyrit, FeS2) dạng tinh thể với phản ứng sau:
2CH2O (hữu cơ) + SO42- → H2S + 2HCO3-
Fe(OH)2 + H2S → FeS + H2O
FeS + S → FeS2 (pyrit)
Việc rút nước quá cạn hay vào mùa khô hạn sẽ làm cho đất nứt nẻ, không khí theo các đường nứt này di chuyển xuống dưới tầng đất có chứa phèn tiềm tàng, do trong không khí có ôxy nên khi được tiếp xúc với không khí sẽ xảy ra quá trình oxy hoá pyrit và sinh ra axit sunfuaric:
4FeS2 (pyrit) + 15O2 + 14H2O → 4Fe(OH)3 + 8SO42- + 16H+
Ảnh hưởng
Tôm bị mềm vỏ kéo dài. Ao bị nhiễm phèn lượng canxi và khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo vỏ luôn bị thiếu hụt. Vì vậy việc bổ sung vôi vào những ao bị phèn cần một lượng rất lớn và hợp chất tạo thành là thạch cao không có lợi nhiều cho ao nuôi.
Tôm lột xác không hoàn toàn dẫn đến tỷ lệ sống rất thấp.
Tôm chậm lớn, màu sắc kém. Trong môi trường ao nuôi bị nhiễm phèn, pH thấp sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các ao khác không nhiễm phèn, sắc tố kém… quá trình hô hấp với tần suất cao làm tôm tiêu hao năng lượng lớn, các hoạt động của enzyme ngừng trệ, hấp thu khoáng chất kém dẫn đến khả năng tăng trưởng của vật nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Tôm sống trong vùng đất nhiễm phèn thì quá trình hô hấp tăng cao vì khả năng gắn kết giữa ôxy và hemoglobin giảm do đó sẽ tiêu hao nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp, giảm sức tăng trưởng, sinh sản…
Nồng độ pH thấp làm cho lượng khí H2S trở nên độc hơn gây ức chế cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa ôxy của tôm nuôi làm cho tôm nuôi chậm lớn, màu sắc kém mất giá.
Khi ao nhiễm phèn pH thấp thì các ion như Fe2+, Al3+ sẽ kết hợp với phốt pho (có trong phân lân) tạo thành hợp chất khó tan, hạn chế dinh dưỡng cho tảo phát triển gây nên hiện tượng khó gây màu nước ao nuôi.
Giải pháp
Không nên phơi khô nền đáy ao quá lâu đối với ao nhiễm phèn tiềm tàng. Các vết nứt trên nền đáy ao tạo điều kiện cho ôxy vào và ôxy hóa pyrit sắt. Khi cấp nước vào sẽ giải phóng hợp chất này ra khiến cho việc xử lý trở nên khó hơn. Tốt nhất là nên cải tạo ướt, xổ xả liên tục. Nếu có cày đáy ao thì cày ướt và ngâm nước liền. Nếu phơi nền đáy ao thì chỉ phơi khô đến nứt chân chim.
Bón vôi đáy ao: nhằm mục đích nâng pH đáy, khử phèn và tạo hệ đệm cho đáy. Nên bón vôi vào buổi chiều mát và cấp nước vào sáng ngày hôm sau. Không nên phơi đáy ao quá lâu.
Đối với những ao nuôi có đất bị nhiễm phèn, khi cải tạo cần dùng giấy quỳ để kiểm tra pH của đáy ao hoặc nhai trầu rồi nhổ xuống bùn đáy ao, nếu nước trầu vẫn đỏ tươi chứng tỏ pH trong ngưỡng phù hợp (7 - 8); nếu nước trầu chuyển từ màu đỏ sang màu thẫm hoặc tím chứng tỏ nền đáy bị xì phèn cần tăng lượng vôi nông nghiệp CaO bón xuống ao, liều lượng 15 - 18 kg/100 m2.
Cần dùng bạt phủ kín và từ đáy ao lên mặt bờ xung quanh ngăn không cho nước mưa thấm qua bờ tràn xuống, hoặc đắp gờ đất ngăn không cho nước mưa chảy trực tiếp xuống ao. Sau khi trời mưa, cần nhấc cánh phai phía trên của cống thoát để tháo bớt lượng nước ở tầng mặt tránh sốc pH cho tôm, cá.
Đầm nén bờ chắc chắn và giữ mực nước ao cân bằng với mương nước hoặc ao xung quanh, tránh mực nước thấp, xì phèn sẽ rò rỉ, thẩm lậu theo nước vào ao. Trong quá trình nuôi, sử dụng vôi bột hoặc vôi tôi hòa loãng với nước té đều xuống ao, liều lượng 0,5 - 10 kg/1.000 m2, định kỳ 20 ngày/lần, trước khi trời mưa nên rải vôi quanh bờ ao với liều lượng 10 kg/1.000 m2. Thường xuyên dùng hộp giấy quỳ đo pH của nước, mức thích hợp cho tôm cá sinh trưởng và phát triển 6,5 - 7,5, nếu thấp hơn ngưỡng cho phép thì phải té vôi ngay liều lượng 1 - 2 kg/100 m2.
Ở những ao bị xì phèn, nước có độ trong cao, ao nghèo dinh dưỡng, tảo không phát triển. Vì vậy, nên thay nước cũ thêm nước mới vào hoặc dùng vôi Dolomite liều lượng 20 - 30 kg/1.600 m2, bón 2 ngày 1 lần, trong vòng 20 ngày đầu để gây và giữ màu nước cho ao nuôi.
Đối với ao nuôi tôm, khi pH hạ thấp ngoài dùng vôi, người nuôi còn có thể sử dụng sản phẩm Sitto Thio 5.000, liều lượng 1 lít/300 m3 nước và kết hợp thêm Zeolite 10 kg/1.000 m3 nước để ổn định môi trường nước.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài khả năng cải thiện chất lượng nước ao nuôi thì mới đây, rong sụn được biết đến với vai trò nguyên liệu tiềm năng giúp tôm kháng lại chủng vi khuẩn Vibria.
Kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong ao vô cùng quan trọng. Bởi đây là yếu tố quyết định đến sinh trưởng, phát triển, cũng như khả năng đề kháng bệnh tôm.
Để sản xuất con giống có chất lượng tốt nhất, các cơ sở cần tuân thủ đúng quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học.