Giải pháp nâng cao chất lượng nước
Xử lý nước trước khi thả nuôi
Cần lựa chọn nguồn nước sạch cho vào ao lắng. Nước từ nguồn cấp qua lưới lọc để hạn chế rác, các loại tôm, cá tạp xâm nhập vào ao. Giữ nước trong ao lắng khoảng 10 - 20 ngày. Thời gian lắng càng lâu càng hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện vùng nuôi bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPNS). Nếu không có ao lắng thì có thể sử dụng ao nuôi làm ao lắng. Trong thời gian này, chạy quạt nước giúp cung cấp thêm ôxy hòa tan, thúc đẩy quá trình phân hủy của vật chất hữu cơ.
Tiếp theo, bơm nước qua túi lọc bằng vải kate để loại bỏ địch hại, sinh vật cạnh tranh hoặc vật chủ trung gian mang mầm bệnh như cua còng, tôm, tép… vào ao. Mực nước ao nuôi thích hợp nằm trong khoảng 1,3 - 1,5 m. Sau 3 ngày chạy quạt nước, tiến hành diệp tạp. Người nuôi có thể sử dụng bột bã trà (Saponin), rễ cây thuốc cá (Rotenone) hoặc các loại hóa chất chuyên dùng. Liều lượng và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hai ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ mầm bệnh có trong nước ao.
Những hóa chất diệt khuẩn được dùng phổ biến hiện nay như Chlorine, TCCA, BKC, thuốc tím KMnO4, Formol, Iodine hay PVP-Iodine… Trong đó, Chlorine được dùng phổ biến nhất với liều xử lý là 25 - 30 ppm nếu pH nước <7,5. Tuy nhiên, liều lượng này có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ có trong nguồn nước và độ pH của nước. Độ pH càng cao, hàm lượng chất hữu cơ càng nhiều thì cần phải tăng liều xử lý. Sau đó tiến hành gây màu nước. Hiện, có nhiều phương pháp để người nuôi lựa chọn như gây màu nước bằng phương pháp vô cơ, hữu cơ hay chế phẩm EM cũng được sử dụng rộng rãi.
Duy trì yếu tố môi trường
Ôxy hòa tan: Luôn đảm bảo hàm lượng ôxy thích hợp từ 4 mg/l trở lên. Ao nuôi cần bố trí đầy đủ hệ thống quạt nước và chạy thường xuyên để cung cấp đầy đủ ôxy. Không bón phân quá liều lượng hoặc cho ăn quá dư thừa để tránh hiện tượng tảo phát triển quá nhiều gây thiếu ôxy. Khi ôxy quá thấp, cần sử dụng H2O2 dạng dung dịch với lượng 1 - 2 mg/lít tạt đều khắp bề mặt ao hoặc bón CaO2 dạng hạt vào đáy ao theo liều lượng 25 - 100 g/m2.
Nhiệt độ: Tôm thuộc loài máu lạnh nên nhiệt độ cơ thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ thích hợp cho ao nuôi dao động 20 - 300C, nên duy trì mực nước để ổn định nhiệt độ nước. Ngoài ra, người nuôi phải chạy sục khí để ngăn sự phân tầng nhiệt trong ao và giữ đáy ao sạch bằng chế độ cho ăn hợp lý. Tránh cho tôm ăn ban đêm vì tôm sử dụng thức ăn không tốt khi nhiệt độ thấp. Mùa hè, dùng lưới chống nắng hoặc bạt căng phía trên mặt ao để hạn chế tăng nhiệt độ nước ao.
Độ pH: Hàng ngày nên kiểm tra pH vào thời điểm 6 giờ sáng và 14 giờ chiều, cần đảm bảo pH dao động trong ngày không quá 0,5 đơn vị. Duy trì pH trong ngưỡng thích hợp (7,5 - 8,5), nếu thấp hơn 7,5 vào buổi sáng, bón vôi CaCO3 với lượng 7 - 10 kg/1.000 m3. Còn nếu pH tăng cao trên 9 có thể dùng phèn nhôm Al2(SO4)3 để hạ pH xuống hoặc dùng thuốc diệt tảo CuSO4.5H2O nhằm ức chế quá trình quang hợp của tảo.
Độ kiềm: Định kỳ kiểm tra 1 lần/tuần, duy trì ở mức 80 - 120 mg CaCO3/lít. Khi tôm lột xác, cần kiểm tra độ kiềm để bổ sung vôi kịp thời. Duy trì độ kiềm bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomit. Tôm thẻ chân trắng là loài cần nhiều khoáng để sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, người nuôi có thể thường xuyên tạt khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 - 5 ngày/lần giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.
Độ mặn: Tôm thẻ chân trắng yêu cầu độ mặn khoảng 5 - 35‰, dao động trong ngày không quá 5‰. Vào thời điểm mưa lớn, độ mặn thường giảm do vậy khi có dự báo có mưa lớn và kéo dài, chủ động lấy nước biển vào ao.
Kiểm soát khí độc và chất thải
Hàm lượng khí độc trong ao tôm (NH3, H2S…) vượt quá ngưỡng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm trên tôm. Quá trình phát sinh và hình thành khí độc là do trong ao tồn tại nhiều hợp chất hữu cơ. Để hạn chế tình trạng này, người nuôi cần sử dụng Yucca 20 - 25 ngày/lần từ lúc thả đến thời điểm tôm được 45 - 50 ngày tuổi; và 7 - 15 ngày/lần đối với tôm nuôi lớn hơn 50 ngày tuổi. Mức độ sử dụng Yucca tùy thuộc vào chất lượng nước trong ao, nếu chất lượng nước ao kém thì nên định kỳ xử lý 1 lần/tuần với tôm nuôi lớn hơn 45 ngày tuổi.
Ngoài ra, ao nuôi cần được đầu tư hệ thống quạt nước, sục khí phù hợp và nâng dần công suất lên theo thời gian nuôi. Đặc biệt, lưu ý bổ sung thêm quạt nước ở các tháng thứ 2 và thứ 3, khi mà lượng chất thải ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, sử dụng chế phẩm vi sinh hàng ngày để cải thiện tốc độ chuyển hóa của vật chất trong ao, giúp cho môi trường được sạch và ổn định.
Khi ao nuôi có dấu hiệu bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoặc được cán bộ kỹ thuật xác nhận là bị nhiễm khuẩn thì có thể sử dụng BKC liều 0,3 ppm hoặc Iodine liều 1,5 - 2,5 lần so với hướng dẫn trên bao bì của sản phẩm. Lưu ý, sử dụng Iodine vào buổi tối và chỉ tạt vi sinh 2 ngày sau khi diệt khuẩn. Nếu cần thay nước hoặc cấp bù thì cần xử lý kỹ nguồn nước vào. Trường hợp gấp, có thể dùng BKC 80 khử trùng với liều 0,5 ppm.
Xử lý khi điều kiện bất lợi
Trong quá trình nuôi, có thể xuất nhiện nhiều trường hợp thời tiết xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cũng như sức khỏe tôm. Vì vậy, người nuôi cần chủ động trong các tình huống để có những điều chỉnh kịp thời. Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, tảo xuất hiện vào ban ngày thì ban đêm sẽ xuất hiện tình trạng thiếu ôxy trong nước, dẫn đến tôm nổi đầu. Nếu tảo phát triển quá mạnh, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5, cần tiến hành thay tối thiểu 30% lượng nước trong ao, hòa tan 2 - 3 kg đường cát/1.000 m2 và tạt đều ao vào lúc 9 - 10 giờ sáng; đồng thời chạy quạt, sục khí liên tục trong vài giờ.
Mưa lớn kéo dài là điều kiện để vi khuẩn có hại gây bệnh thường bùng phát theo sự tích tụ hữu cơ trong ao. Do đó, thời điểm này, cần sử dụng chất diệt khuẩn để giảm mật độ vi khuẩn. Lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng và trước khi sử dụng phải kiểm tra sức khỏe của tôm. Dùng mật rỉ đường riêng lẻ hoặc kết hợp với men vi sinh với liều lượng 2 - 3 kg/100 m3, định kỳ 5 - 7 ngày nhằm kích thích vi khuẩn có lợi trong ao phát triển, tăng cường phân giải các chất hữu cơ.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh đóng rong trên tôm nước lợ do động vật nguyên sinh, vi khuẩn dạng sợi, tảo bám, vi nấm... Mặc dù không gây ra tình trạng tôm chết hàng loạt
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn đọc về cách nhận biết các bệnh thường gặp ở tôm sú.
Ngoài khả năng cải thiện chất lượng nước ao nuôi thì mới đây, rong sụn được biết đến với vai trò nguyên liệu tiềm năng giúp tôm kháng lại chủng vi khuẩn Vibria.