Xử Lý Chưa Nghiêm, Vi Phạm Tràn Lan
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất đai, đào hồ nuôi tôm trái phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương xử lý thiếu kiên quyết nên vi phạm diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi trong tỉnh bị bỏ ngỏ nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
NHIỀU VI PHẠM
Theo Sở TN-MT, khu vực sông Ngọn, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) hiện có 101 hộ nuôi tôm trên diện tích hơn 66ha nhưng chưa được xác định nguồn gốc sử dụng đất mặt nước. Trước đây, UBND xã Hòa Hiệp Nam đã cho phép các hộ gia đình này sử dụng diện tích mặt nước dọc theo 2 bờ sông Ngọn để nuôi trồng thủy sản.
Theo sổ mục kê và bản đồ đo đạc năm 1993 thì diện tích hiện nay của 101 hộ nuôi tôm không thể hiện trong bản đồ. Còn đối với Công ty TNHH Asian Hawai, UBND tỉnh đã có quyết định cho thuê quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản tại xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) với diện tích gần 500.000m2.
Tuy nhiên, giám đốc công ty này đã chết, hiện công ty chưa có người đại diện theo pháp luật để lập các thủ tục về đất đai theo quy định. Xã An Mỹ (huyện Tuy An) có 6 hộ phá rừng phòng hộ để nuôi tôm với diện tích hơn 9.700m2.
Khu vực dọc bờ biển xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) cũng có 30 hộ nuôi tôm lấn chiếm đất rừng phòng hộ với diện tích hơn 148.400m2. Tại phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), qua kiểm tra có 15 hồ của 3 hộ nuôi tôm với diện tích hơn 40.500m2 được thuê quyền sử dụng đất đến cuối năm 2007.
Tuy nhiên, Nhà nước chưa có quyết định thu hồi nên các hộ này tiếp tục sử dụng số diện tích trên và nuôi tôm cho đến nay. Tại phường 6 (TP Tuy Hòa), 2 hộ nuôi tôm với diện tích hơn 10.500m2, được UBND phường 6 cho thuê mặt bằng nuôi tôm từ năm 2002 đến năm 2003 nhưng các hộ này vẫn tiếp tục nuôi tôm cho đến nay.
Khu vực nuôi tôm dọc bờ biển xã An Phú (TP Tuy Hòa), vào năm 2004, UBND huyện Tuy An có quyết định cho một hộ gia đình thuê quyền sử dụng đất thời hạn 1 năm với diện tích hơn 11.000m2. Hiện khu đất này lại có 3 hộ nuôi tôm với diện tích hơn 17.000m2. Mặc dù không được gia hạn hoặc cho thuê đất sau khi hết thời hạn nhưng các hộ này vẫn tiếp tục nuôi tôm cho đến nay.
Trong tháng 6/2014, Sở TN-MT phối hợp với các địa phương ven biển kiểm tra tình hình sử dụng đất và công tác chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi tôm cao triều.
Qua kiểm tra, tại khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) có 11 hộ nuôi tôm cam kết bảo vệ môi trường và được UBND huyện phê duyệt, nhưng tất cả các hộ này chưa thực hiện đúng cam kết. Trong khi đó, Công ty TNHH Asian Hawai nuôi tôm cao triều tại xã Hòa Hiệp Bắc đã nhiều năm nhưng chưa thực hiện việc báo cáo định kỳ hàng năm trong quá trình khai thác, sử dụng nước mặt và xả nước thải ra môi trường.
Tại xã Xuân Bình (TX Sông Cầu), một hộ nuôi tôm cao triều với diện tích 1.600m2 đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa được Phòng TN-MT thống nhất vì chưa bảo đảm. Còn tại xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) có một hộ nuôi tôm cao triều xây dựng hệ thống xử lý nước thải do Phòng TN-MT thị xã hướng dẫn nhưng chưa lập các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định.
Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Qua kiểm tra đợt này, đoàn công tác phát hiện đa số các hộ nuôi tôm cao triều trên địa bàn tỉnh chưa lập các thủ tục bảo vệ môi trường theo quy định, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nước thải nuôi tôm bị thải trực tiếp ra môi trường nước biển hoặc cho thấm trực tiếp vào lòng đất, có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Đối với tình hình sử dụng đất nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm cao triều), hiện nay chưa có quy hoạch chi tiết nên việc quản lý, sử dụng đất tại địa phương chưa được chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sử dụng một số hồ nuôi tôm chưa đúng quy định về đất đai.
Sở TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng các địa phương ven biển kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tình hình sử dụng đất và bảo vệ môi trường đối với các hộ nuôi tôm.
SẼ KIÊN QUYẾT XỬ LÝ
Theo UBND huyện Tuy An, địa phương đã lập biên bản vi phạm và tổ chức cưỡng chế đối với các hộ ở xã An Mỹ phá rừng phòng hộ để nuôi tôm từ tháng 3/2014. Đối với 30 hộ ở xã An Ninh Đông lấn chiếm đất rừng phòng hộ để nuôi tôm với diện tích hơn 148.400m2, UBND huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế nhưng chưa thực hiện được.
Còn theo UBND huyện Đông Hòa, hiện nay, tại khu vực hạ lưu sông Ngọn xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân tự ý nạo vét, hút cát, đắp bờ làm hồ nuôi thủy sản, có khả năng gây sạt lở rừng phi lao phòng hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến Khu tái định cư Phú Lạc.
Ông Nguyễn Phi Hổ, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: “Huyện ủy và UBND huyện ban hành các chỉ thị nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý nạo vét, hút cát làm hồ nuôi thủy sản trái phép tại khu vực sông Ngọn.
Theo đó, Phòng TN-MT huyện chủ động phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời kiểm tra tính pháp lý trong việc giao đất, cho thuê đất tại đây để xử lý theo hướng không cho nuôi thủy sản, trả lại hiện trạng để tàu thuyền ra vào tránh trú bão…”.
Mới đây, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cũng chỉ đạo xử lý nghiêm việc lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép tại các địa phương ven biển. Về môi trường khu vực nuôi tôm, trước mắt, tỉnh thống nhất hướng xử lý như đề xuất của Sở TN-MT và giao cho chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm và yêu cầu phải khẩn trương khắc phục; giao Sở TN-MT thường xuyên theo dõi, kiểm tra và có báo cáo cho UBND tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở TN-MT nghiên cứu, tham mưu tỉnh ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép để xử lý, ngăn chặn các vi phạm và lập hồ sơ làm cơ sở xử lý sau này liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi cần thiết; xử lý trách nhiệm đối với chính quyền và cán bộ trực tiếp thiếu trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ…
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang có chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt số trang trại, gia trại chăn nuôi sản xuất quy mô ngày càng tăng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi ngày càng được người dân quan tâm ứng dụng.
Vừa qua, tại UBND xã Dậu Dương, Trạm Khuyến nông huyện Tam Nông phối hợp với Công ty cổ phần Đại Thành tổ chức hội nghị tổng kết, tham quan đầu bờ mô hình trình diễn giống lúa lai GS55, GS19, được thực hiện trên đất 2 lúa thuộc khu 7, xã Dậu Dương.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng của nông dân thị xã Phú Thọ ngày càng phát triển rộng khắp. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của nông dân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Thời tiết đang ngày càng khó đoán, nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng giá, điệp khúc được mùa mất giá tái diễn… khiến nông dân sản xuất rau màu thêm khó khăn. Tại vựa rau Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc), nơi được xem là có điều kiện thuận lợi để nông dân sản xuất rau màu cũng gặp cảnh khó khăn.
Cấy lúa kém hiệu quả khiến nhiều nông dân Hải Dương chán ruộng, bỏ ruộng rồi bán ruộng với mức giá nhiều khi 1m2 chỉ ngang 1 bát phở.