Xây Dựng Vùng Rau An Toàn
Châu Thành (Tiền Giang) được xem là “vương quốc rau” của tỉnh và đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên triển khai mô hình sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, qua hơn 10 năm từ khi mô hình đầu tiên được triển khai quá trình xây dựng vùng rau an toàn vẫn loay hoay tìm hướng đi.
Người đeo bám, người bỏ ngang
Chú Phan Văn Mười (ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa) là một trong những nông dân tham gia mô hình trồng rau an toàn đầu tiên trên địa bàn huyện cho biết, 10 năm qua chú tham gia nhiều mô hình, dự án rau an toàn khác nhau. Thường các mô hình khi triển khai khá rầm rộ với các hoạt động hỗ trợ chi phí, tập huấn, hội thảo, kiểm tra mẫu rau theo định kỳ… nhưng sau khi mô hình, dự án kết thúc mỗi người lại làm một kiểu.
Người có ý thức thì tiếp tục áp dụng quy trình, còn những người chạy theo giá cả, lợi nhuận thì không tuân thủ. Riêng với chú Mười, dù có được hỗ trợ hay không, tham gia hay không tham gia mô hình, chú vẫn “trung thành” trồng rau theo quy trình an toàn. “Sản xuất theo quy trình này dù không cho lợi nhuận cao hơn so với cách canh tác cũ nhưng mang lại nhiều lợi ích, nhất là an toàn cho mình và người tiêu dùng” - chú Mười nói.
Không có “thâm niên” như chú Mười nhưng ông Phạm Văn Chồi (ấp Long Thới, xã Long An) cũng đã có 4 năm tham gia sản xuất rau an toàn. Hiện nay, ông là Tổ trưởng Tổ Rau an toàn trong khu vực. Nói về tham gia sản xuất rau an toàn, ông Chồi cho biết, qua hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, ông cũng như nhiều bà con khác trong tổ nắm vững cách sử dụng thuốc, canh tác rau thế nào an toàn, đảm bảo thời gian cách ly từ phun thuốc đến thu hoạch...
Qua thực hiện, lợi ích của mô hình mang lại rất rõ như giảm chi phí sản xuất (do không phun thuốc định kỳ như trước đây), bảo vệ người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, do giá cả và đầu ra của rau an toàn so với rau không an toàn như nhau, thậm chí có lúc khó tiêu thụ hơn do màu sắc không đẹp, không bắt kịp thời giá (do đảm bảo thời gian cách ly từ khi phun thuốc đến khi thu hoạch) nên không hấp dẫn người trồng.
“Dự án rau an toàn đã kết thúc cách nay 2 năm. Hiện nay, hàng năm các ngành chức năng vẫn tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn sản xuất rau theo quy trình an toàn, lâu lâu có cán bộ kỹ thuật đến nhắc nhở người dân không sử dụng thuốc cấm, sản xuất tuân thủ quy trình an toàn. Ước tính từ năm 2009 đến nay, toàn ấp có 156 lượt người được tập huấn, tham gia mô hình với 37 ha (cộng dồn qua từng năm, gồm cả diện tích tham gia trước đó). Nhưng thực sự mà nói, đến nay bao nhiêu hộ còn áp dụng quy trình an toàn và áp dụng ở mức độ nào thì rất khó nói, tùy vào nhận thức của họ. Bởi có gì ràng buộc họ đâu?” - ông Chồi nói.
Anh Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện cho biết, Châu Thành là địa phương được phân bổ nhiều diện tích tham gia đề án 500 ha rau an toàn của tỉnh. Và các ngành chức năng đã triển khai, tập huấn, thực hiện khoảng 200 ha rau an toàn. Trước đó, các ngành chức năng cũng đã triển khai một số dự án, mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn. Qua những hoạt động này, nhận thức của nông dân về sản xuất an toàn được nâng lên một bước. Tuy nhiên, có bao nhiêu nông dân áp dụng, duy trì quy trình sản xuất an toàn trên cây rau thì rất khó biết được.
Hướng dẫn, chuyển giao là chính
Rau màu là một trong những cây trồng chủ lực của Châu Thành. Việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau an toàn được xem là “chìa khóa” để “vương quốc rau” phát triển bền vững. Từ nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp huyện đã tích cực triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, những nỗ lực này đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như ý muốn. Gần đây, Huyện ủy Châu Thành cũng đã có nghị quyết chuyên đề về việc phát triển cây rau màu trên địa bàn huyện. Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2015 tổng diện tích rau màu của toàn huyện nâng lên 1.800 ha, trong đó diện tích rau an toàn 1.000 ha.
Thực hiện chủ trương này, các xã đã tiến hành vận động nông dân tham gia các dự án, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn; quy hoạch vùng trồng rau an toàn. Ước tính đến nay, toàn huyện có khoảng 450 ha được triển khai sản xuất theo hướng an toàn nhưng chủ yếu qua hình thức tập huấn cho người trồng rau cách thức sản xuất an toàn, còn số diện tích rau thực tế sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thì thấp hơn nhiều.
Điều này xuất phát từ nguyên nhân đầu ra của rau an toàn bấp bênh, giá cả không cao hơn so với rau không an toàn, trong khi trồng rau này đòi hỏi phải tuân thủ nhiều yêu cầu nghiêm ngặt nên không thu hút được người trồng tham gia. Mặt khác, các đơn vị kinh tế hợp tác sản xuất, kinh doanh rau an toàn đang bị bế tắc (Hợp tác xã Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa đang tạm ngừng hoạt động, Tổ hợp tác Rau an toàn ở Nhị Bình mới chỉ là nơi chuyển giao kỹ thuật) đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nông dân. Từ đó có thể thấy rằng, mục tiêu phát triển diện tích rau an toàn đến năm 2015 mà Nghị quyết của Huyện ủy Châu Thành đã đề ra khó có thể thành hiện thực.
Từ thực tế này, ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, ngành đang có hướng đề nghị huyện điều chỉnh mục tiêu theo hướng trước mắt trang bị kiến thức về sản xuất rau an toàn qua việc mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về rau an toàn, hướng dẫn ghi chép sổ sách, viết nhật ký đồng ruộng và sau khi kết thúc khóa học tiến hành lấy mẫu rau kiểm tra.
“Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng tôi chủ yếu đặt mục tiêu định hướng, nâng cao nhận thức về cách thức, lợi ích sản xuất theo quy trình an toàn cho người trồng rau. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình tiến đến chứng nhận và nhân rộng. Tới đây, chúng tôi tiến hành đợt kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của huyện về phát triển cây rau màu để từ đó có hướng đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp, nhất là đối với mục tiêu phát triển diện tích rau an toàn” - ông Hòa nói.
Có thể bạn quan tâm
Tại buổi tọa đàm, GS. Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, đã nêu việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân làm bộc phát dịch hại và gây nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng xấu đến môi trường hiện đã ở mức báo động.
“Bao nhiêu năm gắn với nghề nông, tôi cảm nhận sâu sắc một điều, mặc dù là người trực tiếp làm ra hạt lúa nhưng chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội quyết định giá sản phẩm mình làm ra. Câu chuyện “tới mùa rớt giá” đã trở thành thông lệ khiến nông dân lao đao. Từ đó tôi quyết tâm tìm một hướng đi mới cho mình, cùng bà con nông dân cải thiện thu nhập”.
Trong nhiều năm qua, mô hình phát triển kinh tế gia đình được nhân dân xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) nhân rộng. Với kế hoạch xây dựng và phát triển nền kinh tế xã nhà, đây được xem là một trong những chiến lược phát triển kinh tế lâu dài nhằm nỗ lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Sau 6 tháng, cây chanh leo được trồng đảm bảo kế hoạch về diện tích, sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch, giúp người dân có thêm thu nhập và mở ra cơ hội phát triển sản xuất hàng hóa cho các địa phương. Có được kết quả đó là nhờ chương trình được triển khai theo mô hình liên kết “4 nhà”: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Theo biên bản này, các nước thành viên thực thi các nỗ lực chung nhằm xúc tiến thương mại nông lâm sản trên thị trường quốc tế; cam kết tham vấn và hợp tác lẫn nhau nhằm tạo ra một vị thế ASEAN chung trên các diễn đàn quốc tế về các vấn đề liên quan đến nông lâm sản...