Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chình mun châu trúc

Làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chình mun châu trúc
Tác giả: Hoàng Trọng
Ngày đăng: 10/02/2020

Sau hàng chục năm mày mò nghiên cứu, nông dân Võ Tuấn Tú (55 tuổi, ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, H.Phù Mỹ, Bình Định) đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá chình (y học gọi là mạn lệ ngư), đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cá chình mun thương phẩm. Ảnh: Hoàng Trọng

Thương hiệu chình mun châu trúc

Năm 2017, ông Võ Tuấn Tú đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh Bình Định và cấp trung ương. Năm 2018, ông được Ban tổ chức chương trình “Tự hào nông dân VN” bình chọn là 1 trong số 63 “Nông dân VN xuất sắc”.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, một trong những đặc sản tiến vua hằng năm của tỉnh Bình Định là cá mạn lệ. Dân gian cũng lưu truyền rằng loại cá chình mun, hay còn gọi là chình đen, sống ở đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ, ở H.Phù Mỹ) là cá mạn lệ tiến vua ngày xưa. Theo đông y và kinh nghiệm dân gian, thịt, xương, máu và mỡ cá chình đều là dược liệu, có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, khu phong, trừ thấp, sát khuẩn…

Là một trong những người đầu tiên ở Bình Định “có duyên, có nợ” với cá chình, ông Võ Tuấn Tú cho biết bài thuốc về mạn lệ ngư, hay chuyện “cá tiến vua” hiện rất ít người biết đến, nhưng chình mun Châu Trúc là món ngon và đại bổ nên nhiều người thích ăn. Đặc biệt, cộng đồng người Hoa ở TP.HCM rất thích ăn cá chình mun để bồi bổ cơ thể, khi chế biến họ không bao giờ làm mất lớp nhớt ngoài da cá. Nhiều nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM cũng đưa vào thực đơn món chình mun Châu Trúc để phục vụ khách hàng. Loại cá này có rất nhiều cách chế biến như: nướng, hấp, xào sả ớt, kho nghệ, um chuối…

Ăn, ngủ… với chình

Ông Tú vốn sinh ra ở vùng đất Gò Bồi (xã Phước Hòa, H.Tuy Phước, Bình Định). Năm 1997, ông tham gia thực hiện dự án Nghiên cứu nuôi chình mun và nuôi cá lóc thực nghiệm trên đầm Châu Trúc, do Sở KH-CN tỉnh Bình Định thực hiện, với vai trò là tổ trưởng một tổ kỹ thuật (tổ có 5 người). Đến năm 2000, khi dự án chấm dứt, ông Tú ở lại đầm Châu Trúc để hành nghề buôn bán cá chình giống và nuôi cá chình thương phẩm.

Theo ông Tú, ở VN có 4 loài cá chình: chình hoa (chình bông), chình Nhật Bản, chình mun, chình nhọn. Cá chình sinh trưởng trong nước ngọt, đến tuổi trưởng thành lại di cư ra biển để sinh sản. Sau khi trứng thụ tinh sẽ nở thành ấu trùng, sống phù du trong nước biển. Khoảng tháng 10 và tháng 11 âm lịch, ấu trùng cá chình theo các dòng hải lưu trôi dạt vào bờ biển các nước, trong đó có bờ biển miền Trung của VN. Khi vào đến cửa sông, ấu trùng phát triển thành cá chình con (gọi là chình bột) rồi theo dòng nước ngọt di cư lên thượng nguồn các sông, suối để sinh sống.

Tại Bình Định, mỗi khi cá chình bột vào đến cửa sông, cửa biển thì ngư dân dùng vợt bắt rồi bán cho các thương lái. Ông Tú thu mua cá chình bột, phân loại rồi bán đi khắp nước, trong đó nhiều nhất là các tỉnh miền Tây. Trong quá trình bán cá chình giống, ông Tú học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi cá chình của nông dân khắp cả nước. Tuy nhiên, suốt 7 năm đầu tiên nuôi cá chình, ông liên tục thua lỗ, có lúc mắc nợ hàng tỉ đồng.

Ông Tú cho biết cá chình rất khó nuôi, vốn đầu tư lớn nên phải thực sự đam mê thì mới có thể thành công. Ngoài học hỏi kỹ thuật, ông phải “ăn, ngủ” với cá chình hàng chục năm trời mới nắm bắt được đặc điểm sinh thái loài này như: thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, tối mới ra kiếm mồi; thích ăn giun, côn trùng thủy sinh, các ấu trùng giáp xác và động vật nhỏ khác... Vì vậy, ông Tú mua cá vụn của các hộ đánh bắt trên đầm Trà Ổ về tự chế biến thành thức ăn cho cá chình.

Trong khi các nông dân khác nuôi cá chình trong ao bằng xi măng thì ông Tú nuôi trong ao đất, sử dụng nguồn nước tự nhiên trên đầm Châu Trúc. Cá chình mun chỉ sống tốt trong môi trường sạch, không bị ô nhiễm nên khâu xử lý hồ nuôi rất quan trọng. Ông Tú mời chuyên gia công nghệ vi sinh ở Hà Nội về ở nhà mình gần cả tháng để cầm tay chỉ việc xử lý các hồ nuôi. Việc cải tạo ao, xử lý nước trong các ô nuôi cá chình, ông không dùng hóa chất, kháng sinh mà chỉ dùng công nghệ lên men vi sinh từ các nguyên liệu như mật, đường, cám gạo, nên môi trường nuôi không bị ô nhiễm, cá không bị dịch bệnh.

Sau những lứa nuôi cá chình mun thành công, ông Tú tiếp tục đầu tư, mở rộng hồ nuôi. Đến nay, gia đình ông sở hữu 4 hồ nuôi cá chình mun rộng khoảng 20.000 m2. Cá chình gia đình ông Tú nuôi từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, nặng từ 1 - 3 kg mới xuất bán cho các thương lái hoặc các nhà hàng lớn trên cả nước. Hiện bình quân mỗi năm ông Tú bán khoảng 4 - 5 tấn cá chình thương phẩm, ngoài ra còn bán cá chình giống, lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Theo ông Tú, cá chình mun có giá trị dinh dưỡng rất cao và chỉ sinh đẻ ở môi trường tự nhiên, chưa thể nhân giống nhân tạo nên loại cá này có giá trị cao trên thị trường. Hiện ở VN có nhiều tỉnh nuôi cá chình, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ như: Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng… nhưng cá chình mun Châu Trúc vẫn là một thương hiệu có tiếng. “Cá chình mun ở khu vực đầm Châu Trúc ngon hơn ở nơi khác là nhờ môi trường tự nhiên, nguồn nước trong đầm. Không chỉ cá chình, các loại cá khác sống ở đầm Châu Trúc đều có thịt ngon hơn cá cùng loại sinh sống ở nơi khác”, ông Tú nói.


Có thể bạn quan tâm

Trồng mít Thái, nuôi cá lãi cao Trồng mít Thái, nuôi cá lãi cao

Nhờ trồng mít, nuôi cá sạch, ông Lương Văn Tám (Tám Quýt), 63 tuổi ở ấp Long Hòa A2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thu lời 300 triệu đồng mỗi năm.

04/02/2020
Muốn giàu thì nuôi cá mú, chỉ bán 1 lứa cả năm rủng rỉnh tiền tiêu Muốn giàu thì nuôi cá mú, chỉ bán 1 lứa cả năm rủng rỉnh tiền tiêu

Suốt 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá mú, anh Hưởng tự tin khẳng định mình chưa lần nào bị thất bại. Nhờ nuôi cá mú, mỗi năm gia đình anh Hưởng có thu nhập

04/02/2020
Nuôi tôm trong bể tròn nổi thắng lớn Nuôi tôm trong bể tròn nổi thắng lớn

Áp dụng cách nuôi này giảm đáng kể quy mô diện tích, dễ kiểm soát dịch bệnh, ngược lại tăng vượt trội mật độ thả nuôi.

05/02/2020