Xây dựng thương hiệu ngọc trai Hạ Long
Giới thiệu với chúng tôi, ông Lê Nam Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ngọc trai Hạ Long, cho biết: Năm 2009, Công ty phát triển trên nền tảng Công ty Ngọc trai Việt - Nhật, liên doanh nuôi trai lấy ngọc đầu tiên giữa Việt Nam và các đối tác Nhật Bản, đất nước phát minh nghề nuôi trai lấy ngọc từ hơn 100 năm trước, với những thương hiệu ngọc trai nổi tiếng thế giới. Nhờ kế thừa công nghệ, kinh nghiệm từ các chuyên gia của Nhật Bản, cùng với các điều kiện thiên nhiên phù hợp, Công ty đã xây dựng thành công quy trình sinh sản nhân tạo, thu thập và lai tạo các loài trai có khả năng thích nghi với môi trường nuôi cấy, có độ bọc ngọc nhanh, màu sắc đẹp.
Hiện Công ty đã thành công nuôi các loài trai quý hiếm, như P.maxima, P.magratiferra, peguin... cho ra ngọc đen, ngọc Southsea, Akoya. Đây đều là những loại ngọc trai có chất lượng, được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Từ đó, Công ty đã làm chủ được tất cả các công đoạn của quy trình nuôi cấy ngọc trai một cách hoàn thiện. Hiện Công ty có 2 cơ sở sản xuất nuôi trai cấy ngọc ở vùng Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long) và Bái Tử Long (huyện Vân Đồn).
Ban đầu, sản phẩm ngọc trai của Công ty chủ yếu xuất khẩu thô cho thị trường các nước, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Tuy nhiên, giá trị kinh tế thấp và sản phẩm ngọc trai của Quảng Ninh khi xuất khẩu không còn thương hiệu riêng. Với trăn trở không để sản phẩm của mình “lẫn” với sản phẩm nơi khác, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ngọc trai Hạ Long Lê Nam Trung đã mạnh dạn thay đổi hoàn toàn chiến lược phát triển của Công ty.
Từ năm 2012, Công ty hầu như không xuất khẩu ngọc trai mà làm trọn tất cả các công đoạn từ sinh sản con giống, nuôi cấy đến chế tác sản phẩm. Ông Lê Nam Trung nói: “Để tạo ra sản phẩm có chất lượng và có thể hoàn thiện tất cả quy trình từ nuôi cấy đến chế tác, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến phát triển đội ngũ cán bộ. Các chuyên gia kỹ thuật nuôi cấy, chế tác đều được Công ty đào tạo chuyên môn tại Nhật Bản và tại một số cơ sở nuôi cấy ngọc trai, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Do đó, các sản phẩm ngọc trai của Công ty đảm bảo cả chất lượng cũng như quy cách thiết kế ngọc trai”.
Dẫn chúng tôi tham quan trụ sở và cũng là văn phòng trưng bày, bán sản phẩm ngọc trai, ông Lê Nam Trung cho biết: Di sản, kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời. Bởi vậy khi ra về, du khách luôn mong muốn có được những sản phẩm của Vịnh Hạ Long để lưu niệm, làm quà. Khi du khách đến tham quan, mua sản phẩm tại đây sẽ được nhân viên kinh doanh của Công ty giới thiệu tất cả công đoạn, từ sinh sản, nuôi cấy đến chế tác ngọc trai.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách muốn xem trực tiếp mổ trai nuôi trên biển đang ngậm ngọc, Công ty đã triển khai xây dựng các trang trại nuôi cấy ngọc trai thành những địa điểm tham quan, du lịch. Tại đây, du khách vừa được hưởng không khí trong lành, được ngắm cảnh Vịnh Hạ Long, vừa tham gia vào tất cả quy trình làm ra ngọc trai. Bên cạnh đó, Công ty cũng phục vụ du khách các món ăn chế biến từ trai đã cho ngọc. Khi trở về, du khách thoải mái lựa chọn hoặc yêu cầu chế tác những món trang sức ngọc trai như mong muốn và rất nhiều món đồ lưu niệm làm từ vỏ con trai. Đây cũng là cách làm của Công ty để bảo vệ uy tín thương hiệu, đồng thời khẳng định là ngọc trai thật với khách hàng.
Bên cạnh 2 điểm trưng bày, bán sản phẩm ngọc trai trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Công ty còn có 2 điểm khác là tại trụ sở Công ty và Vincom Center Hạ Long. Trong thời gian tới, với sự giúp đỡ của Sở VH,TT&DL, Công ty sẽ mở thêm điểm trưng bày, bán sản phẩm ngọc trai tại Bảo tàng Quảng Ninh. Cùng với đó, Công ty phân phối sản phẩm đã qua chế tác tại các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hồng Kông và châu Âu.
“Nghề nuôi trai lấy ngọc ở Quảng Ninh có thể nói là phát triển sớm nhất cả nước. Tuy nhiên, thương hiệu ngọc trai Quảng Ninh hiện chưa được phát triển xứng tầm. Để sản phẩm ngọc trai Hạ Long khẳng định thương hiệu, chúng tôi mong muốn tỉnh có thêm những chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh để tiếp tục mở rộng sản xuất, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân địa phương” - ông Lê Nam Trung tâm sự.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày giữa tháng 3, gia đình ông Trần Văn Tuất ở thôn 9, xã Nam Bình đang tưới nước đợt 3 cho 2 ha cà phê. Theo ông Tuất thì năm nay thời tiết có những biểu hiện là sẽ khô hạn hơn năm ngoái nên ông chú trọng vào những biện pháp canh tác nhằm đảm bảo an toàn cho vườn cây.
Bước sang năm 2014 là năm thứ 4, Công ty CP Cao su Hà Giang triển khai trồng, chăm sóc các giống cao su kháng lạnh. Ký ức về thiệt hại do giá rét năm 2010 vẫn chưa nguôi, nhưng đó cũng là bài học, là kinh nghiệm vô cùng quý giá để cho người trồng cao su thêm phần quyết tâm trên vùng đất khó.
Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết trong thời gian vừa qua như rét đậm, rét hại kéo dài, hạn hán... việc triển khai sản xuất vụ Xuân ở Yên Minh theo đúng khung thời vụ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng. Ngành chức năng chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng giống tôm chân trắng. Vì thế, người nuôi tôm có nguy cơ thiếu nguồn tôm giống chất lượng.
Tại các bến bãi của xã, một không khí nhộn nhịp và đông đúc chưa từng thấy. Những con đường dẫn vào bãi sò tắc nghẽn liên tục vì lượng sò ngư dân vận chuyển quá lớn. Trên bãi sò, hàng trăm lao động tất bật chen nhau vận chuyển, phân loại, cạy tách vỏ sò. Các bãi sò ở Chí Công liên tiếp, nối liền nhau như một đại công trường khai thác hải sản.