Xây Dựng Thương Hiệu Cho Vú Sữa Xã Diên Bình, Huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)
Xây dựng thương hiệu cho nông sản trong nước là bài toán được đặt ra từ bao lâu nay của nhiều địa phương. Tại Khánh Hòa, sầu riêng Khánh Sơn là thương hiệu nông sản đầu tiên được xây dựng thành công, góp phần đưa nông sản địa phương vào hệ thống phân phối của các siêu thị và đến với nhiều tỉnh thành khác.
Từ bài học của sầu riêng Khánh Sơn, bà con nông dân ở xã Diên Bình – huyện Diên Khánh cũng mong muốn xây dựng được thương hiệu cho trái vú sữa của địa phương. Mặc dù chưa có thương hiệu chính thức nhưng vú sữa ở vùng quê ven sông này được không ít người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.
Do điều kiện thổ nhưỡng địa phương phù hợp nên nhiều năm qua, vú sữa xã Diên Bình luôn cho năng suất cao, cây càng lớn cho trái càng sai. So với mọi năm, giá thành vú sữa năm nay cũng ổn định hơn. Giá thu mua tại nhà vườn trung bình từ 17 đến 20 nghìn đồng/kg. Với đại đa số người dân Diên Bình, mỗi năm vú sữa mang lại nguồn thu nhập trung bình từ vài chục triệu, có hộ lên tới vài trăm triệu đồng.
Có thể khẳng định rằng, giá vú sữa Diên Bình có giá cao và ổn định như hôm nay là nhờ vào chất lượng vú sữa đã được khẳng định trong thời gian dài. Mặc dù chưa chính thức nhưng tên tuổi, thương hiệu vú sữa Diên Bình đã được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.
Chị Nguyễn Thị Thanh Loan – xã Diên Bình cho biết khi chở xuống chợ bán, nghe vú sữa Diên Bình là người ta mua. Trái ngon, ngọt nên người dân rất thích.
Vú sữa cho năng suất cao và mang lại hiệu quả kinh tế, bà con mừng. Nhưng câu chuyện làm thế nào để xây dựng thương hiệu vú sữa Diên Bình, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho bà con vẫn còn là câu chuyện dài. Vài năm trước, người dân địa phương cũng đã nghe phong phanh về câu chuyện xây dựng thương hiệu cho cây vú sữa nhưng vì nhiều lý do khác nhau rồi lại thôi.
Điều dễ nhận thấy nhất là tiềm năng phát triển, cung ứng vú sữa chất lượng ở Diên Bình là rất lớn nhưng làm thế nào để khai thác triệt để, tối đa hiệu quả mà cây vú sữa mang lại thì vẫn chưa làm được.
Chia sẻ về vấn đề xây dựng thương hiệu vú sữa, chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Bình cho biết: nguyên nhân không xây dựng được thương hiệu vú sữa Diên Bình là do không đủ diện tích quy hoạch. Liệu đây có phải là lý do chính đáng để gác lại câu chuyện xây dựng vú sữa Diên Bình trong nhiều năm ?
Ông Hồ Văn Đài – Chủ tich Hội Nông dân xã Diên Bình – huyện Diên Khánh cho biết, qua các đợt họp Ủy ban có đưa ra vấn đề bà con muốn nâng thương hiệu cho vú sữa Diên Bình nhưng cuối cùng lại không đủ điều kiện. Theo ông Đài, việc này là do ở trên, đặc biệt là phòng Nông nghiệp huyện Diên Khánh.
Với các đơn vị quản lý - xây dựng thương hiệu vú sữa đã khó nên với người dân – tự mình xây dựng thương hiệu còn khó hơn nhiều.
Chẳng hạn đơn cử như việc đưa vú sữa vào siêu thị thì phải mất nhiều công đoạn. Từ việc đảm bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến nhiều giấy tờ chứng nhận phức tạp khác, nếu không có sự giúp sức của cơ quan quản lý mà chỉ riêng người dân lo xây dựng thương hiệu thì chắc chắn không thể kham nổi.
Theo ông Võ Đình Dũng – Giám đốc siêu thị Co.op Mart Nha Trang, cho biết vừa qua Co.op Nha Trang có đến nhà vườn để bao tiêu sản phẩm. Nhà vườn đảm bảo an toàn về thực phẩm, không thuốc, có giấy chứng nhận... thì siêu thị Co.op Mart sẵn sàng hỗ trợ người dân về đầu ra.
Thị trường tiêu thụ vú sữa Diên Bình ngày càng được mở rộng cả trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc chú trọng đến công tác chăm sóc để vú sữa tiếp tục cho năng suất cao thì hiện nay, câu chuyện làm thế nào để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cây vú sữa Diên Bình đang được người dân địa phương hết sức quan tâm.
Bên cạnh sự cố gắng của người dân thì chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp huyện cũng cần quan tâm hơn nữa để vú sữa Diên Bình sớm có thương hiệu thật sự trên thị trường. Và chỉ khi đó, niềm vui của nông dân Diên Bình mới thật sự trọn vẹn mỗi khi mùa vú sữa về.
Related news
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, tình hình dịch bệnh có nguy cơ gia tăng, khó kiểm soát do đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, thuận lợi cho virus gây bệnh phát sinh, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ngày 25/4, Trung tâm Giống nông nghiệp hai tỉnh Cà Mau và An Giang phối hợp tổ chức hội thảo quy trình sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực.
Ngày 24/4, tại xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Các giải pháp phòng, chống bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi”, thu hút 70 đại biểu đến từ các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và Cầu Ngang tham dự.
Bộ NN-PTNT dẫn thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, Vĩnh Long báo cáo cho biết, thời gian này cá tra phát triển khá tốt, các cơ sở nuôi đang tiếp tục thả giống.
Tánh Linh là một huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, sản xuất nông nghiệp của huyện ngoài các cây chủ lực như cao su, bắp, lúa nước, khoai mì,… ngành nuôi trồng thủy sản tại Tánh Linh cũng đang được đầu tư phát triển.