Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xã Hiệp Hòa (Thái Bình) Phát Triển Chăn Nuôi Bò

Xã Hiệp Hòa (Thái Bình) Phát Triển Chăn Nuôi Bò
Ngày đăng: 23/09/2014

Xã Hiệp Hòa (Vũ Thư - Thái Bình) có hơn 2 km đê sông, diện tích đất phù sa bãi bồi ven đê rộng, phù hợp để trồng cỏ nuôi bò. Tận dụng lợi thế đó, những năm gần đây người dân Hiệp Hòa đã tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tổng đàn bò toàn xã hiện có khoảng gần 300 con; tổng đàn lợn 6.618 con; tổng đàn gia cầm 17.767 con. Trước đây, chăn nuôi bò chủ yếu để lấy sức cày ruộng, kéo xe phục vụ sản xuất; ý thức về nuôi bò thịt để cung cấp cho thị trường, thu về lợi nhuận kinh tế chưa phổ biến, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ.

Mặt khác, nguồn thức ăn cho vật nuôi chủ yếu là tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp và từ nguồn cỏ phát triển tự nhiên ở ven đê. Những năm gần đây, chăn nuôi phát triển theo xu hướng hàng hóa, trong đó thịt bò thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất lớn, giá cả ổn định.

Kỹ thuật chăn nuôi bò dễ tiếp cận và nguồn thức ăn đa dạng, phong phú đáp ứng được chăn nuôi quy mô lớn. Vì vậy, người dân xã Hiệp Hòa đã nhanh chóng chuyển sang nuôi bò thịt.

Anh Đỗ Quý Tín (thôn An Để) là một trong những người sớm đầu tư vào chăn nuôi bò. Anh xây dựng trang trại nuôi bò từ đầu năm 2013, giống bò Brahman nhập từ Australia với 30 con trên trang trại rộng 2,5 ha, trong đó 2 ha trồng cỏ làm thức ăn cho bò, 0,5 ha xây chuồng trại.

Bước đầu nuôi bò cho hiệu quả và độ an toàn cao, anh Tín nhập thêm 40 con về nuôi. Anh chia sẻ: Từ ngày nuôi bò đến nay, tôi đã bán được 3 lứa bò vỗ béo (bò đực), 4 lứa bò sinh sản (bò đẻ) thu về 1,5 tỷ đồng. Đối với bò vỗ béo thu lãi từ 700 - 800.000 đồng/con/tháng, bò sinh sản thu lãi 500 - 600.000 đồng/con/tháng.

Theo anh Tín, nuôi thâm canh phù hợp với bò thịt, nuôi quảng canh phù hợp với bò sinh sản. Đợt xuất bán gần đây nhất là 15 con, vì vậy chuồng trại chỉ còn hơn 30 con, đợt tới anh dự định sẽ nhập thêm 20 con. Anh Tín rất phấn khởi vì chỉ trong thời gian ngắn, hồ sơ đăng ký xin hỗ trợ nuôi bò của anh đã được tỉnh và huyện phê duyệt. Theo đó, anh sẽ được tỉnh hỗ trợ 175 triệu đồng để mua thiết bị, máy móc phục vụ chăn nuôi bò, huyện hỗ trợ 60 triệu đồng (3 triệu đồng/con).

Ông Nguyễn Trường Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: Hiệp Hòa là địa phương có truyền thống thâm canh các loại cây màu như ngô, lạc, đậu, đỗ, khoai lang trên đất bãi và chân đất màu, đất nội đồng. Đây là nguồn nguyên liệu rất phong phú để chăn nuôi bò. Ngoài ra, khối lượng phụ phẩm từ lúa hàng năm rất rồi dào làm nguồn thức ăn dự trữ cho bò như rơm, rạ.

Hiện tại, các hộ nuôi bò trên địa bàn xã đang có xu hướng tăng về số lượng, chất lượng bò nuôi, ngoài các hộ nuôi bò nhỏ lẻ ở 3 thôn còn có 3 trang trại ở thôn An Để. UBND xã đang triển khai hỗ trợ 3 triệu đồng/con cho những hộ nuôi từ 5 con trở lên. Bà con nông dân rất phấn khởi và huy động thêm vốn đầu tư tăng số lượng bò để nuôi.

Hiện nay, thu nhập của người nông dân còn thấp, vì vậy để tăng giá trị của ngành Nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn thì đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Thực tế cho thấy, đầu tư chăn nuôi bò là đầu tư bền vững, dễ nuôi, tận dụng được lao động và phụ phẩm nông nghiệp, ít chịu rủi ro về dịch bệnh, sản phẩm dễ tiêu thụ, lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, kỹ thuật chăn nuôi của các hộ gia đình hiện nay còn hạn chế, thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có sự chủ động và hiểu biết đầy đủ về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống dịch bệnh cho bò.

Sản lượng thịt bò còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương nên chưa thể xây dựng được kênh thị trường ổn định, khi xuất bán dễ bị thương lái ép giá. Ngoài ra, đa số các hộ chăn nuôi bò thiếu vốn đầu tư, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.

Vì vậy, các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kỹ thuật cũng như về vốn để bà con tiếp tục đầu tư vào nuôi bò, bảo đảm được năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển chăn nuôi bò cũng đang là mục tiêu quan trọng của Thái Bình để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai Đề án “Phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Sự phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản ở Hiệp Hòa sẽ là tiền đề, tạo bước đệm cho việc triển khai chăn nuôi bò sữa trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Điểm Sáng Phát Triển Cây Vụ Đông Ở Huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) Điểm Sáng Phát Triển Cây Vụ Đông Ở Huyện Tiên Lãng (Hải Phòng)

Từ nhiều năm qua, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) được đánh giá là điểm sáng phát triển cây trồng vụ đông với diện tích chiếm gần 1/3 diện tích cây vụ đông toàn thành phố. Kết thúc năm 2013, nông dân Tiên Lãng có một vụ đông thắng lợi với tổng giá trị sản lượng đạt gần 600 tỷ đồng (tăng 20% so với vụ đông năm 2012). Cây vụ đông bước đầu trở thành vụ sản xuất hàng hoá, đem lại thu nhập cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

28/02/2014
"Vàng Đen" Ở Xuân Thọ (Đồng Nai)

Vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có diện tích khá lớn với gần 500 hécta. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nhiều nông dân đang bước vào vụ thu hoạch với niềm vui trúng mùa, được giá.

28/02/2014
Không Sử Dụng Giống Khoai Mì Bị Nhiễm Bệnh Không Sử Dụng Giống Khoai Mì Bị Nhiễm Bệnh

Qua khảo sát của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho thấy, những năm gần đây, tình hình dịch hại trên cây mì có nhiều diễn biến phức tạp, một số đối tượng dịch hại nguy hiểm có nguy cơ lây lan trên diện rộng như: Bệnh chổi rồng, bệnh xì mủ thân (do vi khuẩn), rệp sáp bột hồng và một số loài rệp sáp khác.

28/02/2014
Bài Học Từ Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Tại Cà Mau Bài Học Từ Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Tại Cà Mau

Năm 2013, có 1.392 hộ và 516,76 ha tham gia bảo hiểm với tổng mức phí 22,38 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Có 1.575 vụ tôm thiệt hại trên tổng số 1.392 hợp đồng với diện tích 496,409, chiếm 96,1% tổng diện tích tham gia bảo hiểm.

01/03/2014
Triển Khai Kế Hoạch Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Và Bàn Giải Pháp Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Các Tỉnh Phía Nam Triển Khai Kế Hoạch Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Và Bàn Giải Pháp Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Các Tỉnh Phía Nam

Sáng 28-2, tại TP.Bà Rịa, Tổng Cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2014 và bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi ở các tỉnh phía Nam.

01/03/2014