Vướng Rào Cản Kỹ Thuật, Xuất Khẩu Cá Tra Sang Mỹ Và EU Giảm
Trong vài năm gần đây do bị ảnh hưởng của các rào cản kỹ thuật đã làm cho nhiều doanh nghiệp bỏ dần thị trường truyền thống giá cao này mà tập trung mở rộng xuất khẩu sang thị trường dễ tính.
Ông Võ Hùng Dũng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết tình trạng một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam hiện nay đang xa rời thị trường xuất khẩu giá cao để tránh các rào cản kỹ thuật mà tăng cường mở rộng vào các thị trường dễ tính làm giảm chất lượng và giá trị xuất khẩu là điều đáng báo động.
Trước đây, thị trường xuất khẩu cá tra truyền thống của Việt Nam là Mỹ và EU chiếm đến trên 55% thị phần. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây do bị ảnh hưởng của các rào cản kỹ thuật đã làm cho nhiều doanh nghiệp bỏ dần thị trường truyền thống giá cao này mà tập trung mở rộng xuất khẩu sang thị trường dễ tính ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Brazil, Colombia, Arab... do các nước nói trên chưa đặt ra các rào cản kỹ thuật nghiêm khắc. Điều này làm cho giá trị xuất khẩu cá tra gần đây giảm dần và rất đáng báo động.
Trong 7 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cá tra vào thị trường EU giảm 9,5% và thị trường Mỹ giảm 25% so với cùng kỳ. Thị phần của hai thị trường nói trên đến nay cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 40% so với 44% so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Dũng, các doanh nghiệp chạy theo mở rộng xuất khẩu ở các thị trường dễ tính mà bỏ các thị trường khó tính cũng đồng nghĩa với việc tăng sản lượng xuất khẩu nhưng giảm chất lượng cũng như giá trị xuất khẩu loại sản phẩm đặc thù này. Mặt khác, về mặt kinh doanh để có được một thị trường chiếm thị phần đến 40 đến 50% là rất khó nhưng nay lại buông dần là điều hết sức đáng tiếc.
Nếu thị phần của hai thị trường trên tiếp tục giảm xuống nhiều hơn nữa trong thời gian tới thì cũng cần xem xét lại chiến lược phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp.
Việc triển khai Nghị định 36 của Thủ tướng Chính phủ nhằm lập lại vấn đề quản lý chất lượng từ khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay. Đây cũng là điều kiện nhằm giúp cho các doanh nghiệp giữ được chất lượng cũng như giá trị xuất khẩu ở các thị trường khó tính như EU và Mỹ.
Hiện nay, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang triển khai cho các doanh nghiệp việc đăng ký xuất khẩu một cách linh hoạt, thuận lợi nhất và chưa có vướng mắc gì xảy ra.
Ông Trần Văn Hùng- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá ở huỵện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ để giúp cho con cá tra giữ được giá bán tốt cũng như xuất khẩu được nhiều nơi trên thế giới với giá thành cao cần phải được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng.
Ông Trần Văn Hùng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành phải triển khai nhanh Nghị định 36 của Thủ tướng Chính phủ về cá tra. Nhà nước cũng có chủ trương cho người dân đang sản xuất cá tra được vào vùng quy hoạch nuôi và khẩn trương triển khai công bố quy hoạch để người nuôi an tâm đầu tư sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Hải- Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho rằng các bộ ngành chức năng cần sớm có Thông tư hướng dẫn để sớm triển khai thực hiện Nghị định 36.
Việc tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm cá tra từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu là hết sức cần thiết để tránh trường hợp sản phẩm cá tra xuất khẩu bị rớt giá, giúp cho người nuôi ổn định sản xuất. Ông Hải cũng kiến nghị các địa phương cần sớm công bố quy hoạch vùng nuôi để người dân biết có bước chuẩn bị đầu tư. Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng quy hoạch như: đường giao thông, thủy lợi, điện... để hỗ trợ nghề nuôi cá cho nông dân.
Trong những ngày đầu tháng 8/2014, giá cá tra được người dân bán cho doanh nghiệp có giảm so với các tháng đầu năm với giá xấp xỉ 21.500 đồng/kg. Đây là tình hình chung từ các năm do giá cá giảm theo chu kỳ nhưng nếu so với cùng kỳ các năm trước thì giá cá hiện nay cao hơn khoảng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Điều này cho thấy tình hình giá cả nguyên liệu năm nay đã tốt hơn các năm trước.
Tình hình thu hoạch và thả nuôi trong tháng Bảy và những ngày đầu tháng 8 cũng đang bắt đầu tăng. Cụ thể trong trong những ngày cuối tháng Bảy và đầu tháng 8/2014, bình quân mỗi ngày nông dân thu hoạch từ 70-80ha, tăng đôi chút so với tháng Năm và tháng Sáu. Cũng trong hai tuần qua, diện tích thả nuôi cá tra trong toàn khu vực đã tăng lên từ 55 ha/tuần lên 160ha/tuần.
Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, đến hết tháng 7/2014, diện tích cá tra được nông dân toàn vùng thả nuôi đạt 3.922 ha, tăng 9,9% so với cùng kỳ, diện tích thu hoạch 2.399 ha, sản lượng đạt 593.162 tấn, tăng 0,3%. Xuất khẩu sáu tháng đầu năm đạt 824 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ.
Có thể bạn quan tâm
KTĐT - Thu nhập thấp, điều kiện làm việc thiếu thốn, lại không được hưởng các chính sách về bảo hiểm, biên chế đã khiến cho hoạt động của đội ngũ thú y viên cơ sở ở các thôn, xã gặp nhiều khó khăn.
Trận lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua khiến ba phần tư diện tích Thái Lan ngập trong nước lũ và đe dọa nhấn chìm thủ đô Bangkok
Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…
Trong vài năm trở lại đây, phát huy tiềm năng của địa phương, bà con các dân tộc ở Hồng Định đã đưa nhiều giống ngô mới vào gieo trồng. Kết quả là cây ngô đã trở thành cây có sản lượng lớn nhất và mang lại thu nhập cao nhất cho bà con trong số các cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bà con bán ngô ngay sau khi thu hoạch vì không có cách bảo quản tốt. Giá bán vì thế mà rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá. Những hộ gia đình để sau một vài tháng mới bán, được giá cao thì lại bị mối, mọt, làm hao hụt sản lượng ngô.
Để nông nghiệp Việt Nam đứng vững và phát triển sau khi gia nhập WTO, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng mô hình nông nghiệp tiên tiến. Mô hình nông nghiệp tiên tiến là mô hình hướng công nghệ cao, có một số đặc trưng sau đây