Vướng Mắc Trong Quy Hoạch Xây Dựng Nông Thôn Mới
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch phải đi trước một bước. Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong khi một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị cán đích thì nhiều địa phương vẫn còn loay hoay với tiêu chí quy hoạch.
Quy hoạch chồng chéo
Xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh) là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí quy hoạch vì vướng phải dự án quy hoạch Khu du lịch- dịch vụ biển Vĩnh Thái của tỉnh.
Xã Vĩnh Thái có diện tích 1.400 ha, trong đó 518 ha nằm trong quy hoạch Khu du lịch- dịch vụ biển. Đây là một dự án du lịch cao cấp với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 3.400 tỷ đồng. Nếu xây dựng thành công theo quy hoạch này thì Vĩnh Thái sẽ mang dáng dấp của một đô thị loại 5 với hệ thống đường giao thông rộng từ 36-50 m; vùng trung tâm dân cư hiện tại sẽ trở thành những resort, nhà hàng thuộc khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng khu dân cư cũng được đầu tư tương xứng.
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai thực hiện, Khu du lịch- dịch vụ này mới dừng ở mức cắm mốc quy hoạch vì vậy khi thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, UBND xã Vĩnh Thái rất lúng túng vì không biết phải triển khai quy hoạch như thế nào? Nếu dựa trên quy hoạch Khu du lịch - dịch vụ thì số vốn đầu tư quá lớn, địa phương không đủ tiềm lực để thực hiện nhưng nếu phá vỡ quy hoạch này cũng không được vì hiện tại toàn bộ đất vùng trung tâm của xã đều nằm trong dự án đã quy hoạch, địa phương không thể cấp đất, giao đất… ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn .
Nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch - dịch vụ Vĩnh Thái, Trường Mầm non cụm Vĩnh Thái là nơi học tập của trên 100 cháu lứa tuổi mầm non, mẫu giáo thuộc địa bàn 4 thôn gồm: Tân Thuận, Tân Hòa, Đông Luật và Thử Luật.
Trường được xây dựng năm 2007 nhưng vì ở gần biển, vị trí xây dựng trường lại nằm trên tổ mối nên hàng năm cơ sở vật chất hư hỏng nhiều. Mái tôn, cánh cửa đều bị rỉ ré t và mối xông; phòng học khá chật chội, nhà vệ sinh, bếp ăn đều không đảm bảo.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non cụm Vĩnh Thái thì hiện nay các phòng học đã xuống cấp, để đảm bảo điều kiện cho các cháu yên tâm học tập, nhà trường chỉ thực hiện sửa chữa khắc phục tạm thời. Hiện tại, trường đang thiếu 2 phòng học nhưng không được xây dựng thêm vì nằm trên đất quy hoạch. Nếu thực hiện di dời, xây dựng lại trường mới thì cũng gặp rất nhiều khó khăn vì kinh phí rất lớn.
Không riêng gì xã Vĩnh Thái, một số xã trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch NTM do vướng phải quy hoạch của những dự án có từ trước. Xã Gio Phong (Gio Linh) là xã điểm NTM của tỉnh, hiện Gio Phong đạt 13/19 tiêu chí, còn 6 tiêu chí nhưng địa phương này cũng đang gặp nhiều khó khăn do có 21 ha đất nằm trong quy hoạch Khu di tích - lịch sử Dốc Miếu.
Sau hơn 10 năm quy hoạch, dự án vẫn chưa triển khai xây dựng nhưng đất đai thuộc vùng quy hoạch thì người dân không được sử dụng. Do vậy, nhiều hộ gia đình sống trong khu vực này nhà đã xuống cấp hư hỏng nặng nhưng vẫn không thể nâng cấp, sửa chữa.
Hiện có trên 40 hộ dân thuộc thôn Lan Đình vẫn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh trong khi đây là khu vực mặt tiền Quốc lộ 1A, vùng trung tâm của xã Gio Phong có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ buôn bán nhỏ đảm bảo tiêu chí chuyển dịch lao động và tăng thu nhập, giúp Gio Phong sớm hoàn thiện mục tiêu xây dựng NTM.
Theo ông Nguyễn Đức Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Phong, trong số 58 hộ nghèo của xã có nhiều gia đình sống ở khu vực này. Người dân ở đây sống gần đường, đất đai, ruộng vườn ít nên kinh doanh dịch vụ là hợp nhất nhưng giờ trên đất này nhà cửa, hàng quán không được phép xây dựng nên những hộ gia đình này không biết phải làm gì để xóa đói giảm nghèo.
Ở vùng trung tâm nhưng nhà dân ở đây lụp xụp, tạm bợ không chỉ ảnh hưởng đến bộ mặt phát triển của xã mà mục tiêu xóa nhà tạm bợ, dột nát của địa phương cũng không thể hoàn thành vì vùng quy hoạch dự án này.
Quy hoạch chưa phù hợp thực tế
Quy hoạch NTM là lĩnh vực khá mới mẻ nhưng ngay từ khi ra đời các văn bản hướng dẫn thực hiện từ Trung ương đến địa phương không kịp thời gây không ít hiểu nhầm ở chính quyền cơ sở.
Công tác quy hoạch xây dựng NTM cần xuất phát từ tình hình cụ thể của từng địa phương với những điều kiện tự nhiên, đặc điểm lịch sử, đặc trưng văn hóa, truyền thống và nhu cầu thực tế của cộng đồng dân cư nông thôn.
Vậy nhưng khi triển khai thực hiện, không ít địa phương lại nhầm tưởng rằng xây dựng NTM là một dự án; quy hoạch nhiều nhà nước sẽ đầu tư xây dựng nhiều và xây dựng NTM là phải chuẩn như các tiêu chí quy định nhà nước có nghĩa là cứ tiêu chí nào chưa đạt chuẩn thì phá bỏ xây dựng mới lại hoàn toàn chứ không kế thừa cái cũ.
Vì vậy, hầu hết các bản quy hoạch xây dựng NTM của các địa phương đều có vốn đầu tư quá lớn so với nhu cầu thực tế. Nếu dựa trên quy hoạch xây dựng NTM các địa phương thì tổng vốn đầu tư xây dựng NTM toàn tỉnh lên đến 1.750 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn so với tiềm lực hạn hẹp của tỉnh. Điển hình như xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), một trong những xã chuẩn bị hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào cuối năm 2014.
Nếu dựa trên đề án quy hoạch xây dựng NTM của địa phương này thì tổng vốn đầu tư xây dựng NTM ở Vĩnh Thạch phải trên 100 tỷ đồng nhưng thực tế sau gần 4 năm triển khai, tổng nguồn lực đầu tư cho địa phương này khoảng 30 tỷ đồng thì Vĩnh Thạch cơ bản hoàn thành các tiêu chí về NTM.
Lý giải về điều này, ông Trần Văn Thu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Trên thực tế, việc quy hoạch xây dựng NTM do đơn vị tư vấn phối hợp chính quyền xã thực hiện nhưng do các đơn vị tư vấn xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các đơn vị tư vấn xây dựng nên chỉ am hiểu về xây dựng chứ không hiểu nhiều về phong tục, tập quán cũng như các nguồn lực về tài nguyên, con người và những nhân tố mang tính động lực của địa phương.
Đã vậy các đơn vị tư vấn lại nhận hợp đồng nhiều xã cùng một lúc nên sự đầu tư, nghiên cứu, đi khảo sát thực tế không nhiều, chủ yếu dựa vào nguồn số liệu báo cáo của xã nên việc đánh giá hiện trạng để tập trung xây dựng chỉnh trang, nâng cấp chưa chính xác.
Có thể nói việc quy hoạch NTM mặc dù dựa trên các tiêu chí xây dựng NTM của nhà nước nhưng cần có tính kế thừa, phải dựa trên nền tảng của cái cũ để xây dựng thêm chứ không thể một lúc thay thế mới hoàn toàn. Nếu quy hoạch quá cao, nhà nước sẽ không đủ vốn để đầu tư trong kh i nhân dân lại có tư tưởng trông chờ ỷ lại nhà nước vì cho rằng đây là chương trình nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước có đầu tư dân mới đối ứng”.
Có thể nói quy hoạch xây dựng NTM không ch ỉ là vấn đề trước mắt mà còn có hiệu ứng lâu dài, có thể 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm nên cần phải có sự đầu tư đúng mức. Khi đồ án quy hoạch chung được xây dựng hợp lý, sát thực tế, phản ánh đúng thực trạng và tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đưa ra những định hướng chính xác thì kinh tế - xã hội địa phương mới có điều kiện phát triển, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và tái đầu tư phát triển sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Vào tháng 10, giá sầu riêng bắt đầu tăng giá cao trên 60.000 đồng/kg, đặc biệt vào những ngày tháng 11 giá sầu riêng cao kỷ lục, thương lái đến tận vườn mua sầu riêng Ri 6 và Mongthong trên 100.000 đồng/kg, người dân rất phấn khởi.
Ông Lê Văn Mãnh, ngụ ấp Phú Thạnh, xã Phú Mỹ (Tân Phước) vui mừng vì vừa thu hoạch 3.000 m2 khoai mỡ trúng giá. Tại thời điểm này thương lái đến tận ruộng mua với giá 14.000 đồng/kg. Năng suất đạt 3 tấn/1.000 m2, thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Còn lại 2.000 m2 trồng sau, cũng sắp cho thu hoạch.
Là đơn vị tham gia liên kết sản xuất lúa từ nhiều năm nay và cũng là một trong những đơn vị kinh doanh xuất khẩu gạo có quy mô lớn nhất của tỉnh hiện nay, Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) đã triển khai chương trình liên kết sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2014 - 2015 với nhiều điểm mới. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood cho biết, điểm mới thứ nhất là quy mô diện tích được ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa được mở rộng chưa từng có.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP phân tích thêm: “Nhu cầu vẫn tiếp tục rất lớn. Nhưng khi các nước nhập khẩu họ có đa dạng nhà cung cấp, chúng ta phải tính đến xu thế phải đảm bảo các tiêu chí. Tôi muốn nói ở đây là cạnh tranh phải bằng chất lượng mới duy trì được mức tăng trưởng, duy trì được hàm lượng giá trị gia tăng”.
Theo ước tính của Infofish, khối lượng nhập khẩu tôm toàn cầu tăng thêm khoảng 5 - 6% trong vòng nửa đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái, với xu hướng giá ổn định.