Vườn dưa xanh tốt không dùng thuốc của chàng kỹ sư công nghệ
Từ 40 triệu đồng trồng thử nghiệm, anh Nguyễn Lê Cẩm Tú, TP HCM đã nhân rộng vườn dưa lên 4.000m2, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Những quả dưa lưới đẹp mắt trongnhà màng là thành công sau nhiều nỗ lực và thất bại của chủ vườn. Ảnh: Xuân Chinh
Hiện, anh Tú (ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM) sở hữu hai nhà màng trồng dưa diện tích khoảng 4.000m2. Cứ mỗi 3 tháng thu hoạch một lứa, sản phẩm có gối đầu quanh năm. Tổng sản lượng vườn dưa đạt khoảng 60 tấn mỗi năm. Giá bán tại vườn khoảng 55.000 đồng mỗi kg, cung ứng đi khắp các tỉnh miền Nam.
Dưa được các nhà hàng, siêu thị và khách sạn ưa chuộng bởi quá trình trồng không dùng thuốc. Bí quyết của anh Tú là chọn lọc cây giống kỹ, phòng bệnh từ đầu, trồng trong nhà kính và tính toán dinh dưỡng hợp lý.
Xuất phát điểm từ kỹ sư công nghệ thông tin, anh Tú rẽ ngang sang làm nông dân. Năm 2012, anh tham gia "Dự án ươm tạo doanh nghiệp" tổ chức bởi Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM. Qua đó, anh có dịp tiếp cận kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao cũng như kỹ thuật trồng dưa lưới.
Kết thúc dự án vào năm 2013, anh chọn trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao Nhật Bản để khởi nghiệp với 40 triệu đồng.
Ngày đầu, thiếu kiến thức thực tế và kinh nghiệm, anh chỉ thu về những mớ dây dưa không trái. Sau hai năm liên tục trồng thử nghiệm và nghiên cứu, năm 2015, anh Tú thuê 3.000 m2 đất ở TP HCM làm nhà màng trồng dưa, đầu tư số vốn lên tới hai tỷ đồng.
Cây dưa lưới dễ bị sâu bệnh hại, cần chăm sóc tỉ mỉ từng giai đoạn mới phát triển tốt, cho năng suất cao. Sau hơn hai năm, anh rút ra kinh nghiệm nên phòng bệnh cho cây ngay từ giai đoạn đầu.
Với 4.000m2 dưa lưới, mỗi năm anh Tú thu về 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Xuân Chinh
Hạt giống tại vườn dưa chủ yếu nhập từ Đài Loan, cho trái thon dài, vị ngọt. Để có cây con chất lượng, từ hạt giống đến cây trồng anh đều chọn kỹ tới 2 lần.
Lần đầu tuyển chọn hạt giống đem ươm trong 10 ngày, chăm sóc theo biểu đồ dinh dưỡng hợp lý. Lần hai là khi cây non đã lên lá. Anh lọc, loại bỏ các cây còi cọc, sâu bệnh. Những cây mạnh khỏe nhất mới đưa vào nhà trồng.
Nhà màng trồng dưa thiết kế theo công nghệ Isarel. Quanh nhà bao lưới kín ngăn côn trùng xâm nhập gây bệnh. Mái che bằng vải nhựa chuyên dụng tránh mưa gió.
Anh Tú áp dụng cách thụ phấn thủ công để tăng tỷ lệ đậu quả. Ngoài ra, hàng ngày công nhân thực hiện tỉa cành nách và tỉa quả thừa trên cây. Mỗi dây chỉ để một quả nhằm tập trung dinh dưỡng.
Nhà màng lắp nhiệt kế đo nhiệt độ để điều chỉnh lượng phân bón và nước tưới phù hợp. Từ vốn kiến thức kỹ thuật được học, anh Tú tự chế hệ thống lọc và tưới nước thông minh, đo nhu cầu hấp thụ lượng nước của cây từng giai đoạn.
Anh còn dày công nghiên cứu công thức bón phân hữu cơ khoa học đảm bảo cây luôn đủ dinh dưỡng và độ ẩm.
Dưa lưới công nghệ cao thơm ngon, cùi dày, ngọt đậm của anh Tú. Ảnh: Xuân Chinh
Đến nay, nhu cầu khách hàng ngày càng tăng nên ngoài mở rộng diện tích vườn, anh Tú còn xây dựng vườn vệ tinh ở các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Dự định của chàng kỹ sư công nghệ là trồng thêm nhiều loại cây theo công nghệ cao trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Theo anh Nguyễn Thành Kiên, sâu bệnh gây hại ở mức độ nhẹ có thể lấy áo mưa phủ để diệt trừ nấm, khuẩn gây bệnh.
Giải pháp kỹ thuật giảm lượng axit hữu cơ và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa trên đất phèn và đất phù sa tỉnh Hậu Giang
Bệnh đốm nâu là bệnh dễ lây lan qua nguồn nước, vì vậy các địa phương cần phải tổ chức cho người dân thực hiện các biện pháp phòng, chữa bệnh một cách đồng bộ