Làm Giàu Từ Mô Hình Chăn Nuôi Tập Trung

Đến xã Sơn Dương (huyện Hoành Bồ - Quảng Ninh), hỏi đâu là mô hình chăn nuôi tập trung hiệu quả nhất, cán bộ xã giới thiệu ngay đến gia đình anh Nguyễn Đình Giang. Ở địa phương này, người ta nhắc đến anh như một người tiên phong tạo dựng mô hình chăn nuôi tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao, là điển hình có thể nhân rộng tại địa bàn.
Đến trang trại chăn nuôi tập trung của gia đình anh Nguyễn Đình Giang ở thôn Trại Me, tôi thấy đây là một trang trại được đầu tư khá quy mô, bài bản. Trang trại được quây quanh bởi tường rào, hệ thống ao cá; khu vực chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch tốt.
Trao đổi với tôi, anh Giang cho biết: Trước những năm 2000, toàn bộ khu này hoang vắng, cỏ mọc um tùm. Do gia đình có một phần diện tích đất ở đây, nên anh xin địa phương cấp thêm đất để phát triển kinh tế. Mới đầu hai vợ chồng bắt tay vào cải tạo đất để trồng 1.000 cây vải và nhãn.
Do điều kiện thổ nhưỡng ở đây không phù hợp nên các loại cây này không đem lại hiệu quả kinh tế. Sau đó, hai vợ chồng anh bàn tính chuyển đổi sang mô hình khác cho phù hợp hơn. Năm 2010, anh phá bỏ các cây vải, nhãn để chuyển sang mô hình chăn nuôi. Lúc đầu anh chị cũng chưa biết chăn nuôi gì cho hiệu quả.
Thấy trên sách báo có nhiều mô hình nuôi dê và nuôi lợn đem lại hiệu quả, vợ chồng anh quyết định chuyển sang chăn nuôi các giống này. Vốn liếng ít, gia đình anh làm hồ sơ vay Ngân hàng NN&PTNT huyện 600 triệu đồng để đầu tư xây dựng 600m2 chuồng trại, đào ao, khoan giếng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, vòi cấp nước tự động đến các ô chuồng, hầm bioga… Tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thiện cơ sở vật chất, anh bắt đầu nuôi 80 con lợn, 20 con dê. Vừa nuôi vừa học hỏi, vụ đầu tiên đàn lợn của anh chị cho lãi nhưng chưa nhiều. Không dừng lại ở đó, anh chị tiếp tục mở rộng sang nuôi lợn rừng theo hình thức truyền thống.
Anh Giang quây riêng một khu chừng 300m2 để chăn thả, chỉ cho ăn thức ăn thô, vì theo anh lợn này phải xem chất lượng là trên hết. Mỗi năm, đàn lợn của anh chỉ được một lứa, mỗi con trung bình chỉ cân nặng từ 20-23kg, giá trung bình 250.000 đồng/kg.
Còn lợn lai, anh nuôi theo hình thức bán công nghiệp, cho ăn thức ăn sẵn. Cách nuôi như vậy sẽ hiệu quả hơn, lợn sẽ lớn nhanh. Hiện tại, nhà anh Giang nuôi 150 con lợn, trong đó có 50 con lợn rừng, hàng năm xuất ra thị trường trên 10 tấn lợn.
Mô hình nuôi dê của anh Giang cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, do tận dụng được diện tích đất đồi rộng, khu vực chăn thả thuận lợi. Theo anh Giang, nuôi dê ở đây rất phù hợp nhưng giai đoạn đầu do không biết cách phòng tránh dịch bệnh, thường thả dê ra sớm, ăn sương nên dễ mắc bệnh tiêu chảy và chết. Rút kinh nghiệm, cứ trời khô sương anh mới thả, đồng thời khi dê về chuồng thì cho ăn muối.
Thời gian nuôi dê từ khoảng 8 tháng đến 1 năm thì được bán. Trung bình 1 con dê cân nặng từ 23-27kg, giá bán khoảng 150.000 đồng/kg. Hiện nhà anh có 40 con dê, trong đó có 10 con dê đẻ, một năm anh xuất ra thị trường 7 tạ thịt.
Cùng với đó, anh đào 3 sào ao để thả cá, vừa cung cấp nước tưới phục vụ chăn nuôi. Hiện nay, trong ao nhà anh có các loại cá trắm, chép, rô phi, mỗi năm thu hoạch khoảng 2 tạ cá. Ngoài chăn nuôi, anh còn phát triển trồng rừng. Hiện tại nhà anh có 30ha diện tích rừng chủ yếu là keo và gần 7.000 cây thông đang cho thu hoạch nhựa.
Với mô hình chăn nuôi tập trung kết hợp này, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh Giang thu nhập trên 300 triệu đồng. Để có kết quả thành công như vậy, theo anh Giang trước hết phải có ý tưởng, đồng thời tập trung phòng bệnh, nguồn thức ăn phải đảm bảo, nguồn nước phải sạch sẽ.
Có thể bạn quan tâm

Chuyện thật như đùa này xảy ra ở nhiều vùng nông thôn tỉnh Phú Yên. Nhiều người dân đang khóc dở, mếu dở khi trồng cà dĩa nhưng khi thu hoạch thì không biết là trái cà gì.

Vụ mùa năm nay, người dân ở thôn Mịn To, xã Trù Hựu (Lục Ngạn- Bắc Giang) đã có nguồn thu bạc tỷ từ củ đậu. Chúng tôi về thăm cánh đồng thôn Mịn To đúng dịp bà con đang tất bật thu hoạch cây củ đậu để tiếp tục làm đất sản xuất vụ đông

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh, đã có 94,5 ha diện tích tôm bị dịch bệnh, tăng 61,1 ha so với cùng kỳ và chiếm 5% diện tích tôm thả nuôi toàn tỉnh. Trong đó, bệnh do vi-rút đốm trắng 21,5 ha và bệnh do môi trường 73 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Hoài Nhơn và Tuy Phước.

Người chăn nuôi chưa kịp khôi phục lại đàn lợn do tin đồn về dịch tai xanh, bây giờ lại lao đao với thông tin về chất tạo nạc.

Thôn Định Thắng, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên có 13 hộ dân. Trong đó đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, đông con quanh năm sống trong nhà tranh vách đất